Nhầm chốn trao thân
5 năm làm vợ, có với nhau ba mặt con nhưng chưa khi nào chị Lê Thị Hằng (35 tuổi) cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn của một gia đình. Với chị, đó là những ngày dài đau khổ, bất hạnh khi chẳng may trao thân, gửi phận cho gã chồng là “đệ tử của lưu linh”.
Ngày ôm hai đứa con chạy trốn khỏi những trận đòn thừa sống thiếu chết của người chồng tệ hại, chị đã phiêu dạt nay đây mai đó, sống lay lắt qua ngày. Nhưng những bất hạnh vẫn đeo bám chồng chất, không buông tha cho chị…
Từ ngày gia đình xảy ra biến cố, nhìn chị như người mất hồn. Chị cứ lầm lũi đi lại như cái bóng dưới mái nhà trọ lụp xụp bên rừng cao su xã Xuân Hiệp (Xuân Lộc, Đồng Nai). Nhắc lại chuyện cũ, những giọt nước mắt lại chực chờ trên khóe mắt trũng sâu. Chị bảo, con trẻ làm sai thì lỗi lớn nhất là do cha mẹ không dưỡng dục đến nơi đến chốn.
Theo chị, Sỹ dù là thủ phạm, làm điều bất luân với em gái đi nữa thì nó cũng là một nạn nhân vì sự thiếu trách nhiệm của chính bậc sinh thành. Chị oán hận người chồng vô nhân tính chính là nguồn cơn tạo ra những lệch lạc hành vi, tiêm nhiễm tư tưởng đồi bại vào tâm hồn trẻ dại. Nhưng chính chị cũng không nguôi day dứt vì mình đã không dành nhiều thời gian để quan tâm đến con cái. Lúc chị bỏ trốn, bé Linh đang mang trong mình căn bệnh máu trắng. Chị cũng đã cố hết sức và chịu nhiều cơ cực để nuôi dưỡng, giành giật mạng sống của con trước lưỡi hái tử thần…
15 năm trước chị kết duyên với Nguyễn Văn Huỳnh - một người đàn ông miền Tây sông nước. Nhà Huỳnh khá "hoàn cảnh", nhưng vì thương gã mà chị đã chẳng ngại ngần gian khó. Sau đám cưới vẻn vẹn 3 mâm cỗ cúng gia tiên, chị theo chồng về đất Tiền Giang lập nghiệp.
Những ngày đầu mới lấy nhau, Huỳnh cũng rất thương vợ và lo cho gia đình. Những tưởng có được cuộc sống yên ấm, nhưng đến đứa con trai thứ hai ra đời thì Huỳnh bắt đầu sinh tật xấu và lộ bản chất là một người đàn ông gia trưởng.
Từ một người hiền lành, gã chợt biến thành một con “ma men”. Mỗi khi rượu vào là Huỳnh như trở thành một kẻ khác. Vợ con là chỗ để gã trút những bực bội trong người. Cứ thế, những trận đòn lớn dần, nhiều dần và mau dần lên. Ngày nào Huỳnh cũng uống rượu và lần nào gã cũng say. Say rồi, gã lại lấy thân xác chị Hằng ra làm trò tiêu khiển.
“Vết ở tay là lần tôi bị Huỳnh cầm dao đuổi chém, vết ở đầu là do ghế đập. 5 năm sống với nhau nhưng 3 năm sau này, gần như ngày nào tôi cũng bị Huỳnh bạo hành” – chị Hằng ngậm ngùi vén lại mái tóc, kéo tay áo để giấu đi những vết sẹo dài.
Chị kể có đêm đang ru con ngủ thì chồng say rượu ở đâu về kêu lấy nước cho uống. Vì tay đang vướng bồng con nên sau khi đặt con xuống võng chị mới đi lấy nước. Lúc mang tới liền bị Huỳnh cầm ấm nước đập thẳng vào mặt, sau đó hắn lao vào đấm đá vì tội chậm chạp: “Chồng tôi mà đã đánh thì chỉ khi nào đã tay mới chịu dừng lại. Cũng đến mấy lần Huỳnh đánh tôi phải nằm viện, còn chuyện vết thương phải khâu vài ba mũi thì thường xuyên”.
Ông Lê Văn Ta, cậu ruột chị Hằng cho biết: “Hoàn cảnh của cái Hằng khiến ai cũng đau xót, thương cảm”. |
Sau mỗi trận đòn thừa sống thiếu chết, chị Hằng vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Đợi Huỳnh tỉnh táo, chị lại ngồi tỉ tê khuyên can. Những lời giận dỗi, ngọt nhạt cũng khiến gã nhận ra những hành động không đúng của bản thân đối với vợ. Huỳnh cũng hứa sẽ sửa sai, nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Hắn lại nhậu, lại say, lại đánh chị bất cần nguyên nhân. Trong khi đó, chị Hằng vừa nuôi con mọn lại vừa lo toan việc mưu sinh cả gia đình. Và nhất là sau khi bé Mỹ Linh ra đời, đôi vai chị lại như trĩu nặng gấp đôi khi Linh mắc phải căn bệnh quái ác…
So với những đứa trẻ khác, ngay từ lúc sinh ra Linh đã chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Em mang trong mình căn bệnh máu trắng quái ác. Lúc đó, các bác sĩ cũng đã khuyến cáo với chị rằng những đứa trẻ không may mắc phải căn bệnh này không sống quá được 15 tuổi, và tiền chi phí cho thuốc thang sẽ rất tốn kém. Với gia cảnh hiện tại, chị hoàn toàn không có khả năng chữa bệnh cho con.
