“Nhân viên” không lương của ngành đường sắt
Ông là Đặng Văn Lợi, 58 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Hơn chục năm nay, ai đi ngang con hẻm nhỏ nằm cắt ngang đường sắt (đối điện cổng phụ của trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đều không khỏi ngạc nhiên trước một người đàn ông nhỏ thó, ăn mặc tuềnh toàng ngồi tựa lưng cả ngày ở sát vách hẻm.
Đông cũng như hè, nắng cũng như mưa, ông có mặt ở hẻm từ sáng sớm cho đến tối khuya, khi con hẻm đã thật vắng người qua lại. Và hễ có tàu tới là ông nhổm dậy canh chừng, cảnh báo cho mọi người để dừng lại khi tàu đến. Tàu khuất dạng rồi, ông mới ngồi xuống thu lu ở một góc hẻm.
Với những người dân quen mặt ông ở trong khu vực, họ gọi ông là ông Lợi barie, bởi từ xưa lắc đến nay, họ đã quen với sự có mặt của ông như một “gác chắn” sống. Con hẻm này khá ngắn và nhỏ xíu, tuy nhiên lại là “điểm đen” về tai nạn giao thông đường sắt vì đoạn giao cắt này không có rào chắn. Không phải là lối đi chính thức, nhưng vì tiện và gần nên hàng ngày có hàng trăm lượt người vào ra, băng ngang nơi đây, nhiều nhất là sinh viên thuê trọ bên trong. Đường sắt băng ngang đoạn hẻm này có một khúc quanh, vì vậy tầm nhìn của người đi đường bị bó hẹp, nhất là với những người mới đến đây lần đầu dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, không quan sát.
Hôm chúng tôi đến, ai nấy đều hơi ngờ ngợ bởi thay vì dòm ra đường tàu, ông lại lui mình nép về một góc của con hẻm, cắm cúi... đọc sách. Con hẻm nhỏ xíu nên bao nhiêu lượt người qua lại đều đi sát vào trước mặt ông, ông vẫn điềm nhiên như không, đắm mình vào thế giới của sách, không màng đến chuyện gì đang diễn ra trước mắt.
Ấy vậy mà, khi nghe âm thanh còn rất nhỏ của tiếng còi tàu ngoài xa, ông lập tức ngồi bật dậy nhanh như một chiếc lò xo, gấp lẹ cuốn sách đang đọc dở bỏ qua bên rồi sấp ngửa chạy ra dòm, một tay ngăn những người sau lưng mình đi tới, một tay khoát khoát báo hiệu cho những người bên kia đường tàu biết mà dừng lại. Tàu ầm ầm chạy qua, nhận ra sự hiện diện của chúng tôi, ông mới cười hề hề gãi đầu mời ngồi cùng ở con hẻm chật hẹp.
Gia cảnh bần hàn của “hiệp sĩ đường sắt”
Nhìn vào những cuốn sách ông luôn mang theo bên người, nhiều người dễ tưởng rằng gia cảnh ông cũng không đến nỗi nào, ít ai ngờ được, hoàn cảnh của ông vô cùng khó khăn và chật vật, bởi hầu hết thời gian trong ngày, ông đều dành cho công việc gác tàu... miễn phí nhưng rất đỗi nhiệt tình và trách nhiệm của mình.
Quê ở Quảng Nam, lớn lên chàng thanh niên Đặng Văn Lợi đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, sau đó về sinh sống cùng gia đình ở TP.Đà Nẵng. Gia đình chỉ còn lại duy nhất người chị gái nên khi người chị lên sinh sống ở đường Tôn Đức Thắng, đối diện ĐH Sư phạm thì ông cũng lên ở cùng. Mấy năm trước, người chị của ông cũng đã qua đời do tuổi cao, sức yếu, ngôi nhà được chuyển lại cho các con cháu của chị. Phần ông, không nhà cửa, không con cái, ông được các cháu cho ở nhờ ở góc sau của ngôi nhà, giáp mặt vào đường ray.
Tuy nhiên, chỗ ở đó ông chỉ dùng để ngủ, hầu hết thời gian trong ngày của ông là “vị trí quan sát” ngay bên đường sắt. Để kiếm cái ăn trong ngày, ông lặn lội nhặt chai bao, ve chai loanh quanh trong xóm, bán lấy tiền mua cơm. Giờ giấc tàu chạy, loại tàu nào, giờ nào tàu hàng hay đi, ông thuộc làu. “Riết rồi quen thôi cô ạ, tôi chỉ tranh thủ giờ nào thật vắng tàu, người đi lại chưa nhiều mới dám đi lượm ve chai, chứ đi xa một chút là lòng phấp phỏm lo lắng, chỉ sợ lúc không có mình, đám trẻ sinh viên hấp tấp không nhìn tàu lại xảy ra chuyện buồn”, ông tâm sự.
