Hồi ức nơi chiến trận máu lửa
Đã ở cái ngưỡng tuổi “bát tuần” nhưng ông Phúc vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Ông thích hoài niệm về những ngày ở chiến trường. Ngày đó, bà Hương (vợ ông) phải chờ đợi đằng đẵng hơn 10 năm mới đến ngày hoài thai để sinh con. Ngoài tình yêu với quá khứ binh nghiệp và gia đình, ông Phúc còn dành đam mê cho những chiếc đồng hồ cổ.
Trước khi đi bộ đội trong những năm (1960 – 1967), ông Phúc từng là giáo viên. Theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Phúc được điều động vào chiến trường Quảng Nam với nhiệm vụ tăng cường lực lượng cán bộ văn hóa, trên mặt trận tư tưởng ở vùng bị địch bắn phá. Theo lời kể của ông Phúc, những ngày đầu, đơn vị của ông được đưa xuống để tập bắn pháo mặt đất, chủ yếu là DK 75. Do pháo mặt đất nặng 80kg nên các chiến sỹ của ta phải mang vác. Trong quá trình tập bắn, do trận địa bị lộ nên bất ngờ bị quân địch bao vây.
Quân địch đổ xuống Lộc Ninh, ý định của chúng là muốn bắt sống các chiến sỹ hoặc lấy đi các khẩu pháo.
Ông Phúc kể: “Khi nghe quân giặc đến gần, buộc các chiến sỹ của ta phải đánh nhau giáp lá cà. “Điều bất ngờ đã xảy ra, bởi trong đơn vị có một anh lính trẻ người ở Vĩnh Phúc đã bắn rơi máy bay của Trung tướng Mỹ ở dốc 31 Lộc Ninh. Lúc đó có rất nhiều máy bay sà xuống để lấy các khẩu pháo, nhưng người anh hùng trẻ không chọn máy bay ở thấp mà chọn máy bay ở cao để bắn. Điều ấn tượng nhất là mặc dù toàn thân viên phi công Mỹ bị thiêu cháy, nhưng chiếc đồng hồ ở cách tay trái anh ta vẫn bền bỉ chạy. Điều đó ám ảnh, thôi thúc tôi sưu tầm những chiếc đồng hồ cổ sau này”.
Ngoài sưu tầm đồng hồ, đài cổ ông Phúc còn sưu tầm bình cổ. |
Thời gian là món quà vô giá
Thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, sau trận Lộc Ninh, tháng 1/1967 đơn vị của ông Phúc hành quân về Long An (cửa ngõ của Sài Gòn). Trải qua nhiều trận đánh lớn, vào sinh ra tử, trong trận đánh ở Long An, ông Phúc đã bị thương nặng, tổn hại 43% sức khỏe.
Ký ức thời gian của người lính già là những dấu ấn, khoảnh khắc của lịch sử, có cả nước mắt và sự hy sinh thầm lặng. Sau khi hòa bình, ông Phúc được đào tạo làm thư ký cho Tư lệnh thuộc cục Chính trị Quân khu 9 (Bộ Quốc phòng). Đến năm 1894 ông Phúc mới xin về huyện đội Thạch Thành (Thanh Hóa) công tác. Và khoảng lặng ấy đã được đền đáp bằng những giây phút hạnh phúc nhất khi ông Phúc đã được gặp lại người vợ ở quê nhà.
Ông Phúc tâm sự: “Lúc đó tôi phải xin mãi các đồng chí Tư lệnh mới cho ra Bắc. Tôi bảo với các anh là phải cho tôi ra Bắc, bởi xa vợ nhiều năm rồi mà chưa có con”. Chuyển về huyện đội Thạch Thành, đến cuối năm 1984 vợ ông Phúc sinh con. Mặc dù sinh con muộn, nhưng trong sâu thẳm ông Phúc vẫn ánh lên niềm vui.
Năm 1989, ông Phúc nghỉ hưu, lúc này mới có thời gian để theo đuổi niềm đam mê sưu tầm đồng hồ cổ. Theo ông Phúc, tiền bạc của cải thì mình có thể làm ra nhưng những chiếc đồng hồ cổ thì ông không bao giờ bán. Ông Phúc bật mí: “Đồng hồ Odo của Pháp, một tiếng có 4 lần đánh chuông, một tuần mới lên giây một lần. Tiếng chuông của đồng hồ Odo không khác gì tiếng chuông ở nhà thờ, cứ ngày chủ nhật tôi mới lên giây một lần. Ở Pháp họ không gọi ngày chủ nhật mà họ gọi đó là ngày chúa nhật”.
Ông Phúc nói tiếp: “Riêng đồng hồ Odo, cứ 15 phút đầu nó đánh 1/4 bản nhạc, 30 phút tiếp theo đánh nửa bản nhạc, 45 phút đánh 2/3 bản nhạc, một tiếng đánh đủ 1 bản nhạc. Cái hay của đồng hồ Odo là nó gần như được mạ bằng vàng. Các bánh răng, con ốc của nó đều được đính kim cương nên không bao giờ mòn. Nếu bây giờ săn tìm được những chiếc đồng hồ cổ như Odo 36, mà còn nguyên vẹn thì giá trị của nó phải lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện tôi có 3 chiếc đồng hồ Odo cổ. Ngoài ra tôi còn sưu tầm đồng hồ của Nhật, Liên Xô, Trung Quốc….”.
Ngoài sưu tầm đồng hồ cổ, ông Phúc còn sưu tầm đài cổ, cối đá cổ, bình cổ và cây cảnh. Ông Phúc xuất thân từ tầng lớp trung nông, nên các đồ vật như cối, chai lọ, bình cổ có niên đại hàng trăm năm, đến nay vẫn còn giữ. Những lúc rảnh rỗi, ông Phúc lại lau chùi những đồ vật cổ rồi cất vào tủ, hoặc chăm sóc các cây cảnh của mình.
Ông Phúc tâm niệm rằng: “Đối với tôi, thời gian chính là kỷ niệm, gắn với vòng xoay của cuộc sống. Lúc đầu khi sưu tầm đồng hồ cổ về nhà, bà Hương vợ tôi không ngủ được vì những tiếng chuông ngân nga của nó. Nhưng rồi bà nhà cũng nhận ra rằng, đó chính là khoảng lặng của hạnh phúc”. Có lẽ chính âm thanh của những chiếc đồng hồ đã đưa ông về với ký ức với đồng đội, và cả những người thân đã phải nằm lại nơi chiến trường máu lửa.