Vụ trao đổi điệp viên cuối cùng
Vào một đêm tháng 2 lạnh giá năm 1986, trên cây cầu Glienicke ở Berlin, Đức đã diễn ra cuộc trao đổi tù nhân cuối cùng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 2 nhân vật được trao đổi là 1 nhà bất đồng chính kiến với Liên Xô và Karel Koecher – điệp viên nước ngoài duy nhất từng xâm nhập được vào hàng ngũ CIA.
Vụ trao đổi điệp viên này do luật sư người Đức Wolfgang Vogel – người đã đứng ra dàn xếp tất cả các vụ trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bắt đầu với vụ trao đổi phi công người Mỹ Gary Powers lấy điệp viên KGB Rudolf Ivanovich Abel – sắp xếp. Koecher bị FBI bắt giữ vào cuối năm 1984 và tính đến tháng 2/1986, ông ta đã bị giam giữ 14 tháng để chờ phiên tòa xét xử về cáo buộc hoạt động gián điệp.
Vừa bước sang phía Potsdam của cây cầu, Koecher đã được một chiếc Mercedes màu vàng chờ sẵn. Sau khi lên xe, ông ta được đưa tới một bữa tiệc do tình báo Đức tổ chức. Ngày hôm sau, Koecher bay về Prague nhưng phải trải qua các cuộc thẩm vấn suốt 2 tháng mới được cùng vợ trở về sống cùng mẹ.
Tuổi thơ nổi loạn
Sinh năm 1934 tại Bratislava (Thủ đô của Slovakia ngày nay) trong một gia đình mẹ là người Do Thái còn cha là người Séc gốc Áo, khi Koecher lên 4, cả gia đình đã chuyển tới thủ đô Prague để sinh sống. Dù gia đình không mấy khá giả nhưng Koecher được cha đầu tư theo học tiếng Anh từ nhỏ. Theo lời Koecher, khi còn trẻ, ông ta chưa bao giờ là người tuân thủ các quy tắc và liên tục gặp rắc rối với nhà chức trách.
Năm 15 tuổi, Koecher bị đuổi khỏi trường dạy tiếng Anh do có những hoạt động chống phá nhà nước. Đến năm 1950, khi 16 tuổi, ông ta và nhóm bạn bị bắt giữ và bị tạm giam sau khi bị phát hiện tàng trữ súng. Năm tiếp sau đó, ông ta lại bị bắt tiếp vì cáo buộc là đồng phạm trong vụ một người bạn bắn chết một binh lính. Kể từ đó, Koecher bị theo dõi khá sát sao. Năm 1958, khi đang theo học chuyên ngành vật lý và toán học ở trường Đại học Charles và ngành điện ảnh ở Học viện nghệ thuật Prague, ông ta tiếp tục nhận án tù treo 1 năm vì phỉ báng một công chức.
Karel Koecher và vợ năm 1986. |
Năm 1961, Koecher được nhận vào làm việc tại văn phòng của UNESCO ở Cameroon nhưng lại không được cấp hộ chiếu vì bị xếp vào nhóm công dân nguy hiểm về mặt chính trị nếu để ra nước ngoài. Tháng 5/1962, Koecher lại nhận bản án 2 năm tù treo vì tội vi phạm đạo đức. Chán nản vì thường xuyên gặp rắc rối, Koecher lúc này nghĩ đến việc trở thành điệp viên với hy vọng vừa bớt bị theo dõi, vừa có cơ hội ra nước ngoài. Một người bạn lúc này được nhờ tích cực “quảng cáo” về kỹ năng ngôn ngữ của Koecher còn bản thân ông ta cũng thường xuyên lui tới quán café quen của các điệp viên hòng gây sự chú ý.
Những mánh lới đó thực sự đã giúp Koecher được tuyển mộ. Năm 1965, một quan chức cơ quan tình báo Tiệp Khắc (StB) gọi điện, đề nghị ông ta tới Mỹ để thâm nhập vào CIA. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Koecher đã cùng vợ tới Mỹ định cư với vỏ bọc những kẻ phản động bị chính quyền truy đuổi. Năm đó, ông ta vừa bước sang tuổi 31.
Tiếp cận, chui sâu
Theo tài liệu mật do cảnh sát Séc cung cấp, khi đến Mỹ, 2 vợ chồng Koecher tích cực nói xấu Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản để cộng đồng người Mỹ tin rằng họ đúng là những kẻ phản động đến mức chạy trốn thật! Với có khả năng nói đến 5 ngôn ngữ, cộng với vỏ bọc kẻ đào tẩu, sau 1 năm theo học tại Trường đại học Indiana, Koecher được nhận vào làm việc tại Đài phát thanh châu Âu Tự do được CIA tài trợ.
Đến năm 1967, ông ta quay về New York để học tiến sĩ ngành Triết học tại Đại học Columbia và ngành tiếng Nga. Việc học hành như vậy được ông ta tính toán kỹ để phục vụ cho việc hội nhập dần vào xã hội Mỹ cũng như tạo bước đệm cho việc xâm nhập vào hàng ngũ CIA.
