Con cái bây giờ là niềm vui lớn nhất của anh chị. |
Tàn nhưng không phế
Chị Hồ Thị Lành vốn là cô gái Vân Kiều đẹp người, đẹp nét ở bản Giai (xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ngay từ khi còn nhỏ, sau một cơn bạo bệnh đã khiến chân trái của chị bị liệt. Nhìn đứa con mới sinh ra đã mang phận tật nguyền, mẹ chị Lành khóc rất nhiều, còn cha chị mỗi khi thấy chị lầm lũi lê lết bước đi thì ngậm ngùi chua xót.
Mới sinh ra Lành bụ bẫm, đẹp lắm, nhưng được vài tháng thì Lành bị sốt cao, người gầy gò, ốm yếu rồi bị suy dinh dưỡng. Thời đó gia đình khó khăn, bệnh viện lại xa nhà nên Lành bị sốt, đưa đi viện không kịp. Qua cơn sốt, chân trái không hề cử động, tưởng là không sao, ai ngờ nó bị liệt luôn cho đến giờ. Biết phận mình bọt bèo, gia đình lại nghèo nên từ nhỏ Lành đã phải tự bươn chải, tập luyện bước đi bằng nạng gỗ cùng phụ giúp cha mẹ lo cho bữa ăn hàng ngày.
Lớn lên đến tuổi đi học, Lành cũng phải tự mình đến trường bằng cách khi bò, khi lết. Lúc nào may mắn cha mẹ rảnh rang thì cõng đến trường hoặc bạn bè dìu dắt đưa đi. Cực khổ đến vậy, ấy thế mà Lành cũng vượt qua 12 năm học với thứ hạng cao ở trường, được cô thầy, bè bạn ca tụng, cảm phục.
Còn với anh Hồ Xuân Phi, chàng trai Vân Kiều ở bản Khe Van cũng sinh ra trong gia đình nghèo khó. Tuổi mới lớn, chàng trai Vân Kiều tên Phi cực kì khỏe mạnh, lại nổi tiếng bảnh bao nhất xã Hướng Hiệp, được nhiều cô nàng để ý. Nhưng số phận lại trớ trêu khi anh Phi đang lên nương trỉa lúa thì một quả bom còn sót lại trong thời kì chiến tranh phát nổ, cắt cụt cánh tay phải lành lặn của anh và khiến anh rơi vào cảm giác tự ti với hàng xóm, bạn bè.
“Lúc tỉnh lại, thấy mình đã mất đi cánh tay, tôi đau đớn vô cùng, chỉ muốn chết đi cho xong vì nghĩ mình đã tàn phế, chẳng có ý nghĩa gì để tiếp tục sống trên đời này nữa” – anh Phi nhớ lại bước ngoặc cuộc đời. Được sự động viên giúp đỡ của bàn bè, người thân, anh Phi nhanh chóng lấy lại tinh thần rồi tự tập làm việc khi chỉ còn một cánh tay.
Đứng dậy từ tình yêu thể thao
Tuy cuộc sống vất cả nhưng cả anh và chị đều không chịu khuất phục số phận, không đầu hàng trước những khó khăn. Chính thể thao đã giúp họ nhận ra bản thân mình còn làm được nhiều việc có ích, từ đó phát huy được những sở trường của bản thân. Và cũng chính thể thao trở thành “bà mối mát tay” giúp hai người con Vân Kiều ở cách xa nhau tận 50 cây số nên duyên vợ chồng.
Công việc thường ngày của vợ chồng chị Lành. |
Khi được hỏi duyên số thế nào mà đến với thể thao, anh Phi cười hiền rồi thật thà cho biết: “Tôi thích thể thao từ thuở bé, đặc biệt với hai môn nhảy cao và nhảy xa. Chính vì vậy, năm 2006 tôi quyết định tham gia vào Đội tuyển thể thao người khuyết tật của huyện Đakrông. Một năm sau, tôi giành được 3 huy chương trong Đại hội Thể thao người khuyết tật huyện Đakrông và tôi xem đó là món quà lớn nhất tôi tự thưởng cho mình vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong thời gian tập luyện vừa qua”.
Anh Phi cho biết, những ngày đầu tập luyện thật sự gian truân. Cánh tay bên phải không lành lặn khiến anh khó lấy được thăng bằng trong các môn nhảy xa và nhảy cao. Mỗi lần tập luyện là y như rằng anh Phi bị ngã hàng chục lần, máu cứ thế tứa ra không ngừng, đến nỗi ở chỗ tay bị cụt vết chai sạn dày cả mấy centimét. Khi đã lấy được thăng bằng, anh phấn đấu nâng dần độ cao của xà và phát triển chiều dài trong môn nhảy xa. Nhiều đêm cơ thể đau nhức, cánh tay nhói đau nhưng anh đều gắng vượt qua và tự nhủ bản thân phải cố gắng, không được bỏ cuộc giữa chừng. Với anh, giỏi thể thao cũng là cách để khẳng định bản thân và trở thành người hữu dụng, đem nhiều huy chương về cho huyện nhà.
