Chuyện kể ở ngôi làng sửa chữa tàu Không số

(PLO) - Cách đây 700 năm, làng đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) ra đời. Đây là nơi đóng tàu cho triều đình, sửa chữa đóng mới tàu Không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam góp phần giải phóng và thống nhất đất nước. Thời bình, làng đóng tàu lại giúp ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền.
Thợ làng Trung Kiên đang hoàn thành con tàu để bàn giao cho ngư dân.
Kiên trung trong thời chiến
Làng Trung Kiên, xưa kia có tên khác là làng Hoàng Lao nằm ở cửa con sông Cấm. Trong một lần Vua Lê Trung Hưng tuần du, thuyền Rồng của Vua mắc cạn không thể trở về. Trong số những người lính thợ thuyền có người đàn ông tên Hầu, người làng Hoàng Lao, người này đã có sáng kiến cắt đôi thuyền đưa ra khỏi chỗ cạn và ghép thuyền lại như cũ để thuyền quay đầu trở về.
Sau khi thuyền rồng quay đầu trở về, người lính thợ thuyền này được Vua trọng thưởng và phong là Quan hậu thần Châu Công. Đây cũng được xem là “thủy tổ” của làng đóng tàu Trung Kiên. 
Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, làng Trung Kiên trở thành nơi sản xuất tàu thuyền cho quân đội chuyên chở đạn dược và lương thực vào miền Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển để tiếp tế quân đội ta. 
Ông Nguyễn Gia In – Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên tự hào kể: “Có đến hàng ngàn, hàng vạn chiếc thuyền được người dân làng Trung Kiên đóng lên để phục vụ triều đình, phục vụ quân đội và phục vụ nhu cầu đánh bắt cá tôm của nhân dân trên nhiều vùng miền từ Bắc chí Nam… ”.  Nhắc đến truyền thống lâu đời và công lao to lớn của làng đóng tàu Trung  Kiên, người dân nơi đây ai nấy đều rất đỗi tự hào về bề dày lịch sử cũng như sứ mệnh được giao phó hoàn thành. 
Vào những năm 1959 – 1960, làng Trung Kiên được nhờ đóng và sửa chữa những con tàu “lạ”. Quan sát thì những con tàu đó không có số hiệu gì cả, nhưng vì sự nhiệt tình và trách nhiệm của người thợ nên những con tàu “lạ” bị hỏng nhanh chóng được sửa chữa thành công và sớm tiếp tục hành trình của mình. 
 Gấp rút hoàn thành con tàu những công đoạn cuối cùng.
“Mãi đến sau này, người trong làng mới được biết đó là những con tàu trong đoàn tàu Không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Người trong làng đã sửa chữa hỏng hóc của 6 con tàu trong đoàn tàu Không số đó. Thợ đóng tàu của làng Trung Kiên còn được điều động vào Hà Tĩnh đóng và sửa chữa một số con tàu Không số ở trong đó. Không nhớ cụ thể là bao nhiêu tàu Không số được sửa chữa nhưng cứ có con tàu nào hỏng hóc mang đến đều được tận tình sửa chữa và hoàn thành nhanh chóng…”, ông Nguyễn Gia In cho biết. 
Bám biển thời bình
Mới đó đã 700 năm, làng đóng tàu Trung Kiên cũng đã “có tuổi”, tay nghề của những người thợ đóng tàu được đúc rút kinh nghiệm từ nhiều đời để lại. Hòa bình lập lại, thay vì đóng tàu phục vụ quân đội, làng Trung Kiên lại miệt mài với gỗ, với đục, với cưa, kéo để đóng tàu cho ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản. 
Từ chỗ làm tàu manh mún từng cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, năm 2003 HTX Đóng tàu thuyền Trung Kiên được thành lập. Đến nay, HTX có 39 thành viên với hơn 300 lao động được làm việc có thu nhập ổn định từ 7 – 8 triệu đồng/tháng/người. 
Xu thế thay đổi của khoa học hiện đại, người thợ đóng tàu làng Trung Kiên cũng không ngừng học hỏi kinh nghiệm và đúc rút kinh nghiệm để tàu thuyền ngày càng hiện đại hơn phù hợp với thị hiếu và nhu cầu ngư dân. 
“Hiện nay cũng chưa có một trường nghề nào đào tạo đóng tàu vỏ gỗ nên thợ đóng tàu phải đúc rút kinh nghiệm và tự học hỏi để nâng cao tay nghề. Anh em trong làng là thợ đóng tàu có truyền thống nên khi tàu thuyền của làng chúng tôi hoàn thành và bàn giao cho ngư dân thì hầu hết đều yên tâm với chất lượng cũng như công suất hoạt động. Anh em đều làm bằng cả cái tâm của làng nghề mà cha ông để lại…”, anh Nguyễn Gia Quang – một chủ xưởng đóng tàu trong HTX Đóng tàu thuyền Trung Kiên tâm sự. 
Với chủ trương giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như ra khơi để mưu sinh, làng đóng tàu Trung Kiên đã trực tiếp chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho ngư dân yên tâm bám biển. 
Được biết, trong vòng 10 năm (từ năm 2004 đến năm 2014), mỗi năm làng nghề Trung Kiên đóng khoảng 80-100 tàu, trong đó có nhiều chiếc 800-1.200 CV phục vụ ngư dân đánh bắt ở các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày 25/11/2014, HTX Đóng tàu Trung Kiên được vinh danh là một trong 6 “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”, HTX Đóng tàu thuyền Trung Kiên được tặng danh hiệu “Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam”; ông Nguyễn Trọng Nhỏ được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”; ông Nguyễn Gia In vinh dự được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang...
Những ngày đầu Xuân, nắng chiếu vào những con tàu (thợ làng Trung Kiên đã và đang hoàn thành) đồ sộ, đứng sừng sững, hiên ngang trước biển sẵn sàng cho ngư dân bám biển ra khơi./.

Đọc thêm