Mỗi khi trái nắng trở trời, một người bệnh là người kia lại phải nghỉ bán vé số để chăm sóc nhau. Dù phía trước còn biết bao trông gai nhưng chỉ cần được sống bên nhau đã là điều hạnh phúc nhất cuộc đời.
Đó là chính là câu chuyện cảm động về cuộc đời và tình yêu của đôi vợ chồng lùn nhất Việt Nam, ông Trần Tiến (SN 1964) và bà Nguyễn Thị Cui (SN 1969, ngụ phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Hai nửa đời buồn tìm thấy nhau
Ông Tiến sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà đông con, quê ở Đà Nẵng. Lúc mới chào đời cũng bình thường như bao chàng trai khác, nhưng khi lớn lên, đi học ông thấy mình cứ lùn mãi mà không cao lên được. Nhìn chúng bạn cùng những người thân chẳng thấy ai thấp bé như mình khiến cảm giác tự ti lẫn lo sợ trong ông lúc nào cũng thường trực.
Đang học trung học thì ông quyết định bỏ vì gia cảnh quá nghèo, lại thêm bị bạn bè trêu chọc. Những ngày tháng đó, ông Tiến phải sống trong sự mặc cảm bởi mỗi khi ra đường ai cũng nhìn ông với ánh mắt dị biệt, khác thường. Đám trẻ con trong làng thường lấy ông ra làm trò đùa, chúng hùa nhau chế giễu, đùa cợt.
Quãng thời gian đó ông phải đối mặt với khủng hoảng tinh thần, từ một cậu bé hiền lành sinh ra cố chấp, đánh lộn. Ngày tháng qua đi, sự dị biệt cũng trở thành bình thường, cái tên “Tiến lùn” đã trở thành quen thuộc. Vì thích hát hò, đam mê kể chuyện nên ông đã rèn luyện cho mình được một giọng hát, nói vô cùng truyền cảm, đặc biệt.
Năm 26 tuổi, trong một lần đi xem đoàn ca kịch cải lương, người chủ đoàn nhìn thấy ông “lùn tịt” nên đã có lời mời tham gia đi diễn cùng đoàn. Khi ấy, ông Tiến cũng muốn mình làm một điều gì đó, bởi chẳng thể ở mãi ở cái làng nhỏ bé này và không thể ăn bám cha mẹ, người thân mãi được. Ông cũng không thể ngờ được nhờ vào đoàn ca kịch này mà ông kiếm được người bạn đời như bây giờ.
Rơi vào cảnh ngộ tương tự, bà Cui cũng không hiểu lí do vì sao bà sinh ra đã phải chịu kiếp lùn. Từ ngày biết mình bị dị tật cũng là ngày bà phải trải qua biết bao buồn đau và phiền phức. Bà là con út trong một gia đình nhà làm nghề nông, có 3 chị em, quê ở mãi tận An Giang. Hai người với hai số phận giống nhau rồi gặp nhau như một cái duyên trời định.
Đó là năm 1996, trong một lần đoàn ca kịch có ông Tiến tham gia biểu diễn ở Vũng Tàu. Khi đó, bà Cui cũng đang đi thăm người thân, nghe thấy người dân đồn nhau đoàn có người lùn hát và diễn hài hay lắm. Bà Cui cũng chỉ vì tò mò và muốn xem người có hình dáng giống mình làm được gì trong đoàn ca kịch chứ không dám nghĩ nhiều.
Vì không cao nên bà Cui chọn ngồi ở vị trí hàng đầu cùng đám trẻ con. Khi giọng ca của chàng lùn cất lên, đã lấy đi bao nước mắt của khán giả, trong đó có bà Cui. Đến sáng hôm sau, khi đi chợ mua đồ, nhìn thấy những đôi vợ chồng tay trong tay đi mua sắm, chẳng hiểu sao lời bài ca của chàng lùn lại vọng về bên tai, khiến bà suy nghĩ: “Chẳng nhẽ cuộc đời mình phải chịu mãi khổ đau hay sao? Mình cũng có quyền được hạnh phúc, được yêu thương kia mà. Mà tại sao đầu mình chỉ nghĩ đến con người ấy thôi nhỉ?”.
Đang mải miết chạy theo những dòng suy nghĩ thì bất ngờ bà đụng vào chính chàng ca sĩ lùn, hai người, bốn ánh mắt nhìn nhau như người thân tự bao giờ. Ông Tiến mạnh dạn hỏi han: “Em có bị sao không?”. Bà Cui cười hiền: “Dạ, em không sao?”. Sau giây phút đầy bỡ ngỡ đó, hai người hẹn hò và chính họ cũng không rõ yêu thương đã đến từ lúc nào.
Sau lần gặp gỡ đó, cả ông Tiến và bà Cui không thể ngờ rằng cuộc đời hai người đã gắn bó với nhau từ đó. Trước ngày đoàn ca kịch rời khỏi Vũng Tàu, ông Tiến đã xin rời khỏi đoàn để về ra mắt bố mẹ vợ ở An Giang. Gia đình bà Cui mừng rơi nước mắt vì không thể ngờ rằng con gái mình lại tìm được người yêu một cách kỳ quặc như vậy. Một bữa tiệc nhỏ được tổ chức, hai bên gia đình có người đại diện chứng kiến cho hai người chính thức trở thành vợ chồng.
