Giải mã 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa (Kỳ 31): Tôn Kiên và Viên Thuật

(PLO) -Mang tiếng là khởi nghĩa binh đánh Đổng Trác, nhưng chiến công đầu tiên của Tôn Kiên là tiêu diệt hai lộ chư hầu phía nam, làm suy yếu đi lực lượng chống Đổng Trác. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến Tôn Kiên là người duy nhất mà Đổng Trác muốn lôi kéo về phe mình. 
Tôn Kiên bị Hoa Hùng truy đuổi
Tôn Kiên bị Hoa Hùng truy đuổi

Có thể nói rằng, trong suốt quá trình khởi nghĩa binh của mình, Tôn Kiên luôn để bản thân dao động giữa hai thái cực: trung thần nhà Hán và tặc thần nhà Hán.

Gặp nhau ở Lỗ Dương

Sau khi tiêu diệt hết các lực lượng chống Đổng Trác ở Kinh Châu, Tôn Kiên liền tiến quân tới huyện Lỗ Dương. Tại chỗ này, ông ta gặp được Viên Thuật. Viên Thuật lúc này vừa chạy trốn khỏi Lạc Dương vì sợ Đổng Trác làm hại (thế nhưng vẫn đeo chức Hậu tướng quân do Đổng Trác phong cho). Tôn Kiên vừa gặp Viên Thuật thì giống như Quan Công gặp Lưu Bị, dốc hết lòng dạ cho Viên Thuật.

Tam quốc chí nói rằng khi Thuật chạy ra ngoài, vừa hay Tôn Kiên mới giết Thái thú Nam Dương, Viên Thuật liền chiếm được Nam Dương làm căn cứ. Đổi lại, Thuật dâng biểu tiến cử Tôn Kiên làm Phá Lỗ tướng quân, giữ chức Thứ sử Dự Châu. 

Viên Thuật chiếm được địa bàn Nam Dương rồi, bèn lấy huyện Lỗ Dương làm căn cứ địa, mở cuộc duyệt binh lớn ở đây để chuẩn bị tiến đánh Đổng Trác. Tôn Kiên cũng thực sự tỏ ra là Thứ sử Dự Châu. Ông ta bày tiệc lớn để tiễn Trưởng sử Công Cừu Xứng về “bản châu” (tức Dự Châu) để đốc thúc quân lương. Cừu Xứng sẽ một đi không trở lại.

Tôn Kiên tiến quân vào phía đông huyện Lương. Đụng phải tướng của Đổng Trác là Lý Mông, bị Mông đánh thua to. Thái thú Dĩnh Xuyên do Tôn Kiên bổ nhiệm là Lý Mân bị bắt sống đem nấu thịt. Còn Tôn Kiên thì vội vã cởi khăn đội đầu đưa cho cận tướng Tổ Mậu đội để đánh lạc hướng cho Kiên chạy trốn.

Tôn Kiên lại thu thập binh lính, quay lại giao chiến với tướng của Đổng Trác là Đại đốc hộ Hồ Chẩn ở Dương Nhân. Trận này vì các tướng của Trác đều ghét Hồ Chẩn. Lữ Bố lại ở trong quân phao tin nhảm làm quân rối loạn mệt mỏi. Tôn Kiên được một mẻ thắng to, chém được Đô đốc Hoa Hùng (Phan Mi dựa vào một trích dẫn Tam quốc chí thời Tống trong sách Quảng vận cho biết bản thời Tống ghi là Đô úy Diệp Hùng, mà nay lầm). 

Chính lúc này, Viên Thuật lại nghe lời gièm pha. Có người bảo rằng: “Kiên nếu được đất Lạc Dương, thì không thể khắc chế được nữa, ấy là trừ sói mà được hổ rồi”. Thế là Viên Thuật không chuyển quân lương cho Tôn Kiên nữa. Dương Nhân cách Lỗ Dương hơn trăm dặm, Kiên phi ngựa suốt đêm về gặp Viên Thuật để ... năn nỉ, trái hẳn với phong thái ngày nào khi Thái thú Nam Dương Trương Tư không chịu chia lương thực. Tôn Kiên vẽ xuống đất để tính toán, kể lể, nói rằng: “Sở dĩ tôi đem thân ra đi mà chẳng ngoái đầu, trên là vì nước nhà mà đánh giặc, dưới là vì ái ngại cho gia tộc của tướng quân mà báo thù. Kiên với Trác chẳng có oán thù xương thịt, mà tướng quân lại nghe lời gièm pha, trở lại hiềm nghi nhau”. Thật ra Tôn Kiên buông ra câu sau cùng chính là nói dối mà không biết chớp mắt.

