Chốn hẻo lánh hút khách du lịch
Thị trấn đang được nhắc đến là Longyearbyen, nằm dưới thung lũng Longyeardalen và ven bờ Adventfjorden, thuộc vịnh Isfjorden ở bờ biển phía Tây đảo Spitsbergen, quần đảo Svalbard (Na Uy). Quần đảo Svalbard vốn được nhà thám hiểm Hà Lan William Barentsz phát hiện vào năm 1596. Hiệp ước Svalbard vào năm 1920 đã công nhận chủ quyền của Na Uy đối với đủ quần đảo, và Đạo luật Svalbard 1925 đã cho phép Svalbard trở thành một phần của Vương quốc Na Uy.
Thị trấn Longyearbyen là điểm định cư lớn nhất và là trung tâm hành chính của Quần đảo Svalbard. Đây cũng được coi là “điểm dừng chân cuối cùng trước khi tới Cực Bắc”. Thị trấn có khoảng 2.040 người sinh sống, nhưng vốn không phải là nơi định cư “đời này nối tiếp đời kia”. Họ chủ yếu là những người làm nghề du lịch và các nhà khoa học, thám hiểm chuyên nghiên cứu và khám phá về Bắc Cực đến sinh sống một thời gian rồi lại ra đi. Mặc dù dân số Longyearbyen quá ít ỏi nếu so sánh với bất cứ nơi đâu, nhưng thật ngạc nhiên, đó là một cộng đồng đa văn hóa với gần 50 quốc tịch khác nhau như Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Chile, Philippines và Thái Lan... Đây cũng là một trong những nơi an toàn nhất trên Trái Đất, hầu như không có tội phạm.
Hình ảnh thị trấn Longyearbyen xinh đẹp |
Ban đầu, thị trấn xa xôi này chẳng được mấy ai biết đến, nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 1975, khi Svalbard mở cửa sân bay quốc tế đầu tiên và cũng là duy nhất trên quần đảo này, khiến lượng du khách đến càng ngày càng đông. Kể từ đó, Longyearbyen không còn bình yên nữa. Dần dà, lượng du khách đến với thị trấn ngày càng tăng lên. Họ đến đây để được ngắm hiện tượng cực quang huyền diệu, kỳ ảo.
Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của miền cực Bắc, những ngôi nhà ở đây nằm san sát nhau theo từng hàng ngay ngắn và được sơn nhiều màu sắc sặc sỡ để nổi bật trên nền tuyết trắng như xua đi cái đơn độc, nơi cây cối không thể sinh trưởng do băng và giá rét quanh năm. Đây cũng là một điểm thu hút khách du lịch hàng năm.
Chết tại quê hương là bất hợp pháp
“Đây không phải là nơi người ta sống trọn đời, cũng không phải chỗ các gia đình truyền từ đời này sang đời khác. Người ta đến rồi đi và lịch sử vùng đất này ghi dấu quá nhiều sự kiện bi thảm”, trang web của thị trấn Longyearbyen viết.
Trong suốt hàng chục năm qua, từ những năm 1950, chính quyền thị trấn Longyearbyen đã ban bố một lệnh rất kỳ lạ, đóng cửa nghĩa trang và nghiêm cấm cư dân “chết” tại đây, đồng thời yêu cầu người dân đi tìm nơi khác để chết. Họ chỉ chấp nhận đối với những trường hợp chết đột tử.
Tại Longyearbyen, "chết" là bất hợp pháp |
Mặc dù vô lý nhưng khi đưa ra lệnh cấm này, sâu xa sau đó đều có nguyên nhân của nó. Theo đó vào năm 1918, một đại dịch cúm hoành hành khắp châu Âu khiến 500 triệu người mắc bệnh. Khoảng 100 triệu người tử vong, trong số đó không may có 11 cư dân ở thị trấn . Suốt một thời gian dài vật lộn dập tắt dịch bệnh, người chết được đem đi chôn cất và mọi thứ rơi vào quên lãng.
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại, nhiều năm sau đó người ta phát hiện thi thể của 11 người Longyearbyen chôn bên dưới lớp băng dày kia không hề bị phân hủy dù chỉ một phần nhỏ. Thậm chí, khi các nhà khoa học khai quật và giải phẫu tử thi, kết quả virus cúm cũng không hề biến mất.
Được biết, lòng đất ở thị trấn Longyearbyen đóng băng vĩnh viễn, lớp đóng băng có độ sâu từ 10-40m, kèm theo nhiệt độ quá lạnh với -7 độ C trung bình hàng năm, có những thời điểm hạ kỷ lục xuống còn -40 đến -50 độ C, khiến cho những xác chết vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu và trở thành mồi của gấu Bắc Cực, thậm chí thành nguồn phát tán bệnh dịch. Và việc thi thể người không thể phân hủy trong một môi trường băng giá sẽ giúp vi khuẩn, virus gây bệnh được ngủ đông và lưu trữ mà không hề chết đi. Đến khi nhiệt độ gia tăng, những thi thể này sẽ là nguồn cơn của bệnh dịch bùng phát bất cứ lúc nào và không thể kiểm soát.
