Ngoài 75 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tiến Thiểu (thôn Hoàng Lý, Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam) vẫn không biết vì sao gia đình mình lại bị hiện tượng lạ lùng này.
Không có con đường cùng
Người ta vẫn nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, thế nhưng khắp trong làng, ngoài xóm Hoàng Đông, không ai không biết tới ông Thiểu chỉ có một ngón nhưng lại rất giỏi từ cầm, kì, thi, họa, làm cây cảnh tới… may vá. Thế nên, từ đám cưới tới tết nhất trang trí nhà cửa hay dịch câu đối, hoành phi cho đình, chùa, miếu mạo, mọi người đều gọi tới ông.
Năm 1939, khi sinh ra với một hình hài kì dị, mỗi tay mỗi chân đều có duy nhất một ngón, cậu bé Thiểu là nỗi khiếp sợ của cả gia đình, làng xóm. Hồi đó, người đời đồn thổi đứa bé này chính là ma quỷ nên phải ném đi. Nhưng thấy Thiểu ngoan ngoãn, ăn no, ngủ say lại đáng yêu nên mặc sự kì thị nghiệt ngã của người đời, bố mẹ ông cố bảo bọc, nuôi nấng đứa con thiệt thòi này.
Càng lớn lên, cậu bé “một ngón” càng tỏ ra là một cậu bé hiền lành, có thể làm được những việc khiến người khác phải ngỡ ngàng. Cậu luôn miệt mài làm tới cùng mọi việc bởi cậu cho rằng không bao giờ có giới hạn khi ta có quyết tâm và ý chí vượt qua nó. Thế nên, viết chữ, học hành, đạp xe, đi xe máy…, cậu đều thành thạo sau những ngày tập luyện đau đớn, trầy da tróc thịt, ngã rồi lại dậy.
Và suốt những năm niên thiếu, mặc mưa bom bão đạn, ông Thiểu vẫn chân đất một ngón đi bộ hơn chục cây số đến trường. Tốt nghiệp Khoa Trung văn Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, ông từng làm phiên dịch tiếng Trung một thời gian dài cho nhiều đoàn công tác. Sau đó ông giảng dạy ở Trường Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội).
Ngày ấy, cùng làm việc với ông có rất nhiều chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc. Họ thường nhìn ông bằng ánh mắt tò mò. Học sinh trong trường cũng không khỏi dán mắt vào ông như thể lần đầu thấy người ngoài hành tinh. Thế nhưng, nhờ có nhiều tài lẻ và bằng trái tim của một người luôn thiết tha với cuộc đời, ông đã dần chinh phục được các học sinh cũng như đồng nghiệp của mình.
Không dừng lại ở đó, ông muốn đi tìm thử thách mới nên đã chuyển sang học ngành Ngân hàng. Suốt mấy năm trời, tuần nào ông cũng phải đạp xe hơn 90 cây số để tham gia một lớp học ở thị xã Thanh Hóa (TP. Thanh Hóa bây giờ). Nghị lực phi thường của người đàn ông khuyết tật khiến những người khó tính nhất cũng phải nể phục. Ngay sau khi học xong, ông được nhận về công tác tại Ngân hàng Công thương Hà Nam và đảm đương những vị trí quan trọng một thời gian dài cho tới khi nghỉ hưu.
“Mát tay” với các đám cưới
Ông Thiểu lập gia đình riêng khá sớm, hơn 20 tuổi ông đã lấy vợ, sinh con. Thật lạ lùng, “căn bệnh một ngón” ấy lại di truyền sang thế hệ sau. Hai trong số 7 người con của ông dị tật y hệt cha, và hai người con của em trai bị chứng “một ngón” tương tự. Ông tâm sự: “Khi biết gia đình tôi bị “thiếu tứ chi”, người dân quanh đây bắt đầu đồn thổi, một đồn mười, mười đồn trăm nghĩ là gia đình ấy sống không hẳn hoi nên trời phạt. Chúng tôi cũng không biết nguyên do từ đâu mà lại có di chứng lạ này”.
Thế nhưng, trời không lấy hết của ai cái gì và cuộc sống cũng không dễ gì trọn vẹn. Gia đình đông con, cuộc sống bộn bề khó khăn song nhờ có nhiều tài lẻ, ông kiếm thêm tiền nhờ vẽ tranh, viết giấy khen thuê, dịch sách tiếng Trung, dịch gia phả cho các dòng họ, dịch sách cổ cho các đình làng và cả trang trí đám cưới thuê...
Ông nhẩm tính, đến nay ông đã trang trí cho hơn 200 đám cưới xa gần. Như thành thông lệ, hầu hết các đám cưới trong làng dù thế nào cũng phải nhờ ông “mó” tay vào một việc gì đó để lấy may cho cô dâu, chú rể. Lúc “nhớ nghề” ông còn nhận lời đi dạy tiếng Trung cho các lớp xuất khẩu lao động. Khi rảnh rỗi ông lại chăm chút cho vườn cây cảnh, mới đây có người phục tài còn đưa ông lên tận Tuyên Quang nhờ ông uốn, tạo thế cho cây.
Là con trưởng trong gia đình, trách nhiệm của dòng họ đè nặng lên vai vợ chồng ông. Sau khi sinh cho chồng 6 con gái khỏe mạnh, giỏi giang, người vợ tần tảo của ông đã lâm bệnh qua đời. Khi ấy, ông gần 60 tuổi nhưng có lẽ vì đa tài lại có duyên nên nhiều cô gái trẻ, đẹp trong làng vẫn đánh tiếng gần xa muốn được chắp nối mối tình già.
Một năm sau khi vợ mất, ông kết duyên lần thứ hai với một phụ nữ kém mình 20 tuổi. Và niềm hạnh phúc muộn màng đã đến khi người vợ mới sinh cho ông một con trai để nối dõi tông đường. Nhưng hiềm một nỗi, cậu bé lại giống hệt ông, chỉ có một ngón tay và một ngón chân mà thôi. Đã nhiều lần các đoàn cán bộ làm khoa học về gia đình ông để nghiên cứu và khẳng định đây không phải là do chất độc da cam vì các em gái của ông sinh con cái đều bình thường, khỏe mạnh, nhưng vẫn không ai kết luận được đâu là căn nguyên của chứng “một ngón”.
Các con lớn của ông giờ đã xây dựng gia đình và có công ăn việc làm ổn định. Hương, cô con gái dị tật giống ông cũng tự trang trải kiếm sống bằng nghề may tại một xưởng may dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Còn Đạt (người con út, sinh năm 2000) tuy tay, chân giống cha nhưng sớm bộc lộ tài năng di truyền vẽ đẹp, học giỏi.
Dù đã ở tuổi 75 nhưng ông Thiểu vẫn khỏe khoắn và nhanh nhẹn, mọi việc trong nhà ông đều có thể làm được, thậm chí ông còn biết may vá rất khéo bằng đôi tay thiếu hụt của mình. Vì may đẹp nên rất nhiều bà con trong thôn có áo bị rách hay thay khóa đều sang nhờ và ông làm rất tỉ mỉ… Thế nhưng, vì cũng đã ở tuổi “cổ lai hy”, trong ông luôn đau đáu những nỗi niềm về cậu con út bởi sự hữu hạn của đời người. Cùng với đó là những câu hỏi không có lời đáp về căn bệnh lạ kì của gia đình…