Chuyện “phép vua” và “lệ làng” trong Liên minh châu Âu

(PLVN) - Uỷ ban châu Âu (EC) vừa khởi động quy trình xử phạt nước Đức về vi phạm trách nhiệm của thành viên đối với Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Đức bây giờ có thời gian 2 tháng để giải trình về chuyện này.
(ảnh minh họa).

Nếu phía EC vẫn chưa hài lòng thì có thể yêu cầu Chính phủ Đức giải trình một lần, nếu đó vẫn chưa hài lòng thì có thể khởi kiện nước Đức tại Tòa án châu Âu. Trong trường hợp này, nếu phía EC thắng kiện thì nước Đức sẽ phải chấp nhận những mức phạt nhất định.

Chuyện kiện tụng nhau này ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và ảnh hưởng của nước Đức trong EU. Về phương diện pháp lý, đấy lại là một câu chuyện về cuộc đại chiến giữa phép vua và lệ làng.

Theo luật pháp hiện hành của EU, phán quyết của Tòa án châu Âu có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các thành viên EU. Cũng có thể hiểu theo cách đơn giản và nôm na hơn ở đây là luật pháp chung của EU được đặt lên cao hơn luật pháp của quốc gia thành viên. Nhà nước quốc gia thành viên có trách nhiệm phải tuân thủ phán quyết của Tòa án châu Âu.

Chuyện ở đây có liên quan đến quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bung tiền ra cứu trợ đồng Euro và giúp các nước thành viên EU dưới hình thức mua về trái phiếu đã phát hành. Trên nguyên tắc và theo luật về tổ chức ECB thì việc làm này của ECB không được phép bởi hệ lụy của nó trái ngược với tôn chỉ, mục đích và sứ mệnh của ECB.

Tuy nhiên, Tòa án châu Âu đã đưa ra phán quyết xác định rằng việc làm kia của ECB phù hợp với luật pháp hiện hành chung hiện tại của EU. Một khi toà án này đã phán quyết như thế thì phán quyết trở thành quy định chung cho cả EU và tất cả các thành viên EU phải chấp nhận nó là đúng và phải tuân thủ nó. Phép vua áp đặt như vậy.

Nhưng năm ngoái, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức - tòa án cao cấp nhất ở nước Đức - khi xử lý một vụ khiếu kiện liên quan lại bác bỏ hoàn toàn phán quyết nói trên của Tòa án châu Âu, quả quyết rằng việc làm của ECB trái với cả luật pháp liên quan của EU lẫn luật pháp hiện hành ở nước Đức.

Phán quyết này của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức ràng buộc Chính phủ Đức vào trách nhiệm không được tham gia vào chương trình mua bán trái phiếu của ECB. Nếu coi phán xử của Tòa án châu Âu là “phép vua” thì phán xử của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức như trên là “lệ làng” và “lệ làng” này chẳng khác gì bất chấp “phép vua”, nếu như không muốn nói là tuyên chiến với “phép vua”.

Uỷ ban châu Âu cho rằng với phán quyết riêng kia, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức đã vượt quá quyền hạn được cho phép và nhà nước Đức đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên đối với EU.

Cuộc đại chiến này giữa “phép vua” và “lệ làng” không chỉ đơn thuần là xung khắc về pháp lý mà còn bị chi phối rất quyết định bởi nhân tố chính trị. Tòa án châu Âu không thể phán quyết khác khi ECB và Ủy ban châu Âu không thể hành động khác nếu muốn giải cứu đồng Euro và các thành viên EU lâm vào khủng hoảng nợ công. Động cơ và mục đích chính trị chi phối phán quyết cuối cùng của toà này.

Uỷ ban châu Âu bây giờ cũng không thể không buộc phía Đức phải chấp nhận để cho “phép vua” chế ngự “lệ làng” bởi nếu không sẽ hình thành tiền lệ và sẽ có ngay thành viên EU khác đặt luật pháp quốc gia lên trên luật pháp chung của EU hoặc sẵn sàng bất chấp luật pháp chung của EU.

Phía Đức gặp khó khi chỉ có thể dùng luật pháp quốc gia để ngăn cản luật pháp chung của EU bị thao túng bởi mục tiêu và ý đồ chính trị. Trong cuộc chiến này, bên thua sẽ không còn cơ may chiến thắng ở lần đấu sau.

Đọc thêm