Hai chú rể ở bên nhau, không biết ai giả ai thật. Cho đến khi cô dâu bước đến nắm tay anh Trào thì mẹ chị ngất xỉu...
Thu là một cô gái lành lặn, nhưng yêu say đắm một chàng trai bị liệt hai chân, đi lại lết bằng tay. Để bố mẹ, họ hàng không phản đối, cũng như tránh những lời dị nghị từ hàng xóm, Thu thuê một chàng trai lành lặn đóng giả làm chú rể, tổ chức cưới hỏi. Sau những sóng gió qua đi, đôi vợ chồng đang sống với nhau hạnh phúc bên hai đứa con kháu khỉnh.
Tình yêu qua những dòng tin nhắn
“Chú rể xịn” trong đám cưới này tên Đào Xuân Trào (SN 1978, ngụ thôn Rạng Đông, xã Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội). Khi vừa lên 5 tuổi, anh bất ngờ lên cơn sốt, toàn thân co giật mạnh, chân teo dần rồi bị liệt.
Thuở còn bé, Trào không nhận thấy mình thiệt thòi, chỉ biết rằng các bạn chạy bằng hai chân, được đi học còn mình thì “bò” bằng hai tay, cứ lết ra đến cổng rồi lại vào nhà.
Bị liệt hai chân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trường lại xa xôi nên cả tuổi thơ Trào khao khát học chữ nhưng không một lần được cắp sách tới trường. “Nhìn các bạn í ới đánh vần O, A tôi mê lắm. Thế là tôi bắt chước cầm cái que tập viết nguệch ngoạc xuống nền đất. Nhưng do không được dạy bảo cẩn thận nên cuối cùng tôi mù chữ”, Trào chia sẻ.
Bất hạnh tuổi thơ liên tiếp giáng xuống đầu cậu bé bại liệt. Năm lên 8 tuổi, mẹ lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bố sống cảnh “gà trống nuôi con” được ba năm cũng chán nản bỏ nhà theo người đàn bà khác. Năm anh chị em Trào côi cút nuôi nhau.
Biết bản thân chẳng khỏe mạnh, nhanh nhẹn như anh chị em khác trong nhà nên Trào chăm chỉ trong việc băm bèo, thái rau cho lợn. Càng lớn Trào càng ý thức về sự thiệt thòi khiến anh nhiều khi lâm vào bế tắc, chán nản. Anh chị em lớn lên dựng vợ, gả chồng, có gia đình riêng, còn một mình Trào bơ vơ, loay hoay một mình trong ngôi nhà nhỏ.
Được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, anh có chút vốn mở cửa hàng nhỏ bán dăm gói mì, vài ba gói bột… Nhưng anh không được ăn học tử tế nên tiền lãi chẳng bõ tiền “nhầm”.
Người ta thường gọi căn nhà của anh Trào là “nhà nấm”, bởi diện tích chỉ 15m2, lại thấp bé, xiêu vẹo; bức tường loang lổ rêu phong. Nhưng gần 10 năm nay, từ khi Trào cưới vợ, sự tăm tối đã được tình yêu tuyệt vời của hai vợ chồng xua tan.
Nhà cửa lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói. Ẵm đứa con nhỏ trong tay, vợ anh là chị Kiều Thị Thu (SN 1979, thôn Liệt Mai, xã Ngọc Liệt, huyện Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ về lần đầu tiên gặp gỡ.
Cách đây khoảng 10 năm, hai người quen nhau qua một người bạn. “Khi đó người bạn từ Quốc Oai xuống Hà Đông thăm anh ấy, đường xa khoảng 20 km nên rủ tôi đi cùng. Thanh niên vô tư, bạn bè rủ đi chơi là đi liền. Dù mới gặp anh lần đầu nhưng chúng tôi nói chuyện khá “tâm đầu ý hợp”. Sau đó chúng tôi cho số điện thoại nhau để tiện liên lạc”, chị kể.
Thời gian sau anh chị chủ yếu liên lạc qua điện thoại. Thỉnh thoảng chị lên nhà giúp anh làm những việc vặt, chia sẻ, tâm sự những chuyện vui buồn. “Anh Trào liệt chân nhưng tâm hồn thì chẳng liệt. Những dịp lễ đặc biệt như ngày 8/3, 20/10 thay vì việc tặng hoa tươi, quà đẹp; anh ấy lại gấp tặng tôi hoa giấy. Giản dị thôi nhưng tôi lại cảm động vì sự chân thành, mộc mạc”, chị Thu tâm sự.
Khoảng 1 năm sau, tình cảm hai người sâu nặng, chính thức ngỏ lời yêu nhau. Tuy nhiên, yêu nhau đến hơn một năm mà không bao giờ anh Trào nhắc đến chuyện cưới hỏi. “Khi ấy tôi tự ti về bản thân, sợ lấy nhau xong thì em khổ nên tôi chả dám đả động gì đến chuyện tổ chức đám cưới, dù trong lòng rất muốn”, anh trần tình.
