Chuyện tình khó tin giữa “tiểu thư” xinh đẹp với anh chàng liệt nửa người

(PLO) - Cô gái có tiếng xinh đẹp, nết na nhưng lại phải lòng anh thương binh ngồi xe lăn. Biết chuyện, bố mẹ cô gái hết khuyên can rồi ra sức ngăn cản, cấm đoán. Thậm chí từ bỏ con gái. Nhưng sức mạnh tình yêu đã giúp đôi trai gái đến với nhau
Tình yêu nảy nở từ lời hứa thăm bệnh
Câu chuyện đẹp như cổ tích ấy là cuộc tình giữa bà Lê Thị Hồng Tuyết (SN 1962), cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường 3 (quận Gò Vấp, TP HCM) đem lòng yêu ông Dương Văn Việt (SN 1964), thương binh liệt nửa người. Họ gặp gỡ, đem lòng yêu nhau, cùng nhau vượt qua vô vàn thử thách để đến với nhau. 
Căn nhà nhỏ trong hẻm ở khu phố 3 (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) là nơi tá túc của hai vợ chồng thương binh lúc nào cũng tràn đầy tình yêu thương.  Ông Việt bồi hồi nhớ lại quãng thời trai trẻ đã qua hằn sâu trong ký ức bằng giọng chậm rãi. Quê ông ở Cai Lậy (Tiền Giang), năm 18 tuổi ông nhập ngũ, phân về Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 271, Sư 302, Quân khu 7 sau đó tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Trong một trận đánh, ông Việt trúng đạn được đồng đội cấp cứu chuyển về hậu phương điều trị. Tiếp đó ông được phẫu thuật lấy mảnh đạn. Bất hạnh rằng, cũng từ đó nửa thân hình ông không thể cử động, phần đời còn lại gắn liền với chiếc xe lăn. Nhưng cuộc đời dường như đã bù đắp cho ông bằng một tình yêu đẹp ngay chính trên giường bệnh:
“Khoảng đầu năm chín mươi, tôi đang điều trị tại khoa B5, bệnh viện 175 (quận Gò Vấp) thì gặp bà ấy (tức vợ ông). Bà đi với đoàn công tác ghé thăm thương binh. Bà đến bên giường bệnh của tôi ngồi trò chuyện vui vẻ. Tôi ấn tượng bởi nét trẻ trung, nói chuyện dễ mến của bà. Sau buổi trò chuyện đầu tiên, chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp lại”, ông Việt xúc động kể.
 Ảnh cưới của ông Việt, bà Tuyết cách đây 25 năm
Ngồi bên cạnh, bà Tuyết nở nụ cười hiền hậu, bà tiếp lời chồng: “Lúc đó, tôi công tác tại UBND phường. Cơ quan kế bên bệnh viện, nhà tôi lại nằm đối diện bệnh viện nên đi lại rất gần. Sau lần đầu tiên gặp nhau, tôi có hẹn sẽ quay lại thăm ổng nhưng bận bịu công việc nên quên khoắng. Khoảng hai tuần sau đó, tôi nhận được lời nhằn từ người quen rằng có anh thương binh trong bệnh viện nhắn tìm. Lúc này, tôi mới sực nhớ lời hứa, tranh thủ vào thăm ông. Rồi lần hai, lần ba, cứ thế nhiều lần vào thăm và tình cảm cũng nhiều lên. Tôi nhận ra mình thương ổng nhiều”.
Kết cục có hậu cho tình yêu đẹp 
Giọng bà Tuyết trầm xuống khi nhớ lại quãng thời gian tình yêu nảy nở với anh thương binh liệt nửa người cũng là lúc gia đình phát hiện, cấm cản bà quyết liệt. Bà kể, cứ mỗi lần vào thăm người yêu trong bệnh viện tức có người theo dõi về mách với bố mẹ. Vả lại gia đình bà gần bệnh viện nên chỉ hay tin là chạy liền vào tới phòng bệnh của ông Việt đang nằm: “Lúc đó tôi vào thăm ổng mà giống như đi… thăm tội phạm vậy. Có hôm bị bắt quả tang, gia đình tôi kịch liệt phản đối vì sợ tôi thương ổng sẽ chịu khổ và thiệt thòi”, bà Tuyết tiếp dòng hồi ức.