Minh họa Viên Thuật thời nhà Thanh. Tôn Kiên là người đã giúp Viên Thuật lập căn cứ địa đầu tiên ở Nam Dương (Kinh Châu)
Minh họa Viên Thuật thời nhà Thanh. Tôn Kiên là người đã giúp Viên Thuật lập căn cứ địa đầu tiên ở Nam Dương (Kinh Châu)

Mối tư thù bị che giấu

Tôn Kiên và Đổng Trác thực sự có thù, hơn nữa kẻ khơi mối thù ấy chính là Tôn Kiên. Số là vào thời Hán Linh đế, Biên Chương, Hàn Toại làm phản ở Tây Lương. Triều đình sai Xa Kỵ tướng quân Trương Ôn đi đánh dẹp. Ôn đưa chiếu thư triệu Đổng Trác. Nhưng Trác mãi sau mới đến. Ôn dùng lời lẽ trách Trác, Trác cũng đối đáp lại không khuất phục. Tôn Kiên ngồi ở bên cạnh, rỉ tai bảo Trương Ôn dùng quân pháp chém Đổng Trác.

Trương Ôn cho rằng Trác có uy danh ở Lũng, Thục, cần phải dựa vào uy tín của Đổng Trác nên không nghe theo. Tôn Kiên liền kể ra ba tội của Đổng Trác (vô lễ với bề trên; cản trở việc đánh dẹp Biên Chương, Hàn Toại; làm việc không có công, dềnh dàng tự kiêu), bảo Trương Ôn bắt chước Tư Mã Nhương Tư chém Trang Giả.

Trương Ôn cũng không nghe theo. Kết quả Biên Chương, Hàn Toại nghe đại binh tới, bè đảng tự tan, phải đầu hàng. Khi quay về, mọi người cho rằng quân đội chưa giao chiến nên không được ban thưởng. Nhưng nghe được chuyện Tôn Kiên kể tội Đổng Trác, khuyên giết đi thì “chẳng ai không than tiếc”. Thế là Tôn Kiên được bái làm Nghị lang.

Lâm Quốc Tán từng đặt vấn đề về ghi chép này. Ông nói: “Lúc bấy giờ Trác chưa tỏ ra hung nghịch, chẳng có gì để than tiếc. Nếu đã than tiếc thì vì sao sau này còn gọi về? Sợ là sau khi việc đã xảy ra mới vẽ ra lời văn thôi”. Quả thực câu chuyện mà Trần Thọ chép lại là hết sức đáng ngờ. 

Thẩm Gia Bản từng khảo cứu về chiến dịch này. Ông ta chỉ ra rằng câu chuyện của Trần Thọ so với ghi chép của Hậu Hán thư “hoàn toàn không phù hợp”. Chẳng hạn, Phạm Diệp nói rằng Trương Ôn đã sai tiến đánh nhưng “không khắc chế được”, chứ không phải là “quân chưa giao chiến”; Trương Ôn bị triều đình gọi về chứ không phải chiến thắng trở về. Ông kết luận rằng “sợ là Thừa Tộ nhầm lẫn”. Quả đúng như thế.

Chính chiến dịch này đã được Đổng Trác kể lại rất chi tiết trong Sơn Dương Công tái ký. Chu Thận bao vây Biên Chương, Hàn Toại ở Kim Thành. Đổng Trác dâng kế muốn tự đi bảo vệ phía sau cho Thận. Trương Ôn không nghe, lại phái Trác đi đánh người Khương Tiên Linh. Đổng Trác cho quân bảo vệ phía sau mình, nên không bị cướp lương.

Ngược lại Chu Thận bị Biên Chương, Hàn Toại cắt đường vận lương, phải vứt vật tư bỏ chạy. Trương Ôn cho là phía tây có thể một trận là dẹp yên, Trác thì cho rằng không dễ như thế (Tôn Kiên cũng hùa theo ý Ôn, nên tội thứ hai của Trác là: “cản trở quân binh, làm cho mọi người nghi hoặc”). Kết quả đều đúng như lời Đổng Trác tiên đoán mà Tôn Kiên cũng từng kiến nghị với Chu Thận về việc đi cắt lương của địch. Qua sự việc ấy, Đổng Trác thường có cái nhìn tích cực về Tôn Kiên; ngược lại Tôn Kiên lại ghét Đổng Trác. 