Thời gian tại Đại học Columbia là bước đầu thành công của ông trong tiến trình tiếp cận tình báo Mỹ, và ông đã nghĩ rằng việc xâm nhập vào hàng ngũ CIA là hoàn toàn có thể.
Một trong những ông thầy ngành Nga học của Koecher ở Đại học Columbia là Giáo sư Zbigniew Brzezinski (người sau này trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Jimmy Carter). Chính Brzezinski là người đã giới thiệu Koecher cho CIA, giúp ông có cơ hội tiếp cận và “chui sâu” vào cơ quan tình báo bậc nhất nước Mỹ thời bấy giờ.
Vợ chồng Karel và Hana Koecher tại lễ tốt nghiệp trường Wagner College năm 1972. |
Có điều, dù đã được nhận vào CIA nhưng những thông tin mà Koecher cung cấp cho cơ quan tình báo Tiệp Khắc không được đánh giá cao. Bất mãn, Koecher thậm chí từng nghĩ đến việc đi tự thú với FBI nhưng sau cùng vẫn quyết định trung thành với tổ quốc. Tháng 11/1972, ông ta vượt qua được kỳ kiểm tra an ninh của CIA và được tuyển làm nhà phân tích kiêm người phiên dịch. Lúc này, StB vẫn không quá chú ý đến ông ta nhưng giới chức Liên Xô lại rất quan tâm đến Koecher vì ông ta đã làm được việc mà chưa một điệp viên Liên Xô nào làm được - đó là thâm nhập vào cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ.
Trong lúc này, vợ của Koecher là bà Hana Koecherova (có mật danh Adrid) đã có những thành công trong việc buôn bán kim cương. Nhờ đó mà tài sản của 2 vợ chồng gia tăng đáng kể. Cặp vợ chồng sống trong một căn hộ sang trọng ở quận Manhattan (New York) và trở thành hàng xóm của nhiều ngôi sao, người giàu có. Nhờ đó, họ cũng có cơ hội được gặp gỡ và làm việc với những người thuộc tầng lớp thượng lưu nên thu được nhiều thông tin quý giá. Chính bà Hana là người đã rất tích cực hỗ trợ chồng, thay mặt Koecher gửi tin mật trong suốt những năm 2 người ở nước ngoài để tránh phát hiện.
Siêu điệp viên
Rắc rối ở giai đoạn này là người Séc lại không biết sử dụng Koecher sao cho hợp lý. Thông tin ông ta gửi tin về cũng không được đánh giá cao. Thay vào đó, họ đòi hỏi những thông tin mà Koecher xem là nực cười. Bất mãn về việc này, Koecher quyết định gửi thẳng báo cáo về cho Moscow. Trái với phía Séc, người Nga lại rất quan tâm đến những thông tin do Koecher gửi về. Những bản tin của ông ta lúc bấy giờ được đánh giá cao đến mức được đặt trực tiếp lên bàn làm việc của Giám đốc KGB Yuri Andropov để ông này nghiên cứu. Chính ông Andropov đã ra lệnh gửi cho Koecher 40.000 USD để thưởng cho ông ta.
Mọi chuyện đang diễn ra êm thấm thì vào tháng 9/1976, Koecher bị triệu về nước vì KGB và StB nghi ngờ rằng ông ta có thể đã bị người Mỹ thu phục. Người thẩm vấn ông ta lúc bấy giờ là Oleg Kalugin - tướng trẻ nhất trong lịch sử KGB, sau này được tiết lộ chính là điệp viên hai mang hợp tác với CIA. Kalugin đã kết luận ông ta có thể đã nghiêng về phía Mỹ đồng thời đề xuất cho Koecher ra khỏi ngành.
Sau cuộc gặp với Kalugin ở Prague, Koecher quay trở lại New York chuyển sang giảng dạy môn triết học. Còn vợ ông, bà Hana vẫn làm ăn trong ngành kinh doanh kim cương.
Do những lời đe dọa từ StB, Koecher đã phải rời khỏi công việc ở CIA. Cuộc sống ở Manhattan cứ thế lặng lẽ trôi, khiến Koecher tưởng rằng mình có thể sống ở Mỹ suốt đời.
Những chuyện chưa có lời giải
Thế nhưng, lại một lần nữa, duyên nợ của ngành tình báo lại tìm đến ông. Năm 1982, một người đàn ông đã thả vào hộp thư văn phòng công ty của bà Hana một bức thư, với nội dung yêu cầu Koecher hãy đến gặp ông ta tại một góc phố vào buổi chiều cùng ngày.
Người đã đề nghị gặp Koecher tên là Jan Fila, mật danh Sturma, một điệp viên Tiệp Khắc hoạt động ở Liên Hiệp Quốc. StB lúc này đang muốn kích hoạt Koecher trở lại, và Fila đã thay mặt tình báo Tiệp Khắc xin lỗi Koecher đồng thời yêu cầu ông quay trở lại.