Có người thân bi quan nói với chị đưa Linh về nhà, chẳng cứu chữa gì nữa, sống được bao lâu là do số mệnh. Nhưng nhìn đứa con quặt quẹo chị không cam tâm. Dù thế nào đi nữa bé cũng là một sinh linh, là máu mủ, chị quyết tâm cứu lấy đứa con tội nghiệp của mình. Và 14 năm Mỹ Linh sống trên cõi đời cũng là một hành trình dài mà người mẹ này chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống cho con.
Lo miếng cơm manh áo cho gia đình, mỗi tháng chị Hằng phải "xoay" từ 3 đến 4 triệu để đến bệnh viện truyền máu cho Linh. Biết vậy nhưng Huỳnh vẫn vô tâm, chẳng màng tới chuyện sống chết của con gái, gã mặc nhiên coi như mình vô can trong câu chuyện ấy. Huỳnh phó thác mọi trách nhiệm lên đầu người vợ, còn gã vẫn cứ say khướt như trước. Chán nản và thất vọng, chị Hằng đã ôm hai đứa con bỏ đi.
Con hư tại… cha
Đã 15 năm không còn ở với nhau, nhưng trên danh nghĩa chị Hằng với Huỳnh vẫn còn là vợ chồng. Ba đứa con, chị gửi một đứa nhờ bà nội nuôi, còn chị đưa Sỹ và Linh theo mình. Ngày ấy, chị bỏ đi cũng chỉ là tìm một mảnh đất khác để sống, kiếm tiền trang trải qua ngày và chữa bệnh cho con gái. Dù không còn tình nghĩa với nhau nữa nhưng chị vẫn không muốn ra tòa bởi muốn 3 đứa con của mình có một gia đình đầy đủ như bao đứa trẻ khác.
Tận đáy lòng, chị hy vọng một ngày Huỳnh nghĩ lại. Thế nhưng, trái ngược với những mong muốn của chị, gã không những chứng nào tật nấy mà còn trực tiếp hủy hoại cuộc đời của chính những đứa con mà mình sinh ra.
Bà Lê Thị Thúy kể lại những giây phút cuối cùng của bé gái bất hạnh. |
Chị Hằng kể, chuyện xảy ra vào một tối tháng 5, hôm ấy chị có việc ra ngoài nên chỉ có Sỹ và Mỹ Linh ở nhà. Lúc này, Sỹ lấy rượu ra uống một mình. Thấy anh uống nhiều rượu, Linh đã ngăn cản nhưng không được đã ngồi uống cùng anh. Sau khi hết rượu, Linh lên giường ngủ, còn Sỹ ra ngoài phòng khác nằm.
Thấy em nằm ngủ, trong người lại có men rượu nên Sỹ đã nảy sinh ý định tà dâm với chính em gái. Khi Sỹ tới gần, Linh chợt tỉnh dậy và phản kháng. Do không tỉnh táo, Sỹ lấy dao gí vào bụng em đe dọa. Linh hoảng loạn, sợ hãi và bất lực.
“Đến đêm hôm ấy tôi về nhà thì thấy con gái khóc. Nghe Linh kể lại mà tôi không khỏi choáng váng. Bình thường, biết Linh bị bệnh, thằng bé cũng rất thương và quan tâm tới em nó” – giọng chị nghẹn dần...
Theo lời chị Hằng, sau khi bỏ lại người chồng ở Tiền Giang chị đã đưa hai người con về đất Xuân Lộc (Đồng Nai) sinh sống. Dù khó khăn, túng thiếu nhưng chị cũng cố gắng lo cho Sỹ được đi học. Còn Linh vì bị bệnh nên cơ thể em rất yếu, chỉ có thể quanh quẩn ở nhà giúp những việc vặt cho mẹ.
Năm Sỹ học đến lớp 8 thì bệnh tình của Linh ngày càng nghiêm trọng và tiêu tốn nhiều tiền hơn. Một mình chị Hằng đã không thể xoay xở hết được. Cũng vì vậy mà Sỹ đành nghỉ học ngang chừng. Thương mẹ, thương em, Sỹ cũng đi tách vỏ hạt điều, cạo mủ cao su thuê để thêm tiền phụ mẹ chữa bệnh cho em.
Trước khi xảy ra chuyện chị Hằng cũng từng rất tự hào về con trai, dù gia đình có khiếm khuyết nhưng vẫn biết thương mẹ và lo cho em. Bỗng dưng Sỹ thay đổi và biến thành người khác như vậy chị mới biết thêm một sự cay đắng khác: Trước kia Huỳnh thường bắt Sỹ uống rượu và xem phim sex cùng hắn. Và cơ sự này cũng chính là hậu quả mà Huỳnh đã gieo...
6 tháng sau tai ương, Mỹ Linh mất. Bà Lê Thị Thúy, bà ngoại của cô bé bất hạnh này cho biết: “Mấy hôm đó, mẹ nó ở luôn trong rừng để tách vỏ cây, tranh thủ làm để cuối tháng đưa Linh đi viện truyền máu. Nhưng tiếc rằng nó chẳng đợi được mẹ về. Trước lúc mất giọng con bé yếu ớt nói rằng nó rất thương mẹ và anh trai...”.
Lúc Sỹ lầm lỗi, chị Hằng không có nhà; khi Mỹ Linh lặng lẽ ra đi trong đêm mưa chị Hằng cũng chẳng ở bên cạnh. Tâm sự với người viết, người phụ nữ này nghẹn ngào: “Cả cuộc đời tôi dày những bất hạnh. Điều khiến tôi cảm thấy được an ủi, hạnh phúc, vui vẻ là những đứa con thì nay cũng quá mong manh để bấu víu...”.