Tôn Kiên đánh Lưu Biểu. Lưu Biểu là lộ chư hầu đánh Đổng thứ ba bị Kiên tấn công trong suốt sự nghiệp “cần vương” của mình
Tôn Kiên đánh Lưu Biểu. Lưu Biểu là lộ chư hầu đánh Đổng thứ ba bị Kiên tấn công trong suốt sự nghiệp “cần vương” của mình

Dấu vết quân thần

Trần Thọ mô tả về Tôn Kiên và Viên Thuật gần như là hai thế lực, nhưng có khá nhiều người không đồng tình. Phạm Diệp, Viên Hoành khi viết về thời kỳ này đều xác nhận Tôn Kiên chính là một tướng lĩnh thuộc nhánh thế lực của Viên Thuật. Chẳng hạn, Phạm Diệp viết: “Viên Thuật sai tướng là Tôn Kiên cùng với tướng của Đổng Trác là Hồ Chẩn đánh nhau ở Dương Nhân”, “Viên Thuật phái tướng là Tôn Kiên đánh Lưu Biểu ở Tương Dương”.

Viên Hoành thì viết: “Lưu Biểu cùng với Viên Thiệu liên hòa. Viên Thuật giận, triệu Tôn Kiên tới sai đánh Biểu”.Điều này là phù hợp với thực tế. Sau khi chiếm được Nam Dương, Tôn Kiên liền nhường nó cho Viên Thuật và đi đánh trận với lương thực do Viên Thuật chu cấp. Khi bị cắt lương, Tôn Kiên chỉ dám về năn nỉ. Sau khi tiến vào Lạc Dương, Tôn Kiên lại quay về Lỗ Dương – bản doanh của Viên Thuật, mặc dù bản thân Kiên là Thứ sử Dự Châu. 

Sự kiện đánh Lưu Biểu là minh chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ chủ tớ này. Tôn Kiên và Lưu Biểu không có thù oán gì cả. Lưu Biểu được triều đình cử làm Thứ sử Kinh Châu thay Vương Duệ. Lưu Biểu đã dâng biểu tiến cử Viên Thuật làm Thái thú Nam Dương. Nhưng có lẽ Thuật chê chức nhỏ, bèn đóng quân ở Lỗ Dương, ngăn không cho Biểu vào tiếp nhận Kinh Châu. Lưu Biểu đành đóng trị sở mới ở Tương Dương và cũng cất quân với danh nghĩa đánh Đổng Trác, liên minh với Viên Thiệu.

Viên Thuật liền gọi Tôn Kiên từ mặt trận chống Đổng Trác về đánh Lưu Biểu. Tôn Kiên cũng cun cút nghe theo. Hành động này được Trần Thọ định nghĩa là “hợp tòng” – tức là gần như liên minh. Nhưng trên thực tế đi đánh Lưu Biểu chỉ có thân binh của Tôn Kiên chứ không hề có cánh quân nào khác của Viên Thuật. Vì vậy chỉ có thể kết luận rằng Tôn Kiên đi đánh Lưu Biểu là thực thi mệnh lệnh của Viên Thuật, và nhằm thỏa mãn ý đồ cá nhân của Viên Thuật.

Đặc biệt là lúc này Viên Thiệu cũng sai Chu Ngung đi giành Dự Châu với Tôn Kiên. Mà Lưu Biểu cũng là một trong những người cất quân đánh Đổng Trác, tương tự như Hàn Phức. Hồng Tiện thời Thanh có nói rằng: “Lưu Biểu ở Kinh Châu, cũng có lòng với vương thất, còn Thuật có chí nghịch loạn, mà Kiên lại vâng lệnh đi đánh. Đó là điều cũng nên nghị luận”. 

Sự dính dáng của Tôn Kiên với tư cách thuộc tướng trong buổi đầu “sáng nghiệp” của đế chế Trọng Gia là một vấn đề rắc rối trong lý lịch của Tôn Kiên. Nhưng nó có thể cứu gỡ bằng một lập luận khác, nhưng câu chuyện này lại đưa Tôn Kiên xa rời thêm với con đường của một trung thần. Đó là chuyện gì?

Đọc thêm