“Chuyện tình cổ tích” của công chúa Nhật Bản từ bỏ địa vị cao quý để kết hôn với thường dân

(PLVN) - Tại Nhật Bản, đám cưới của Công chúa Mako cùng hôn phu “thường dân” Kei Komuro hiện đang là tâm điểm của dư luận khắp nơi. Sau hơn 3 năm liên tục trì hoãn và dời lịch, ngày 26/10 tới đây không chỉ là thời khắc vị công chúa trẻ tuổi lên xe hoa về nhà chồng, mà còn là ngày cô bỏ lại sau lưng cuộc sống nơi cung điện nguy nga và thân phận hoàng tộc cao quý, bắt đầu một chương hoàn toàn mới của cuộc đời.
Hình ảnh rạng rỡ, hạnh phúc của Mako khi cùng vị hôn phu tuyên bố đính hôn.

Không có lâu đài hay cỗ xe ngựa đẹp đẽ

Công chúa Mako sinh năm 1991, là con gái cả của Hoàng tử Akishino và Công nương Kiko, đồng thời là người cháu đầu của Nhật hoàng Akihito. Mako được đánh giá là một trong những nàng công chúa tài sắc vẹn toàn của Hoàng gia Nhật Bản.

Mặc dù là công chúa của một nước nhưng Mako vẫn giữ lối sống giản dị. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Mako đã giấu đi thân phận hoàng gia để dễ dàng hòa nhập cùng bạn bè trong các sự kiện tập thể. Vài năm gần đây, ngoài đảm đương trách nhiệm của một công chúa, Mako còn đảm nhận vai trò nghiên cứu viên tại Bảo tàng Đại học Tokyo. Cô cũng là người bảo trợ danh dự của Hiệp hội Tennis Nhật Bản.

Từ lâu, Mako trở thành thần tượng của giới trẻ Nhật bởi nhan sắc ngọt ngào, tài năng vượt trội và lối ứng xử thanh lịch, hòa nhã, thân thiện với mọi người. Trong những chuyến công du cùng gia đình, Công chúa luôn được truyền thông thế giới hết lời khen ngợi vì giản dị, duyên dáng.

Năm 2017, Mako chính thức tuyên bố đính hôn cùng Kei Komuro - một anh chàng thường dân mà cô quen khi còn học đại học. Thực tế, ban đầu cuộc hôn nhân của cặp đôi nhận được sự ủng hộ không ít của truyền thông cũng như dân chúng. Họ thậm chí ca ngợi chuyện tình đẹp đẽ và thuần khiết của đôi trẻ, Mako khiến ai nấy đều ngưỡng mộ vì chấp nhận bỏ đi tất cả, kết hôn cùng chàng sinh viên nghèo khó.

Người dân cầm băng rôn đi biểu tình trên các con phố đông đúc nhất ở Tokyo.

Nhưng không lâu sau đó, chuyện tình của Công chúa Mako bắt đầu vướng hàng loạt thị phi khi gia đình Kei Komuro bị lộ bê bối tài chính, nợ nần dây dưa không trả với số tiền 36.000 USD (gần 1 tỷ đồng). Ngay lập tức, hình ảnh của Komuro đã “chạm đáy” trong mắt dư luận Nhật Bản. Họ gán cho anh cái tên “kẻ đào mỏ”.

Vào tháng 8/2018 - khi sự việc vẫn trong giai đoạn căng thẳng, Kei Komuro đã quyết định rời Nhật Bản để đi du học tại Đại học Fordham ở New York, Mỹ. Trong mắt dân chúng, Kei mất điểm hoàn toàn khi hành động của anh bị coi là chạy trốn, để Mako ở lại một mình chịu đựng mọi sự chỉ trích, phán xét của dư luận Nhật Bản.

Trước áp lực bốn bề bủa vây, vị hôn phu của Công chúa Mako phải lên tiếng giải thích về vụ rắc rối tài chính trên bằng một tài liệu dài 28 trang và Komuro khẳng định sẽ trả hết số tiền mà gia đình đã nợ, hoàn toàn không dựa vào hoàng gia, sử dụng tiền thuế của người dân.

Do đó, trái với mong đợi về một hôn lễ xa hoa, tràn ngập những điều đẹp đẽ và xa xỉ nhất, các nghi thức trong lễ cưới của Công chúa Nhật Bản sẽ được giản lược. Công chúa Mako và chồng sẽ chỉ xuất hiện trước công chúng trong một cuộc họp báo ngắn gọn và mang tính chuẩn mực. Cũng chẳng có cỗ xe ngựa xa hoa hay lâu đài lẫn cung điện nguy nga nào đang chờ đón họ.

Thay vào đó, sau khi kết hôn, Công chúa Mako sẽ từ bỏ địa vị của mình và sống như bao người bình thường khác khi cùng chồng sang Mỹ định cư. Anh Komuro hiện đang làm việc trong một văn phòng luật ở New York sau khi vừa tốt nghiệp Đại học Fordham. Công chúa Nhật cũng được cho là đi tìm việc làm ở một phòng tranh để cùng chồng trang trải cuộc sống.

