Binh sỹ kiên trung
Ông Onoda sinh năm 1922 tại Wakayama. Khi còn trẻ, ông được nhận vào làm việc tại chi nhánh Vũ Hán của Công ty Tajima Yoko của Nhật. Được vài năm, năm 1942, ông bị gọi nhập ngũ. Trong quân đội, Onoda được nhìn nhận là người có tố chất nên được cử đi đào tạo để trở thành một sĩ quan tình báo tại Trường tình báo Nakano.
Hoàn tất khóa học, năm 1944, ông được thăng hàm Trung úy và được phái tới đảo Lubang (Philippines). Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là phá hoại các cảng biển, sân bay để ngăn Mỹ tấn công vào đảo. Câu chuyện về người đàn ông này sẽ không có gì đáng để nói nếu như không có việc vào tháng 9/1945, quân Nhật đầu hàng và rút lui khỏi Philippines nhưng Onoda và 3 đồng đội khác không hề hay biết.
Trung thành với lời thề thà chết chứ không đầu hàng, 4 người lính của Nhật trong suốt một thời gian dài cố thủ trong rừng ở đảo Lubang, cách thủ đô Manila của Philippines gần 200km về phía Tây Nam. Trong suốt một thời gian, Onoda và 3 đồng đội khác nhặt được một số tờ rơi thông báo về việc kết thúc chiến tranh. Thế nhưng, tương tự binh lính Nhật ở một số nơi khác trên thế giới, tất cả đều không tin rằng chiến tranh đã kết thúc. Onoda về sau kể lại rằng ông nghĩ đó là trò lừa bịp được lập ra để dụ ông ra nhằm bắt sống.
Chính vì vậy nên ông ta và các đồng đội càng ra sức tìm cách lẩn trốn. Những chiếc máy bay quân sự của Mỹ bay ngang qua khu rừng mà toán lính ẩn nấp trong suốt những năm diễn ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam càng khiến Onoda tin rằng cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn.
Từ trong rừng sâu, toán lính dựng lên những túp lều bằng tre, đánh cắp gạo và thực phẩm của dân làng ở gần đó, giết trộm bò của họ để lấy thịt ăn. Trong suốt thời gian chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết, chuột và muỗi, họ vẫn giữ bộ quân phục và cây súng bên mình, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Cả nhóm cũng tìm mọi cách để trốn khỏi những nhóm tìm kiếm của người Mỹ và Philippines, đồng thời tấn công những người dân trên đảo mà họ cho là kẻ thù. Đến năm 1950, 1 trong số 4 người lính của Nhật quyết định ra đầu hàng. Nhờ đó mà người ta mới biết đến sự tồn tại của toán lính trong rừng sâu trên đảo. Tuy nhiên, những người còn lại vẫn tiếp tục cố thủ và “chiến đấu”.
Năm 1954, một người bị bắn chết. Ít lâu sau đó, người thứ 3 trong nhóm cũng thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với cảnh sát trên đảo, chỉ còn lại một mình Onoda. Năm 1959, sau 9 năm tìm kiếm, giới chức Nhật tuyên bố binh sĩ cuối cùng trong nhóm là Onoda cũng đã chết. Tuy nhiên, đến năm 1974, một sinh viên Nhật Bản tên Norio Suzuki đã tình cờ gặp được Onoda. Suzuki đã giải thích cho Onoda về tình hình và thuyết phục ông về nước.
Song, ông ta từ chối, khăng khăng phải ở lại chiến đấu cho đến khi nhận được lệnh từ cấp trên. Sau khi Suzuki trở về nước với những bức hình của viên sĩ quan mà nhiều người tưởng đã chết, Chính phủ Nhật đã cử một phái đoàn tới đảo Lubang, trong đó có anh trai của Onoda và Thiếu tá Yoshimi Taniguchi - chỉ huy trực tiếp trước đây của Onoda, người đã phái ông tới làm nhiệm vụ ở Philippines. Phải đến khi trực tiếp nghe được lệnh đầu hàng từ cấp trên, Onoda mới chính thức chấp nhận dừng cuộc chiến mà thực tế đã kết thúc trước đó gần 30 năm.
Ngày 11/3/1974, tại dinh Tổng thống Philippines ở Manila, Onoda (lúc đó 52 tuổi) mặc bộ quân phục Thiên hoàng cũ, trao thanh kiếm mà ông vẫn luôn mang theo bên mình cho Tổng thống Philippines như một cử chỉ thể hiện chính thức đầu hàng.
Tổng thống Philippines sau đó đã trả lại cho Onoda thanh kiếm và tuyên bố ân xá cho ông về những tội danh mà ông đã gây ra ở Philippines trong quá khứ. Onoda là người cuối cùng trong nhiều cựu binh Thiên hoàng lẩn trốn ở châu Á sau Thế chiến II.
