Chuyện luật lệ ngoại giao

(PLVN) - Giới quan sát nhận định, luật trong ngoại giao không quy định cụ thể như thế mà chỉ nêu nguyên tắc là bình đẳng. Từ cách hiểu chung về bình đẳng này mà hình thành cái lệ là có đi có lại. Mới rồi, chuyện Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston (bang Texas) thì Trung Quốc đáp trả bằng việc yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô là thể hiện nguyên tắc này...
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa các quốc gia trên thế giới được chế tài bởi hai Công ước đặc biệt của Liên Hợp quốc là Công ước Vienne về quan hệ ngoại giao ký kết ngày 18/4/1962 và có hiệu lực chính thức từ ngày 24/4/1964 và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự có hiệu lực từ ngày 24/4/1963.

Nội dung cốt lõi của cả 2 văn kiện này là dành cho nhân viên ngoại giao và lãnh sự những quyền ưu đãi đặc biệt và ràng buộc họ vào trách nhiệm phải tuân thủ luật pháp nước sở tại và không can thiệp vào công việc nội bộ nước tiếp nhận. Cả hai văn kiện này cho phép chính quyền nước tiếp nhận các nhân viên ngoại giao và lãnh sự trục xuất các nhân viên ngoại giao và lãnh sự cũng như đóng cửa các cơ quan lãnh sự và ngoại giao.

Bất kỳ hành động nào trong số những việc nói trên đều phản ánh mức độ quan hệ ngoại giao tồi tệ giữa các bên liên quan. Ở đây có sự khác biệt rất lớn về mức độ giữa trục xuất các nhân viên ngoại giao và lãnh sự với đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự. Xếp theo thứ tự mức độ từ tồi tệ nhất đến ít tồi tệ nhất thì hàng đầu là buộc đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao là đại sứ quán rồi đến buộc đóng cửa tổng lãnh sự quán hoặc lãnh sự quán.

Đại sứ quán chỉ có một, trong khi tổng lãnh sự quán hoặc lãnh sự quán lại có nhiều tổng lãnh sự quán hay lãnh sự quán. Trong thế giới ngoại giao có nguyên tắc có đi có lại, tức là người đối xử với ta như thế nào thì ta cũng sẽ đối xử với người như vậy. Nguyên tắc có đi có lại này được áp dụng cho cả khi nâng cấp quan hệ lẫn khi hạ thấp mức độ quan hệ song phương.

Mới rồi, Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston (bang Texas) thì Trung Quốc đáp trả bằng việc yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô. Hay như năm 2017, Mỹ quyết định đóng cửa tổng lãnh sự quán của Nga ở thành phố San Francsco của Mỹ và Nga đã trả đũa bằng việc yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg.

Những quyết định như thế, cho dù được giải thích và biện luận như thế nào thì cũng đều phản ánh mức độ không tốt đẹp gì của mối quan hệ song phương và chủ ý của các bên liên quan là sẵn sàng đối đầu ngoại giao chứ không tìm cách hóa giải và hòa giải. Bên này đòi bên kia đóng cửa cơ quan lãnh sự thôi chứ chưa nói đến đòi đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao đã là chuyện cực kỳ ghê gớm với hậu quả khôn lường trong thế giới ngoại giao.

Từ việc buộc đóng cửa đại sứ quán đến cắt đứt quan hệ ngoại giao là khoảng cách không còn lớn gì nữa. Mức độ xấu thấp hơn là giảm số lượng nhân viên ngoại giao và lãnh sự làm việc ở trong đại sứ quán và các cơ quan lãnh sự. Nước chủ nhà có 2 cách để làm việc này là trục xuất con người cụ thể hoặc chỉ đưa ra số lượng nhân viên ngoại giao và lãnh sự bị trục xuất, còn cụ thể ai bị trục xuất lại do bên liên quan tự quyết định.

Từ trước đến nay, các nước Phương Tây rất hay sử dụng cách thức thứ 2 trong quan hệ của họ với Nga. Sự đáp trả của phía bên kia thường là có đi có lại, tức là trục xuất con người cụ thể thì cũng sẽ có con người cụ thể của bên kia bị trục xuất, còn nếu trục xuất theo số lượng nhất định thì cũng sẽ bị đáp trả tương thích.

Luật trong ngoại giao không quy định cụ thể như thế mà chỉ nêu nguyên tắc là bình đẳng. Từ cách hiểu chung về bình đẳng này mà hình thành cái lệ là có đi có lại. Điều đáng nói nữa trong chuyện luật và lệ này là mọi cái đều có thể xảy ra bất ngờ và một khi có nhu cầu về chính trị thì luật luôn bị lệ lấn át và chi phối. Chỉ cần có một quyết định chính trị thì lệ lại bị đặt dưới luật.

Đọc thêm