Trong kết quả mọi cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ về mức độ tín nhiệm của cử tri dành cho các ứng cử viên tổng thống, ông Biden không những chỉ giống bà Hillary Clinton năm 2016 trên phương diện bỏ xa ông Trump mà còn duy trì được sự khác biệt ấy ổn định và gia tăng suốt từ đầu đến nay. Nhưng thất cử của bà Clinton khi xưa trước ông Trump khiến cho hiện tại không ai ở Mỹ và ở cả bên ngoài nước Mỹ dám chắc là ông Biden sẽ đắc cử.
Có 3 điều rất đáng được lưu ý đến trên phương diện này và chúng lý giải sự ám ảnh đấy có cơ sở thực tế xác đáng của nó.
Thứ nhất là thăm dò dư luận luôn như con dao hai lưỡi. Kết quả thăm dò dư luận chỉ có giá trị đại diện hạn chế. Tác dụng hay phản tác dụng của nó như thế nào tùy thuộc vào phản ứng của cử tri về kết quả thăm dò dư luận. Nó có thể khích lệ cử tri phe này đi bỏ phiếu để giúp cho phe ấy thắng cử. Nó đồng thời khiến cho phe đang có ưu thế chủ quan và tự thoả mãn.
Thứ hai là hệ thống bầu cử tổng thống ở Mỹ rất đặc biệt khi không phải đa số cử tri mà là đại cử tri quyết định bầu chọn tổng thống. Vì thế, mục tiêu của các ứng cử viên là giành đa số đại cử tri chứ không nhất thiết phải có được đa số phiếu bầu phổ thông. Kết quả thăm dò dư luận chung chung vì thế ẩn chứa nhiều điều không chính xác.
Thứ ba, bộ phận cử tri Mỹ quyết định kết quả bầu cử tổng thống không phải là diện cử tri trung thành truyền thống với từng đảng phái chính trị mà là bộ phận cử tri trung dung, thường chao đảo giữa các đảng phái chính trị và bộ phận cử tri thường không tham gia bầu cử. Trong kết quả thăm dò dư luận gần như đều không phản ánh được đúng chiều hướng diễn biến tâm lý của hai diện cử tri này.
Từ đó có thể thấy nếu tỷ lệ cử tri Mỹ năm nay đi bỏ phiếu càng cao và diện cử tri trung dung càng thu hẹp thì khả năng ông Trump được tái đắc cử càng thêm mong manh, triển vọng ông Biden đắc cử tổng thống càng thêm thực tế. Nỗi ám ảnh bởi chuyện khi xưa chắc chắn đã buộc những bên tiến hành các cuộc thăm dò dư luận thay đổi phương cách và thận trọng hơn trong kết luận đánh giá kết quả.