Ninja cuối cùng của Nhật Bản?
Câu chuyện về Onoda sau khi được công bố đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý của đông đảo người dân thế giới. Có người cho rằng Onoda là một kẻ cuồng tín, cực đoan, cố chấp, thậm chí là điên khùng.
Nhưng ngược lại cũng có nhiều người xem ông là biểu tượng cho tinh thần bất khuất và tuyệt đối trung thành của người lính Nhật, những người luôn tin rằng Hoàng đế là một vị thần, còn chiến tranh là một nhiệm vụ thiêng liêng. Đại sứ Nhật Bản tại Philippines lúc đó cũng đã gọi Onoda là “mẫu mực của người lính Nhật”. Còn với Onoda, trả lời báo chí về 30 năm ẩn nấp trong rừng, ông này khẳng định không hề ân hận bởi ông đã thực thi đúng mệnh lệnh được giao.
“Mỗi người lính Nhật đều sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đất nước. Nhưng là một sĩ quan tình báo, tôi đã được lệnh tiến hành cuộc chiến tranh du kích và không được chết”, ông nói. Khi vừa đặt chân về nước, Onoda được chào đón như một vị anh hùng, trở thành nhân vật được nhiều người ngưỡng mộ. Thế nhưng, đợi sẵn ông sau đó lại là thảm kịch bởi nước Nhật khi ông trở về đã thay đổi quá nhiều so với lúc ông ra đi.
Nước Nhật khi đó là cảnh tượng mà ông chưa bao giờ nghĩ ra, với những tòa nhà chọc trời, truyền hình, máy bay phản lực, ô nhiễm và cả hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử. Nhịp độ xã hội diễn ra một cách chóng mặt, khiến ông giống như một người rừng lạc lõng giữa phố thị. Quá khó hội nhập thực tiễn mới, 1 năm sau ngày quay lại Nhật Bản, Onoda đã di dân sang Brazil. Sau khi tìm được một khu vực có nhiều gia đình người Nhật sinh sống ở Campo Grande, thủ phủ của bang Mato Grosso do Sul, ông đã quyết định lập nghiệp tại đây và mở một trang trại nuôi gia súc.
Năm 1976, ông kết hôn. Sau khi di cư, Onoda vẫn thường xuyên đi lại giữa Nhật Bản và Brazil. Đến năm 1984, ông thành lập ở miền bắc Nhật Bản một trại thanh niên để dạy cho người trẻ các kỹ thuật mưu sinh và thoát hiểm mà ông đã sử dụng trong 30 năm lẩn trốn trong rừng sâu. Khóa học này thu hút khá đông người tham gia, trong đó có nhiều người đến học vì ngưỡng mộ câu chuyện của ông. Nhiều phụ huynh cho con đến học vì muốn chúng có được những trải nghiệm khác với cuộc sống bao bọc thường xuyên của cha mẹ.
Năm 1996, Onoda cũng về thăm lại đảo Lubang theo lời mời của chính quyền địa phương. Tái ngộ sau hơn 20 năm, người dân địa phương đã xí xóa cho ông mọi chuyện, bao gồm cả chuyện ông từng giết chết và làm bị thương mấy chục người trong suốt 30 năm “cố thủ” trong rừng. Như một sự chuộc lỗi, Onoda đã tặng cho cộng đồng địa phương một khoản tiền để lập một quỹ học bổng.
Tháng 1/2014, ông Onoda qua đời vì bệnh tim. Khi thông tin về cái chết của ông, tờ Time đã dựa trên thông tin mà nhà viết sử về các ninja John Man đưa ra trong cuốn sách “Ninja: 1.000 năm chiến binh bóng tối tới Onoda” giật tít “Ninja cuối cùng đã qua đời”. Theo cuốn sách của ông Man, Trường tình báo Nakano chính là một cơ sở đào tạo ninja hiện đại.
Tại đây, các sĩ quan Nhật sẽ được đào tạo chiến thuật di chuyển một cách bí ẩn cùng các kỹ năng hóa thân, yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá... “Những điểm chung giữa việc đào tạo ninja truyền thống và đào tạo của trường Nakano đủ để gọi những người học ở trường đó là các ninja. Họ đều có chung sự trung thành, tính bí mật, tinh thần trách nhiệm”, nhà sử học viết. Ông Man cũng cho rằng chính những kỹ năng chiến đấu và sinh tồn của các ninja đã được học ở trường Nakano đã giúp Onoda có thể lẩn trốn và sống sót suốt 30 năm trong rừng già.