Hồ sơ StB cho biết thời đó giới lãnh đạo tình báo Tiệp Khắc đã tin tưởng Koecher trở lại, nhờ sự hậu thuẫn lớn từ Moskva. Sự hồi sinh bất ngờ này của Koecher diễn ra cùng lúc với sự đi xuống của Kalugin, lúc này đã mất chức sếp phản gián đối ngoại, chuyển về làm Phó chi nhánh KGB tại Leningrad từ năm 1980.
Thế là Koecher lại bắt đầu làm điệp viên trở lại, kết nối lại các mối quan hệ cũ trước đây. Vợ ông, bà Hana cũng tham gia làm điệp viên trở lại, nhận nhiệm vụ chuyển giao các mẩu tin tức bí mật thay ông.
Mỗi chuyến giao nhận tin tức như thế bà được nhận “thù lao” 500 USD hoặc nhiều hơn. Các cuộc gặp gỡ, chuyển tin tức đều do người của KGB sắp xếp.
Vào tháng 12/1983, Koecher và Fila có một “cuộc họp” bên trong một nhà tắm hơi ở Vienna, Áo. Koecher đề xuất thành lập các tổ chức phi chính phủ làm vỏ bọc thực hiện công việc tình báo. Thời đó, đây là một ý tưởng kỳ quặc (nhưng là ý tưởng hay của tình báo trong thế kỷ XXI). Năm 1983 trôi qua một cách tốt đẹp.
Nhưng năm 1984, tình hình bắt đầu xấu đi. Không biết từ nguồn tin nào, FBI đã đánh hơi được và theo dõi vợ chồng Koecher từ 3 năm trước đó. Họ cài bọ nghe lén nhà ở của Koecher và cả chiếc xe ông đi, cả văn phòng làm việc của bà Hana.
16h15 chiều ngày 27/11/1984, bên ngoài Khách sạn Barbizon Plaza, Koecher bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp. Trước khi bắt Koecher, FBI đã đưa ra lời đề nghị ông quay trở lại làm việc cho CIA chống lại Liên Xô. Có nghĩa là Koecher sẽ phải làm điệp viên hai mang cho CIA, nhưng ông đã từ chối.
Ở trong nhà tạm giam, Koecher đối mặt mức án tù chung thân, đồng thời tính mạng có thể bị đe dọa do đụng độ với bọn đầu gấu trong tù. Ông viết một lá thư và yêu cầu luật sư của mình chuyển về Moskva cầu cứu. Lá thư được đặt trên bàn làm việc của Chủ tịch KGB Kryuchkov.
Trong thư, Koecher đề nghị trao đổi ông với tên tù phản động Anatoly Sharansky. Vài tháng sau, đầu năm 1986, Koecher gọi điện thoại cho vợ, và được báo là sẽ gặp một luật sư tên là Wolfgang Vogel.
Vài tuần sau, qua sự dàn xếp của Vogel, Koecher được ngồi trong chiếc xe Mercedes màu vàng, người cầm lái là Helga, vợ của Vogel. Họ hướng về phía biên giới giữa Đông và Tây Đức, đi qua cây cầu nổi tiếng mang tên Glienicke - cây cầu Điệp viên.
Vào một đêm tháng 2/1986, trời lạnh giá, cây cầu Glienicke ở Berlin (Đức) đã trở thành nơi diễn ra cuộc trao trả tù nhân cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Đó là cuộc trao đổi một kẻ phản bội Liên Xô để “siêu điệp viên” Karel Koecher được trả về cho Tiệp Khắc.
Cuộc trao đổi đó đánh dấu sự kết thúc một câu chuyện nhiều tình tiết lắt léo về cuộc đời hai mặt của một điệp viên nằm vùng lâu năm nhất thời Chiến tranh Lạnh - điệp viên nước ngoài duy nhất chui sâu vào trong bộ máy của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Câu chuyện tình báo của ông đã từng được dựng thành bộ phim ăn khách "Bridge of Spies" (Chiếc cầu tình báo).
Tuy nhiên đến nay, nguồn cơn nào khiến Koecher bị bại lộ vẫn chưa được sáng tỏ. Ai đã bí mật chỉ điểm để FBI theo dõi và bắt Koecher cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng năm 2004, cựu điệp viên KGB Sokolov đã không ngần ngại nói thẳng: “Chính Kalugin đã cộng tác với CIA và bán đứng Koecher”. Tuy nhiên, một số cựu điệp viên CIA cùng thời lại cho rằng chính Fila chứ không phải Kalugin đã “bán đứng” Koecher.
Sử gia về CIA Benjamin Fischer khẳng định rằng Chính phủ Mỹ thời đó đã nhận được thông tin mật báo về Koecher từ một sĩ quan tình báo Tiệp Khắc. Và tháng 12/1989, một tháng sau sự kiện “Cách mạng nhung”, Fila đột ngột biến mất. Người ta nghi ngờ ông này đã sang Mỹ với một tên họ hoàn toàn khác.