81 tuổi còn phải trụ cột gia đình
Số phận người đàn bà mà chúng tôi đang nhắc đến là cụ bà Đoàn Thị Rớt (SN 1933) trú tại địa chỉ tổ 18, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vượt qua những con hẻm nhỏ và con đường dốc gập gềnh, chúng tôi mới đến được ngôi nhà cụ Rớt đang sinh sống cùng gia đình. Đập vào mắt chúng tôi, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ cũ kĩ một người phụ nữ với dáng đứng không còn thẳng, mái tóc bạc phơ ra chào đón khách. Nhìn thấy nụ cười luôn niềm nở nhưng ai biết được rằng bên trong đó là biết bao tâm tư nỗi buồn mà cụ Đoàn Thị Rớt phải nén lại trong lòng, giành riêng cho mình về một cuộc sống lam lũ.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông trên vùng đất Thừa Thiên, trong bối cảnh đất nước bị chiến tranh và gia đình nghèo khó nên cô gái Đoàn Thị Rớt ở cái tuổi “trăng chưa tròn” đã phải rời ghế nhà trường để bươn chải, lăn lộn mưu sinh cuộc sống. Dòng đời đưa đẩy, đồng cảm cho nhau người đàn ông Nguyễn Như Ân (SN 1934) và người đàn bà Đoàn Thị Rớt đã đến với nhau bằng một tấm lòng.
Cùng người chồng mưu sinh lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Cuộc sống đơn sơ là vậy, niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình chỉ có trông ngóng vào những đứa con, thế mà hoàn cảnh gia đình thật trớ trêu, bi kịch giáng xuống với gia đình ông bà, lần lượt hai người con ra đời là chị Nguyễn Thị Lý (SN 1957) và anh Nguyễn Duy Phước (SN 1977) đã gặp phải những triệu chứng không bình thường về tâm lý, điều đó ngày càng biểu hiện rõ rệt.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, đôi vợ chồng này chỉ biết dựa vào nhau để vượt lên trên số phận xây dựng hạnh phúc gia đình, hi vọng vào một ngày mai tươi sáng. Ấy vậy mà, niềm hạnh phúc không trọn vẹn của đôi vợ chồng này đến lúc tuổi già một lần nữa lại phải gánh chịu tai ương, khi “cái cột trụ” của gia đình đã bị gãy, người chồng gặp phải tai nạn lao động khi tuổi cao sức yếu và hậu quả là phải sống “cuộc sống thực vật”.
Cũng chính từ đây, gánh nặng gia đình trút hết lên đôi vai của người đàn bà với khuôn mặt khắc khổ vì phải lo miếng cơm manh áo cho gia đình, cùng với thuốc thang cho chồng. Cụ Rớt cho biết “Lúc ông cụ bị tai nạn trong nhà không có một đồng tiền nào, nuốt nước mắt vào lòng cụ phải chạy vạy hàng xóm mượn 2.000.000 đồng đưa người chồng đến bệnh viện chữa trị cho tai qua nạn khỏi.Tuy được cứu sống nhưng giờ đây cụ ông phải sống cuộc“sống thực vật” bị liệt mất nữa người và căn bệnh càng nguy kịch từng ngày”.
Cụ Rớt còn cho biết thêm: “Gia đình chủ yếu là những bữa cơm rau qua ngày, nguồn lương thực là những lá rau khoai, sắn trong vườn. Ngoài ra cụ còn tranh thủ đi vào rừng hái rau má, rau dền đem về xuống chợ bán. Mội phiên được khoảng và ba chục, có khi cả tuần mới đi chợ được một phiên”.
Ở cái tuổi gần đất xã trời này nhưng cụ Rớt vẫn còn phải tất bật thức dậy lúc 4h sáng để ra vườn bòn những cọng rau, lồng quang gánh cùng con gái ra chợ bán, mỗi phiên chợ của người con gái may lắm chỉ được đôi ba chục nhưng nhiều khi người con gái không minh mẫn của bà lại đánh rơi tiền đi về tay không. Phiên chợ xong cụ phải chạy vạy đi lấy “nước mã” đồ thừa ở chùa chiền và nhà hàng xóm gánh về để nuôi con heo làm của để gia đình phòng khi hoạn nạn.