Đây chắc chắn là sự lựa chọn không thể nào tốt hơn trong thời điểm hiện tại đối với vợ chồng Công chúa Mako bởi lẽ ở Nhật Bản, họ không được truyền thông và dư luận ủng hộ.

Từ bỏ tất cả để được hạnh phúc

Theo truyền thông Nhật, kể từ tháng trước, những người dân bất bình đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối hôn nhân trên đường phố ở Tokyo, Kanagawa, Osaka, Fukuoka... Do nhóm biểu tình nghi ngờ và phản đối việc một số tiền thuế lớn của người dân đang được sử dụng để bảo vệ an ninh cho Komuro cùng gia đình một cách lãng phí.

Không chỉ bị vướng cáo buộc nợ tiền hôn phu cũ, vào ngày 6/10, bà Kayo Komuro - mẹ chồng tương lai của Công chúa Mako còn bị đâm đơn kiện đã gian dối để nhận tiền trợ cấp của nhà nước. Cụ thể, bà đã nghỉ làm năm 2018 do sức khỏe yếu và được nhận trợ cấp thương tật và bệnh tật của chính quyền dành cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều người xung quanh cho biết bà vẫn khỏe mạnh và tiếp tục làm việc tại một nhà hàng do người quen điều hành.

Trước tất cả những vấn đề lùm xùm xung quanh chuyện hôn lễ, Công chúa Mako quyết định từ bỏ tất cả những gì mình nhận được khi ở trong hoàng gia để bắt đầu cuộc sống mới bên người mình yêu. Thậm chí nàng công chúa này còn từ chối nhận khoản hồi môn 1,4 triệu USD chỉ vì không muốn vị hôn phu bị mang tiếng là “kẻ đào mỏ”. Nàng công chúa 29 tuổi này cũng sẵn sàng chấp nhận hôn lễ của mình sẽ bị giản lược một số thủ tục so với truyền thống. Mako sẽ là người đầu tiên trong hoàng gia Nhật làm điều này kể từ thời hậu chiến. Sở hữu thân phận và địa vị cao quý nhưng với Mako không có gì quan trọng bằng việc được sống với người mình yêu.

Mako không phải là nàng công chúa đầu tiên của hoàng gia Nhật lựa chọn làm dân thường, từ bỏ cuộc sống cao quý. Công chúa Mako là thành viên nữ thứ 9 trong hoàng gia kết hôn với thường dân thời hậu chiến ở Nhật Bản.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1965 với The Asahi Shimbun, một tờ báo của Nhật Bản, Takako Shimazu, con gái út của cựu Nhật hoàng Hirohito, nói rằng bà đã tìm thấy được niềm hạnh phúc bình yên sau 2 năm sống ở Washington nơi chồng bà đang làm chủ một ngân hàng.

“Tôi hạnh phúc hơn so với trước kia. Là một người dân bình thường, tôi không chịu bất kỳ áp lực tinh thần nào. Tôi có thể sống vui vẻ, yên bình mà không còn trở thành tâm điểm chú ý của mọi người”, Takako Shimazu chia sẻ. Công chúa Sayako, con gái cựu Nhật hoàng Akihito cũng là một người phụ nữ độc lập, tự chủ và mạnh mẽ. Bà đã quyết định từ bỏ địa vị hoàng gia để kết hôn với Yoshiki Kuroda, một nhà thiết kế đô thị rất bình thường. Hôn phu của bà còn là một đứa trẻ mồ côi cha nhưng điều đó chẳng thể ngăn cách tình yêu của hai người.

Năm 2005, cặp đôi chính thức trở thành vợ chồng. Sau khi dọn ra khỏi cung điện, công chúa Sayako không còn được hưởng bất kỳ đặc quyền nào. Công chúa đã từ bỏ công việc tại một trung tâm nghiên cứu khoa học để ở nhà làm nội trợ giống như nhiều phụ nữ truyền thống Nhật Bản khác. Chẳng ai ngờ rằng một công chúa lá ngọc cành vàng giờ đây phải tự dọn dẹp nhà cửa, học lái xe, đi siêu thị, nếm các món ăn truyền thống như bao người khác.

Và Công chúa Mako chắc chắn cũng sẽ phải làm quen dần với cuộc sống của một người dân thường, không được hưởng bất kỳ đặc quyền nào sau khi kết hôn. Nhiều trang tin Nhật Bản đã bày tỏ sự e ngại về tương lai cho cuộc hôn nhân đầy tranh cãi của Mako và vị hôn phu, họ còn dự đoán rằng cặp đôi sẽ sớm chia tay và Công chúa Nhật sẽ mất hết tất cả.

Tương lai không ai biết trước được sẽ như thế nào chỉ biết rằng với Công chúa Mako, hiện tại cô đang rất hạnh phúc khi có thể kết hôn được với người mà mình đã lựa chọn. Dù sau này có ra sao, Mako sẽ mãi để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng về một vị công chúa đặc biệt, không giống bất kỳ nàng công chúa trong truyện cổ tích màu hồng nào.

Đọc thêm