Không chỉ bố mẹ ruột cấm đoán, tất cả anh chị em cho đến bạn bè, đồng nghiệp hay tin đều hết lời khuyên nhủ bà Tuyết chấm dứt cuộc tình với anh thương binh ngồi xe lăn, bà nhớ lại: “Mấy đứa bạn bảo tôi lấy chồng tật nguyền về phải mất công chăm sóc chồng, ra xã hội bị người đời chê cười”. 
Nhưng như lời phụ nữ này tự nhận, bà tin vào niềm tin trái tim mách bảo. Bà tâm niệm người yêu đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc và xứng đáng có một tình yêu đẹp. Bà biết rõ nếu lấy chồng tật nguyền sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhưng chấp nhận.  
Về phần gia đình bà Tuyết, cấm cản không được, người mẹ giận con, quyết từ mặt con gái. Khi đó, bà Tuyết cũng có bạn trai theo đuổi đã lâu, chàng trai còn ngỏ ý dạm hỏi nhưng bà nhất mực từ chối vì tình yêu đã dành trọn cho anh thương binh: “Tôi không ngừng thuyết phục bố mẹ tin rằng tình yêu tôi dành cho ông ấy rất nhiều, không có gì thay đổi được. Tôi nói nếu mình đến với ông ấy mà cuộc đời đau khổ sẽ cam tâm gánh chịu. Hơn năm kiên trì thuyết phục, cuối cùng bố mẹ tôi đã mềm giọng chấp nhận tổ chức đám cưới”, bà Tuyết cười vui vẻ. Đám cưới xong, vợ chồng bà chuyển về quận 12 sinh sống cho đến tận bây giờ, ngót nghét đã 25 năm.
Nghe vợ kể tỉ mỉ hành trình tình yêu của mình, ông Việt không ngại ngùng thú thực: Trong thời gian bị ngăn cấm, nhiều lần gia đình vợ gặp riêng ông khuyên nhủ rồi cầu xin buông tha con gái họ. Những lúc ấy, ông chịu áp lực rất lớn: “Nhiều lúc tôi thoáng suy nghĩ sẽ từ bỏ tình yêu. Nhưng chính bà ấy luôn ở bên cạnh, hết lời động viên tôi. Tình yêu bà ấy dành cho tôi quá lớn, tôi sao thể phụ lòng. Từ đó, chúng tôi quyết tâm cùng vượt qua tất cả những khó khăn tìm đến với nhau”, ông Việt quay đầu nhìn vợ trìu mến.
 Vợ chồng ông Việt hạnh phúc bên nhau sau 25 năm chung sống
Điều không ai phủ nhận được, đó là vợ chồng ông Việt bao năm nay đã vượt qua nghèo khổ, vượt qua bệnh tật để sống với nhau hạnh phúc. Tuy không giàu có nhưng ngôi nhà ấy lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Người chồng thương binh mỉm cười chia sẻ, bản thân ông chẳng có bí quyết gì cả. Trong tình cảm, sự chân thành sẽ quyết định hạnh phúc.
Càng nể phục hơn khi biết rằng vợ chồng ông Việt không thể có con, thế nhưng họ vẫn sống hạnh phúc. Lục tìm tờ giấy quyết định nhận con nuôi “khoe” với khách, bà Tuyết nở nụ cười mãn nguyện nhìn bức ảnh bé trai kháu khỉnh. Cháu bé là con nuôi ông bà, hiện đang gửi nhà trẻ. Bà Tuyết cho biết, cháu bé là con của em trai chồng được ông bà nhận làm con cho vui nhà vui cửa. Đứa bé còn là niềm hy vọng cho kết cục có hậu của một tình yêu đẹp. 
Vợ chồng ông Việt mới đây vinh dự được Liên đoàn Lao động TP.HCM tuyên dương là một trong những gia đình tiêu biểu. Suốt 24 năm chung sống, ông bà chưa từng lớn tiếng cải vả, luôn thương yêu nhau. Cuốn album ảnh cưới ngày nào được xếp cất ngăn ngắn, bảo quản kĩ càng. Và mỗi lần ngắm nhìn, hai đôi mắt vợ chồng ông thương binh toát lên niềm hạnh phúc vô bờ bến. Hình ảnh cô dâu bước bên chú rể ngồi xe lăn khiến ai nấy đều xúc động. Hình ảnh ấy dù thuộc về  quá khứ nhưng vẫn hiện hữu trong căn nhà nhỏ, trong kí ức ông bà.

Đọc thêm