Công việc hàng ngày của "Hiệp sĩ đường sắt" |
Giúp người vì nỗi ám ảnh tai nạn đường sắt
Ve chai gom về, ông cất gọn về một góc bên cạnh chỗ mình ngồi, để dành vài ba hôm đi bán một lần cho tiện. Chỗ “gác” của ông không ghế, không quạt, ruồi nhặng bay vo ve xung quanh do nhiều hộ dân gần đó lấy đường tàu làm nơi “tập kết” nước cơm cho những người chăn nuôi đem về. Mặc cho cái ồn ào, bụi bặm, nóng bức, ông vẫn điềm nhiên như không, say mê với từng con chữ trong cuốn sách.
Trò chuyện về lý do khiến mình gắn bó với công việc lạ đời này, ông chia sẻ: “Hồi chị em tui mới lên đây, tui chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm lắm. Tai nạn đường sắt thì cô biết rồi, hầu hết nạn nhân đều không còn nguyên vẹn. Tất cả chỉ nằm trong một phút lơ là, không chú ý quan sát mà ra. Cũng có người đồn đại rằng người chết trước tìm người thế mạng sau, bởi vậy có nhiều trường hợp người ta đi sát đường tàu, xung quanh kêu giật giọng vậy mà họ cứ như người mất hồn thẫn thờ không hay không biết”.
Từ đó, ông quyết định gắn bó với công việc tình nguyện không lương, không bổng này. Thời gian đầu, ông còn tranh thủ việc này việc kia trong lúc canh tàu, nhưng về sau, chứng kiến mức độ “liều” của nhiều cô cậu sinh viên thuê trọ ở trong hẻm, ông càng quyết tâm “bám” chỗ đều đặn, thường xuyên cả sáng lẫn đêm để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, mà như ông nói: “Mình có khả năng giúp họ được, mà không làm chu đáo lỡ có chuyện gì thì tội lắm”.
Công việc của ông tuy vậy mà cũng có “thời vụ” hẳn hoi. Ngày thường không nói làm gì, nhưng tới khi sinh viên thi học kì, nhập học hoặc thời điểm thi đại học là ông tất bật hẳn, nhất là với những sinh viên lần đầu tới thuê trọ, đi đứng lóng nga lóng ngóng, không để ý quan sát thì ông càng phải để mắt nhiều hơn. “Bọn hắn (SV) mỗi lúc thi cử thì đầu óc chỉ biết chuyện bài vở, cho nên đi đường nhiều lúc lơ tơ mơ lắm, nhiều lúc la thiệt to, thiếu điều lôi nó lại vậy mà có đứa vẫn phăm phăm đi tới”, ông kể.
Dáng còm nhom, gầy guộc nhưng trong mắt nhiều người, ông như một hiêp sĩ đúng nghĩa, bởi nhờ ông mà đoạn đường nổi tiếng lắm tai ương này tránh bớt được nhưng tai nạn thảm khốc. Ngày nắng thì thôi không nói, ngày mưa dầm sụt sùi lạnh teo ông vẫn che miếng nilon ra dòm đường, canh tàu. Bà con khuyên ông vào, ông vẫn nhất quyết không, chỉ sợ một phút nghỉ ngơi của mình thì lại “sinh chuyên”, bởi trời mưa to dầm dề, nhiều người trùm áo mưa, mắt mũi bị mưa tạt không nghe được tiếng còi tàu từ xa vọng tới.
Cẩn thận là vậy, ông vẫn không tránh khỏi mấy pha thót tim khi có đợt, một nhóm sinh viên mải buôn chuyện cứ thản nhiên bước tới khi tàu đã xuất hiện ở khúc quanh. La to lên cảnh báo nhưng cả đám vẫn không nghe thấy, ông liều mình băng ngang, đẩy ngược cả nhóm vào trong khi đoàn tàu vừa trờ tới. Đợt đó, chính ông cũng hút chết vì cứu người. Còn chuyện nửa đêm nửa hôm ông “tóm” mấy người say rượu “nằm vạ” đường tàu chờ thần chết thì không hiếm.
Mải mê với việc giúp người, cuộc sống của ông đơn sơ và giản dị đến không ngờ. Toàn bộ giấy tờ đã bị cháy hết sau một cuộc hỏa hoạn, không làm được chế độ gì, ông chỉ biết trông vào mấy đồng tiền lẻ bán ve chai.. Bà con trong hẻm cảm phục trước tấm lòng vì mọi người của ông nên có chai, lọ, sách báo gì đều gom góp dành tặng ông, để ông bán kiếm thêm ít đồng. Mỗi ngày, ông chỉ tốn đúng 30 ngàn cho tiền mua cơm, còn lại những chi phí khác ông tiết kiệm triệt để, ngoại trừ tiền... thuê sách.
“Mỗi cuốn tôi thuê ngoài tiệm hết 2 ngàn đồng, đọc nhanh thì 1,2 ngày, đọc chậm thì 3,4 ngày. Đọc sách, có nhiều cái hay, và cũng là cách thấy thời gian trôi nhanh hơn trong lúc canh tàu”. Là một người lính, ông mê nhất những cuốn sách viết về quân sự. Hôm chúng tôi đến, ông đang đọc cuốn “Tổng kết chiến thuật phòng không trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Ông cho biết, đọc những cuốn sách này, ông cảm thấy nhớ và tự hào hơn về những ngày chiến đấu của mình./.