Mẹ vợ ngất xỉu trong đám cưới
Hai người quyết định đến với nhau nhưng thủ tục cưới hỏi thì không thể bỏ qua. Biết chắc đưa anh về giới thiệu là chàng rể tương lai thì bố mẹ sẽ không đồng ý nên trong suốt quá trình yêu nhau, chị không ra mắt người yêu với gia đình.
“Tôi nói con đã có bạn trai, hai người rất hiểu và yêu nhau. Bố mẹ đề nghị ra mắt, tôi cứ báo bận việc này việc kia để hoãn lại. Khi sắp cưới, tôi nói dối bố mẹ là nhà trai đi xem “thầy” thì bắt phải cưới đột xuất nếu không sau này chúng tôi sẽ bất hạnh. Bố mẹ tin tưởng tôi tuyệt đối, gấp gáp công tác chuẩn bị đồ cưới cho con gái”, chị Thu kể lại.
Trước ngày cưới, Thu bàn với Trào thuê chú rể để gia đình đỡ “sốc” cũng như tránh lời dị nghị của xóm làng. Ban đầu anh không đồng ý vì sợ chị thiệt thòi, sợ lừa dối gia đình bên vợ là trái với luân thường đạo lý. Được Thu thuyết phục, cuối cùng anh nghe theo.
Ngày cưới giông bão đùng đùng. Chú rể “hờ” làm công việc đưa rước cô dâu trong suốt buổi lễ. Đến khi rước dâu, bỗng nhiên xuất hiện thêm một “chú rể liệt chân” bò lê lết ra đón cô dâu. Khách khứa và quan viên họ hàng trong bữa tiệc đều ngạc nhiên, sửng sốt. Hai chú rể ở bên nhau, không biết ai giả ai thật. Cho đến khi cô dâu bước đến nắm tay anh Trào thì mẹ chị ngất xỉu.
Thu nghẹn ngào: “Có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được khuôn mặt của bố mẹ mình lúc đó. Hai cụ há hốc mồm, không nói lên được câu nào. Tôi cũng biết nói dối hai cụ là không phải, nhưng vì tình yêu nên đành làm vậy. Sau khi ngất đi, hồi lâu sau mẹ tôi mới tỉnh lại, không thôi hai hàng nước mắt. Bố tôi sau khi hoàn hồn thì mắng: “Đầy người lành lặn không lấy sao lại lừa dối bố mẹ đi lấy thằng bị liệt”.
Hai vợ chồng tôi chỉ còn biết xin lỗi và cầu xin bố mẹ cho tiếp tục kết hôn. Lễ cưới của đôi vợ chồng tôi ngập trong nước mắt tủi thân”.
Sóng gió qua đi, hạnh phúc thêm bền chặt khi hai anh chị có hai người con trai, đứa lớn 5 tuổi, đứa út 3 tuổi. Người chồng tuy không giúp được gì kiếm tiền nuôi con cái, nhưng tình yêu và sự quan tâm của anh luôn làm chị vợ ấm lòng, động lực để chị phấn đấu.
Chị kể: “Có lần công ty tăng ca, tôi ở lại làm đến khuya mà không kịp báo về nhà. Lo lắng, anh Trào bò lê lết ra tận công ty tìm hỏi. Nhìn anh lúc đó không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều xúc động. Dù vất vả nhưng có được tình yêu của anh khiến tôi hạnh phúc”.
Người vợ đang làm trong một công ty sản xuất tăm trong xã. Thời gian làm từ 7h sáng đến 9h tối, mức lương 2,5 triệu/tháng. Đồng lương ít ỏi, cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Nhưng dù vất vả thế nào chị Thu vẫn chịu được, điều khiến chị lo lắng là những lúc trái gió trở trời, anh phát bệnh, hay khi hai đứa con gặp lúc ốm đau không có ai chăm sóc.
“Có lần tôi đi làm, bố con ở nhà trông nhau. Đứa bé sốt cao lên cơn co giật, sùi bọt mồm. Chồng tôi chẳng biết xoay xở, chỉ còn cách bò lê lết khắp xóm tìm người đến giúp”, chị Thu kể.
Cô Nguyễn Thị Hảo, hàng xóm gia đình cho biết, gần 10 năm chung sống cùng người chồng bại liệt, một mình phải cáng đáng mọi công việc lớn nhỏ trong nhà nhưng chưa bao giờ bà con hàng xóm thấy Thu than vãn nửa lời. “Cuộc sống hai vợ chồng tuy khó khăn nhưng rất hạnh phúc”, cô Hảo nhận xét.