Chuyện thời du học (Kỳ 6): Nhảy đầm “chui”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bây giờ Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác sao lắm quảng cáo mở các lớp khiêu vũ thế! (ấy là nói trước khi giãn cách vì COVID-19). Thế nhưng đã có thời “món này” bị cấm…
Nhóm sinh viên đi chơi Krưm năm 1975 (người dấu ngôi sao là tác giả).
Nhóm sinh viên đi chơi Krưm năm 1975 (người dấu ngôi sao là tác giả).

Thế hệ chúng tôi, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước tốt nghiệp phổ thông, trong những năm tháng còn chiến tranh bom đạn ác liệt ấy, rất nhiều bạn bè rời ghế nhà trường là phải ra trận. Chúng tôi, một số rất nhỏ có may mắn là được đi du học. Người đi Liên Xô, người sang Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Ba Lan, Rumania…

Ngày ấy đi du học sang châu Âu toàn đi bằng tầu hoả (trừ một lần vào năm 1969 do chiến tranh biên giới Xô - Trung, anh em đi bằng tầu biển của Liên Xô sang đón ở cảng Hải Phòng đi Vlađivostok, Liên Xô, rồi từ đấy lại đi tiếp tầu hoả).

Chắc nhiều người có thể không còn nhớ những ngày dài đằng đẵng đi tầu hoả thời ấy, rồi những ngày bên “Tây” sinh hoạt ra sao? Trong loạt bài “Chuyện thời du học”, tôi ghi lại những kỷ niệm để tôi cũng như nhiều người đã từng trải qua cùng nhớ lại những kỷ niệm của thời ấy, mà giờ đã nửa thế kỷ trôi qua. Trân trọng gửi tới bạn đọc.

Đặc biệt là các khu chung cư. Sảnh nào cũng băng-rôn to tướng mời gọi mọi người đến các lớp khiêu vũ. Từ “khiêu vũ nghệ thuật”, rồi “khiêu vũ dưỡng sinh”; “khiêu vũ U15” đến “khiêu vũ U80”; “khiêu vũ cho người bị tim mạch” đến “khiêu vũ cho người đau xương khớp”…

Ở phố cổ không sẵn mặt bằng thì người ta quảng cáo trên gốc cây.

Nhảy trên vỉa hè (chỗ Liễu Giai, gần Sứ quán Nhật), nhảy dưới gốc cây (kiểu như “sàn nhảy ngoài trời” dưới chỗ tượng Lê - Nin, đối diện Bảo tàng Quân đội ấy). Không thiếu chỗ nào.

Ấy thế mà cái hôm nay báo đài tuyên truyền và khắp nơi cổ suý là “khiêu vũ lành mạnh” ấy thì cách đây chưa lâu lắm được gọi với cái tên “nhảy đầm” và bị quy là “văn hoá sa đoạ, đồi truỵ” mà bản thân tôi và một vài người bạn nữa suýt phải đổi cả “sinh mạng chính trị”.

***

Chuyện là thế này: Hồi thập niên 70 khi học bên Liên Xô, ngoài thời gian cho học hành (bọn tôi học khá giỏi, không có gì phải chê trách). Mấy “thằng” bọn tôi có “khuyết điểm” là cao ráo (cỡ bằng cậu “Tây” nhỡ!). Ngoài thú vui sách vở mấy đứa chúng tôi còn có đam mê khiêu vũ.

Điều này khác hẳn với các sinh viên Việt Nam khác. Các bạn ấy và các anh chị nghiên cứu sinh, cán bộ đi học thì ngoài học ra thì chỉ chăm chăm đi tìm xem ở đâu bán đồ cũ, quạt tai voi, máy khâu, xe đạp, cối xay thịt quay tay… hoặc mua bắp cải, mỳ sợi, cá muối… về rán, xì xụp nấu ăn. Chính vì sinh hoạt “co cụm” như thế nên phần lớn khả năng ngoại ngữ bị hạn chế.

Việc “nhảy đầm” khi đó phải “chui lủi” không kém “hoạt động bí mật”. Cái thú vui này có người phải trả giá bằng “sinh mạng chính trị” của mình rồi đấy. Cán bộ mà bắt được thì chỉ có “xách valy về nước!”

Năm ấy (hình như Năm Mới, HOBЫЙ ГOД 1976), mấy đứa “bọn tôi” được mấy bạn sinh viên nữ Liên Xô của Trường Tổng hợp rủ mời đón Năm Mới tại ký túc xá của họ.

Xopoшo!

Nhận lời thôi! Các bạn gái “Tây” đã có “nhã ý” mời, có “ngu” mới từ chối. Ăn uống từ 10 giờ tối đến tận sát giao thừa. Tivi chiếu cảnh chuông đồng hồ điện Kremlin điểm 12 giờ. Giao thừa. Sang Năm mới!

C HOBЫM ГOДOM!

HAPPY NEW YEAR!

Chúc mừng Năm Mới!

Sâm - panh nổ!

Sau cụng ly chúc nhau, tất cả hứng khởi theo tiếng nhạc… nhẩy. Đang nhẩy thì có một bạn mở cửa ra ngoài, vừa hé cửa thì không ngờ tầng ấy có cô sinh viên Việt Nam ở cùng tầng đi qua. Cô ta liếc mắt vào nhìn thấy mấy thằng bọn tôi đang nhẩy. Toi rồi!

Chuyện đến tai cán bộ. Và chuyện gì đến phải đến. Đủ các công đoạn, tầng nấc mà các cán bộ đưa ra để nhằm kỷ luật bằng được chúng tôi. Nhưng điều quan trọng nhất là “không bắt tận tay, day tận trán”.

Chứng cớ đâu!

Phải cãi chứ!

(Ngày ấy mà sẵn điện thoại chụp ảnh như bây giờ thì bọn tôi “toi” là cái chắc!)

Thế là “tai nạn nghề nghiệp” ở vụ ấy cũng qua.

***

Nhưng có lần, một buổi tối ở sàn nhảy, đang “ôm” cô gái da trắng, mắt xanh, tóc vàng du dương theo tiếng nhạc thì tự nhiên có “chàng Ivan” cao to lừng lững, miệng đầy mùi rượu tiến đến sừng sộ: “Ai cho mày nhảy với bạn gái của tao”. Gặp trường hợp ấy bọn tôi nhũn nhặn trả lời: “Thế à! Xin lỗi!” rồi nhanh chóng đánh bài… chuồn. “Tẩu vi… thượng sách”.

Thế nhưng thực tế cho thấy qua những cuộc “giao lưu” như thế trình độ tiếng Nga của tôi “nâng” lên rất cao… Và điều đó giúp cho công việc của tôi sau này khi đi dịch và “tháp tùng” các “lãnh tụ” và được các đồng chi ấy nhiều lần khen.

Xin mở ngoặc: Các bạn cũng có thể kiểm chứng: Anh chàng ngoại quốc nào ở Việt Nam mà giỏi, sõi tiếng Việt, chắc chắn anh chàng ấy phải có bạn gái người Việt…

Đấy! Chuyện thời đi học ở CCCP mấy chục năm trước của chúng tôi là thế!

Cụm từ “ôm gái Tây nhảy đầm” (nghe đã thấy sa đoạ) ngày ấy nay lại được gọi là “Khiêu vũ nghệ thuật”.

Ôi! Một thời!

(Còn nữa)

Đọc thêm