Bất hạnh chồng chất, gánh nặng càng ngày càng đè nặng lên đôi vai người phụ nữ già yếu, chẳng biết kêu ai, chỉ thầm trách số phận, cụ Rớt phải nuốt nước mắt vào lòng đứng lên trước số phận. Ở độ tuổi 81 cùng với những gian khổ của cuộc sống đè lên làm cho cái dáng người cụ không còn thẳng nhưng vẫn còn phải quần quật cả ngày lẫn đêm để có được đôi ba đồng tiền lo thuốc cho chồng và hai miệng ăn của hai người con như hai đứa trẻ
Sợ ngày “lá vàng sẽ rụng”…
Hoàn cảnh éo le của gia đình của người phụ nữ tuổi già sau khi người chồng bị tai nạn, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn hết lên vai của cụ Rớt. Ngoài những đồng trợ cấp ít ỏi của chính quyền địa phương, bà con làng xóm thì bà còn phải bươn chải để lo toan cho gia đình. Khó khăn chồng chất khó khăn có những đau ốm liệt giường nhưng cũng chẳng biết kêu ai cụ đành chịu đựng cố gắng vượt qua để đi làm việc.
Cụ Đoàn Thị Rớt đang chăm sóc cho người chồng sống “thực vật”. |
Cụ Rớt cho biết: “Từ khi bị tai nạn về, ông cụ nằm liệt giường đến bây giờ, không còn biết gì, gia đình cho ông ăn, uống gì cũng qua cái ống xông ở mũi, tay và chân phải của ông cụ không còn cảm giác cơ thể đã bị liệt gần nửa người, sinh hoạt vệ sinh cũng rất vất vả cho bà cụ”.
Mọi công việc trong nhà từ lớn đến bé đều một tay người phụ nữ 81 tuổi này gánh vác, từ chăm sóc từng bữa ăn, vệ sinh cá nhân thuốc thang cho người chồng liệt giường cùng với những bữa ăn đạm bạc qua ngày cho những người con bà cụ phải một mình tất bật chạy vạy, không quản nắng mưa, bệnh tật. Thấy mẹ già quần quật suốt ngày, người con gái đầu chi Nguyễn Thị Lý cũng phụ giúp mẹ được đôi ba việc vặt trong nhà. Nhưng do tâm tính không bình thường cho nên chị cũng hay “làm được một mà làm mất mười”.
Cụ tâm sự trong nước mắt: “Con người ta đến chừng này là có con có cháu hết rồi còn anh nhìn con tôi, suốt ngày quanh quẩn trong nhà không làm được việc gì. Đứa con gái còn thỉnh thoảng giúp tôi được đôi ba việc trong nhà còn thằng em nó 37 tuổi rồi mà như đứa trẻ, không biết làm cái gì hết”.
Về hoàn cảnh gia đình khó khăn này chúng tôi đã có dịp trao đổi với lãnh đạo địa phương và được ông Nguyễn An Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, TP. Huế cho biết: “Trong hơn 135 hộ gia đình thuộc diện nghèo khó của phường gia đình này thuộc diện nghèo nhất của địa phương, đặc biêt, có hai người con tâm tính không bình thường, chúng tôi cũng đã nhiều lần khuyên gia đình đưa hai cháu đi khám để được hưởng chế độ nhưng chẳng hiểu sao không thấy họ đi làm”.
Ông Hoàng cho biết thêm “Vừa qua gia đình này cũng đã không may là người chồng gặp tai nạn và lãnh đạo địa phương chúng tôi cũng đã trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên đồng thời cũng đã trao 2.000.000 đồng hỗ trợ. Bên cạnh đó tổ dân phố nơi gia đình ở cũng đã trao 1.900.000 đồng để hộ trợ khó khăn sau sự cố tai nạn của người chồng”.
Với truyền thống cao quý “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” những người dân ở tổ dân phố 18 là bà con thân thích, láng giềng của gia đình cụ thấy hoàn cảnh gia đình cụ như vậy đã chung tay góp sức ủng hộ những vật phẩm như: tiền, gạo, mì tôm... để cùng nhau chung tay góp sức giúp gia đình khó khăn vượt qua hoạn nạn đi lên trong cuộc sống.
Cuộc đời đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi vai vẫn chưa vơi đi gánh nặng. Sau nhiều biến cố đến với gia đình, có những lúc nước mắt chan cơm, thương cho số phận hẩm hiu, thương cho người chồng đang bệnh nặng không có tiền thuốc thang và hai người con kia. Cụ Rớt cho biết: “Có những lúc suy nghĩ cho hoàn cảnh gia đình mình có nhiều bất hạnh như thế, đêm nằm ngủ nước mắt tôi cứ trào ra không sao mà chợp mắt được. Có nhiều đêm thức trắng cứ nằm xuống là suy nghĩ thâu đêm cho đến khi gà gáy là dậy đi làm luôn”.
Suốt một đời gian nan vất vả, song cụ Rớt không bao giờ than trách cho số phận hẩm hiu, nghèo khổ mà trăn trở lớn nhất của cụ ở cái tuổi “xế chiều” này là nỗi lo sợ một ngày “lá vàng sẽ rụng xuống”, người chồng của bà và hai người con ngây dại kia không biết cuộc sống sẽ ra sao khi thiếu bàn tay chăm sóc, che chở của bà./.