Không có cầu sẽ có nhiều người chết
Về xã Đại An, hỏi ông Dũng cầu phao, từ đứa trẻ con đến người già ai cũng biết và kể rành mạch về lão nông đã bỏ 300 triệu đồng dành dụm để xây dựng cây cầu phao bắc qua sông Vu Gia.
Hỏi về chuyện làm cầu, ông Dũng khoát tay, nói nhẹ tênh: “Chuyện nớ có chi to tát đâu. Nhà chưa có từ từ làm, ăn nhiều chớ ở bao nhiêu, nhà chưa có chưa chắc chết, nhưng không có cái cầu phao nớ thì sẽ có nhiều người chết nên tui quyết làm”.
Được biết, để làm được chiếc cầu phao dài 78m bắc qua đầu nguồn sông Vu Gia, ông Dũng đã nhiều đêm mất ngủ tự mày mò thiết kế và tự thi công. Xã Đại An nằm bên này sông Vu Gia nhưng ruộng đồng nằm bên kia sông. Hàng ngày, bà con chèo ghe đi làm rất nguy hiểm, đã có nhiều cái chết thương tâm do lật ghe khi trời giông lốc bất ngờ. Khổ nhất là đến mùa thu hoạch, nhìn cảnh bà con vất vả chèo ghe vượt sông trong nước chảy xiết nên ông quyết làm cầu.
Đầu năm 2013, ông Dũng bắt tay làm cầu, từ bản vẽ thiết kế, rồi khảo sát dòng chảy. Nhiều người dân nghe nói ông lấy tiền nhà làm cầu phao chẳng mấy ai tin. Có người bảo ông ấm đầu, bà con anh em ruột thịt thì chỉ thẳng mặt ông bảo đừng có dở hơi, nhà thì không chịu làm mà ở, chỉ có điên mới bỏ 300 triệu đồng ra làm cầu không công. Ai nói chi mặc kệ, ông cứ âm thầm làm.
Để làm cái cầu phao vượt đầu nguồn Vu Gia, một mình ông ngược xuôi vào ra Đà Nẵng mua 147 cái thùng phuy, 1,8 tấn sắt thép và 2 tạ dây cáp. Để thiết kế cây cầu phao ông thức trắng 3 đêm để vẽ và phải mất 3 tháng sau, một mình ông hì hục với sự giúp sức của người dân, cây cầu dài 78m, rộng 2m mới hoàn thành.
Đưa phóng viên ra tham quan cây cầu, ông Dũng cho biết cây cầu phao mà ông thiết kế có tải trọng 1 tấn, ở hai đầu cầu được đổ những trụ bê tông vững chắc để neo cây cầu khỏi bị nước cuốn trôi. Đến mùa mưa lũ, chỉ cần dùng tời kéo vào bờ. Khi lũ đi qua thì dùng tời kéo lại vị trí cũ. Bây giờ bà con không phải chèo đò qua sông, mỗi khi ra đồng chỉ cần chạy xe máy bon bon là đến ruộng nên ai cũng biết ơn ông Dũng.
Nhiều công ty làm cầu đường tổ chức thu phí hoàn vốn, còn ông Dũng thì lắc đầu bảo: “Tui làm cái cầu ni là để giúp bà con, bởi ai ở đây cũng nghèo, sao lại thu tiền. Tui xem đó là niềm vui trong cuộc sống. Đó như là một phần tui cần làm cho quê hương”.
Phát minh máy cày đa năng
Mô hình chiếc máy cày đa năng được ông Dũng thiết kế đem lại nhiều tiện ích cho người nông dân |
Trước kia cứ đến mùa gieo hạt, nhìn bà con và em trai mình cày đất, gieo hạt vừa tốn công, vừa mất sức, trồng một sào ngô phải đến 3 người làm trong một ngày mới xong, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nhiều đêm mất ngủ, ông Dũng tự hỏi tại sao không thiết kế cái máy vừa cày đất vừa trỉa hạt? Ông vẽ trên giấy nhiều mẫu máy cày, sau đó tự mày mò sáng chế.
Để chế tạo máy cày đa năng, ông Dũng đến điểm thu mua phế liệu mua một chiếc xe máy Ware cũ với giá 1 triệu đồng và một số sắt thép phế liệu đưa về nhà. Sau 1 tuần vật lộn thì chiếc máy cày đa năng đã được “ra lò”. Tuy thô sơ nhưng máy cày hoạt động khá hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động.
“Một lít xăng động cơ xe máy chạy ở đất ruộng được 25km, trong khi cày một sào đất gieo hạt sẽ có chiều dài khoảng 5km. Tính ra, 1 lít xăng cày 5 sào đất ruộng khô, như vậy máy làm 3 việc trong ngày được 8 sào. Còn để cày đất bằng trâu bò và gieo 1 sào đất mất 3 công lao động, tính ra chiếc máy cày này sẽ làm được việc của hơn 20 người”- ông Dũng tính toán.
Vẫn chưa hài lòng, ông Dũng còn thiết kế thành công máy cày ruộng đất ướt với thiết kế 2 bánh, giá chỉ 3 triệu đồng. Nhiều bà con thấy chiếc máy tiện dụng, hữu ích đã đăng ký đặt mua.
Trò chuyện với phóng viên, ông Dũng luôn cười sảng khoái và nói rằng ông vui lắm vì đã làm được những việc có ích giúp bà con quê mình.