Đến với thể thao sớm hơn anh Phi một năm, chị Lành tình cờ được giới thiệu tham gia vào Đoàn thể thao người khuyết tật của huyện Hướng Hóa năm 2005. Chị Lành nhanh chóng làm quen với môi trường mới và sớm thể hiện rõ năng lực của mình. Đáp lại những ngày tập luyện vất vả, phải băng bó do chấn thương là những tấm Huy chương Vàng các cấp ở ba môn ném lao, ném đĩa và đẩy tạ. Từ thành viên của Đội thể thao người khuyết tật cấp huyện, chị được nhận vào Đội tuyển của tỉnh và tham gia các đại hội thể thao người khuyết tật cấp quốc gia. Với chị, đó là niềm vui không tả xiết, đó cũng là động lực để chị tiếp tục rèn luyện cho các giải đấu quy mô lớn hơn.
Nhờ thể thao mà hai trái tim đồng điệu đến được với nhau. Duyên phận của Phi - Lành khởi nguồn từ ánh mắt đắm đuối đầu tiên nhìn nhau, như người ta thường gọi là “tình yêu sét đánh”. Xen lẫn trong khoảng thời gian thi đấu là những cái nhìn trộm thân thương nơi chàng trai Vân Kiều bản Khe Van dành cho cô gái Vân Kiều bản Giai. Cứ thế, ngọn lửa tình yêu trong anh rực cháy và nung nấu ý chí phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm sao để được gọi vào Đội tuyển của tỉnh để được gặp gỡ Lành nhiều hơn.
Những năm tháng phấn đấu đó đã không uổng phí. Sau một khoảng thời gian tập luyện và giành được nhiều thành tích, anh Phi cũng được chọn vào Đội tuyển thể thao người khuyết tật của tỉnh Quảng Trị. Và đó là cơ hội lớn để anh Phi “cưa đổ” chị Lành. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, sau 2 năm tìm hiểu, anh chị đã tiến tới hôn nhân vào năm 2009. Cô gái của bản Giai ngày nào giờ chính thức làm dâu nơi bản Khe Van.
Nhớ lại ngày trở thành bước ngoặt thứ hai của đôi vợ chồng trẻ, anh Phi cho biết: “Khi tôi nói với cha mẹ rằng muốn cưới Lành làm vợ, cha mẹ tôi chần chừ, ái ngại vì một chiếc đũa hư đã khổ, đằng này đôi đũa cọc cạch cả hai thì càng khổ hơn. Lỡ lúc ốm đau bệnh tật lấy ai chăm nom lo lắng. Nhưng rồi vợ chồng chúng tôi thuyết phục cả hai bên gia đình, cuối cùng cha mẹ cũng mủi lòng đồng ý cho chúng tôi cưới nhau vào năm 2008”. Ngày đôi đũa cọc cạch đến với nhau, cả xã đến chúc mừng.
Những thành tích về thể thao anh chị có được. |
Bạn bè, đồng nghiệp, những vận động viên khuyết tật nhìn nhau ứa nước mắt chúc mừng hạnh phúc cho anh Phi, chị Lành. “Chúng nó thương nhau thật lòng thật dạ thì mình cũng không miễn cưỡng. Mong sao cuộc sống của chúng nó sẽ mãi được hạnh phúc như bây giờ” – ông Hồ Văn Đèn, bố chị Lành tâm sự.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, giờ đây gia tài quý giá nhất của anh chị là cô con gái 4 tuổi Lê Thị Kim Cúc – là kết quả hạnh phúc của câu chuyện tình thể thao khiến nhiều người kính nể. Từ khi còn bé, Cúc đã song hành cùng bố mẹ trên khắp các trận thi đấu được tổ chức tại các địa phương, từ Hà Nội, Đà Nẵng cho đến TP.HCM, Cần Thơ, … chứng kiến những màn trình diễn thể thao ấn tượng của bố mẹ.
Hỏi anh chị về bí quyết làm sao để có được cuộc sống hạnh phúc trong khi có nhiều gia đình giàu có đủ đầy, vợ chồng lành lặn vẫn xích mích, gây gổ thậm chí đánh nhau hàng ngày, không giấu giếm, chị Lành chân thành nói: Cũng có chứ chú, cuộc sống đâu tránh khỏi chuyện này, chuyện khác. Nhưng người nói phải có người nghe, mỗi khi có mâu thuẫn, vợ chồng tui đóng cửa bảo nhau chứ không bao giờ to tiếng quát nạt nhau, có khi tôi làm mặt giận, anh Phi dỗ tôi vui lắm”.
Vừa qua, trong Hội thao người khuyết tật toàn quốc năm 2014, chị đã giành 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng ở các nội dung ném lao, ném đĩa và đẩy tạ. Trước đó, năm 2012, chị vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen ghi nhận những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động, học tập và trong các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Ông Hồ Xuân Thin, Trưởng bản Khe Van cho biết, vợ chồng anh Phi, chị Lành là niềm tự hào của cả bản. Nhờ tấm gương sáng của vợ chồng anh Phi mà nhiều thanh niên lêu lổng trong bản đã tự ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội, ai nấy đều cố gắng làm ăn kinh tế, đóng góp tích cực cho thôn bản, cho xã hội.