Lo sợ bệnh dịch phát tán, năm 1950, chính quyền địa phương đã ra một đạo luật “có 1-0-2”: không cho phép bất kỳ ai được mai táng dưới lòng đất của thị trấn này. Không chỉ vậy, thị trấn chỉ có một nghĩa trang nhỏ nhưng đã ngừng nhận chôn cất người chết từ cách đây hơn 70 năm. Chính quyền Longyearbyen cũng quyết định cấm người chết tại địa phương. Theo đó, các cư dân địa phương nếu bị bệnh nặng hoặc sắp qua đời, sẽ được chuyển tới thành phố khác bằng tàu biển hay máy bay đến các bệnh viện khác ở Na Uy điều trị và dưỡng già. Việc chôn cất cũng tiến hành ở nơi khác.
Các cư dân cũng có thể chọn cách hỏa táng và đặt các bình tro cốt tại nghĩa trang nhưng rất ít người chọn cách này vì cần có sự đồng ý của nhà chức trách. Ngoài ra, thị trấn này cũng không có nhà dưỡng lão hoặc bất kỳ cơ sở nào được thành lập để chăm sóc người già yếu nên họ buộc phải chuyển đi trước khi qua đời.
Giải thích về luật cấm người dân chết, chuyên gia Jan Christian Meyer đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy nói: “Ở Svalbard (Na Uy) đúng là có luật này, bởi băng tuyết vĩnh cửu không chỉ giữ các tử thi không bị thối rữa, mà còn đẩy chúng trồi lên trên mặt đất. Vì vậy, mỗi khi ai đó sắp lìa đời, họ sẽ được mang vào đất liền để chôn cất. Và nếu không kịp vào đất liền, họ cũng không được mai táng ở đây đâu, vì dịch vụ tang lễ không được phép làm vậy. Giải pháp khả thi duy nhất là hỏa thiêu”, ông Meyer nói.
Một loạt lệnh cấm kỳ lạ
Tuy nhiên, cái chết không phải là vấn đề duy nhất đẩy người dân Longyearbyen vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Phụ nữ ở đây trước khi sinh con vài tuần phải rời khỏi thị trấn, bởi Longyearbyen không có bệnh viện hay cơ sở chăm sóc y tế. Vài tuần trước khi sinh họ phải vào đất liền và chỉ được về nhà sau khi đứa trẻ ra đời vài tuần. Bà Aina kết hôn với người chồng thợ mỏ hơn 10 năm trước. Bà nói rằng, hầu hết các bà mẹ mang thai đều phải rời khỏi đảo 3 tuần trước khi sinh. Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc y tế không thể tới được đây vì đường xá xa xôi, khó khăn. Khi bị ốm đau, người dân phải tới nơi khác để chữa trị.
Thị trấn Longyearbyen cũng là nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, bởi những người không có công ăn việc làm sẽ không được phép cư trú. Do điều kiện sống quá khắc nghiệt, mỗi người cần tự lo được cho bản thân thì mới tồn tại được.
Thị trấn Longyearbyen còn thi hành môt lệnh cấm rất kỳ lạ, đó là cấm mèo. Do thị trấn nhỏ là nơi sinh sống của quần thể chim Bắc cực phong phú và mèo có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chim. Hơn nữa, người dân đề phòng nguy cơ mắc bệnh dại từ cáo nếu nuôi mèo ở xứ sở giá rét này.
Ở Longyearbyen có hơn 3.000 con gấu Bắc Cực và đôi khi chúng đói vì không có thức ăn sau kỳ ngủ đông dài. Do vậy, người địa phương, du khách được khuyến cáo nên mang theo súng trường khi ra ngoài hoặc đi trượt tuyết, phòng trường hợp gấu Bắc Cực tấn công. Không có gì ngạc nhiên khi khách du lịch tới đây nhìn thấy mọi người mang súng nhiều hơn mang túi xách. Thậm chí, khách du lịch sẽ phải thuê súng với điều kiện được cánh sát địa phương cấp giấy phép sử dụng. Nếu không biết sử dụng súng, cảnh sát sẽ dành một buổi huấn luyện riêng. Một điều vô cùng thú vị là Longyearbyen có số lượng sử dụng súng lớn nhất thế giới tính theo đầu người, nhưng đặc biệt mảnh đất này chưa bao giờ xảy ra bạo lực, tai nạn liên quan đến súng./.