Từ đó, ông Tiến không đi hát nữa, bà Cui bàn với chồng nên đi bán vé số dạo, dù kiếm được ít hay nhiều cũng được, miễn là được đi cùng nhau, được sống bên nhau. Vay được chút vốn của người quen, cả hai cùng đi bán vé số ở những khu vực đông dân cư ở thành phố Vũng Tàu. Nhưng do bị những băng nhóm bán vé số khác dọa dẫm nên cả hai vợ chồng đã lên Tây Nguyên mong kiếm tìm được một cơ hội nhỏ.
Lúc mới lên Tây Nguyên, hai vợ chồng cũng bị những kẻ giang hồ dồn ép tới con đường cùng, phải chuyển đi nhiều nơi ở khác nhau, rồi cuối cùng họ dừng chân ở thành phố Buôn Mê Thuột xinh đẹp cho đến tận bây giờ.
Vào năm 2002, vì muốn đi xa hơn, đi nhanh hơn và cũng bớt mệt nên ông Tiến đổ hết số tiền dành dụm được mua một chiếc xe đạp (loại xe dành cho trẻ em). Từ đó, ông bắt đầu tập đạp xe như một đứa trẻ, sau hai tháng vật lộn, mình mẩy bầm giập vì ngã, cuối cùng ông cũng đi được.
Năm 2009, vào một ngày trời nắng như đổ lửa, đang đi bán vé số thì bỗng dưng ông Tiến thấy đầu choáng váng và không biết gì nữa. Bà Cui nhận tin chồng được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tất tả chạy vào viện. Bà được biết chồng mình bị đột quỵ do bị tai biến mạch máu não.
Nước mắt lưng tròng không biết làm thế nào, vì bao nhiêu tiền đầu tư hết vào việc mua vé, người thân của những bệnh nhân cùng phòng thương đôi vợ chồng lùn nên mỗi người mua cho vài tờ, số tiền bán vé đó, cộng với số tiền tích cóp được từ ngày lấy nhau dồn hết cho ca phẫu thuật. Cũng may, lúc đó có hội từ thiện vào bệnh viện phát cơm, cháo miễn phí. Đến ngày ra viện, mỗi người trong viện lại cho vài đồng để hai vợ chồng làm vốn đi bán vé số trở lại.
Ông Tiến tâm sự: “Khi tỉnh lại, thấy vợ đang héo hắt ngồi bên mình, nghĩ lại tôi đã hiểu những gì đã xảy ra. Đang định nói điều gì đó thì bà ấy an ủi “ông đừng nghĩ nhiều, cũng may trời thương cho ông được sống tiếp, nếu ông có mệnh hệ gì tôi cũng không muốn sống nữa. Chỉ cần ông tỉnh lại, chúng ta được ở bên nhau thì có khổ mấy tôi cũng chịu được. Chỉ cần sống thêm một ngày bên ông là tôi hạnh phúc lắm rồi”.
Cứ ngỡ sau ca phẫu thuật đó, ông Tiến sẽ khỏe mạnh trở lại, thế nhưng cứ mỗi khi trái nắng trở trời là đầu ông lại đau như búa bổ. Hiện tại, mỗi tháng ông Tiến đều phải dùng thuốc. Ngày nào trời nắng to là ông không dám ra ngoài vì có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào. Khi trời mưa thì đôi chân lại bị tê liệt không thể nhấc lên được. Mỗi lần thấy chồng kêu đau hoặc có triệu chứng bất thường là bà Cui lại nghỉ bán vé số dạo để ở nhà chăm chồng.
Bà Cùi xúc động: “Ngần ấy năm sống với nhau, hai vợ chồng chưa hề nặng lời to tiếng với nhau, mỗi khi tôi buồn là ông ấy lại nói chuyện tiếu lâm hoặc ca cải lương cho tôi nghe. Chỉ tiếc một điều là tôi không thể sinh cho ông ấy một đứa con. Ông ấy cũng ước mình được làm bố, nhưng thử mãi rồi chẳng thể sinh được. Tôi cầu mong trời phật phù hộ cho ông ấy bình an, còn những việc khác tôi đâu dám nghĩ tới”.
Vậy là, ngày nào cũng thế, hai vợ chồng lại rong ruổi khắp thành phố bán vé số, mong một ngày kiếm được vài ba chục ngàn sống qua ngày, thế nhưng Tây Nguyên khắc nghiệt là thế, mùa khô còn kiếm được chứ mùa mưa thì vé ế ẩm, không đủ tiền mua cơm cho hai vợ chồng. Tháng nào cũng phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, nhưng những thứ đó đâu có thấm tháp gì so với tiền thuốc thang hàng tháng của ông.
Những vị khách, người dân ở nơi ông Tiến, bà Cui đi bán vé số dạo qua chỉ thấy lạ kỳ bởi hình dáng của đôi vợ chồng, chứ có mấy ai biết rằng đằng sau hai mảnh đời ấy là câu chuyện tình yêu lẫn cuộc mưu sinh dài đằng đẵng. Số phận khiến cuộc đời họ phải hứng chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh nhưng lại bù đắp cho họ được ở bên nhau. Dù cuộc mưu sinh phía trước còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng cả hai vẫn luôn tự tin sánh bước bên nhau vì cả hai cùng tin rằng: “Hạnh phúc là được sống bên nhau, dù chỉ một ngày”.