Bị bố mẹ bán để lấy tiền cho anh trai cưới vợ
Sonita Alizadeh hiện tại đã 23 tuổi, sinh ra và lớn lên ở đất nước Afghanistan. Ở đây, Sonita nói rằng mọi người quan niệm một cô gái tốt là người biết giữ im lặng về mọi vấn đề liên quan đến cô ấy; là người biết nghe lời gia đình mình ngay cả khi họ sắp đặt một cuộc hôn nhân không báo trước.
Khi 10 tuổi, Alizadeh đã từng bị bố mẹ bán bằng việc ép cô kết hôn. Và cũng như những cô gái Afghanistan khác. “Lúc đó, tôi rất đau khổ và không hiểu tại sao phải quên đi mọi giấc mơ của mình”, cô chia sẻ trên The Huffington Post.
Năm 16 tuổi, Sonita Alizadeh một lần nữa suýt trở thành nạn nhân của hủ tục tảo hôn ở Afghanistan. Trong nỗi đau khổ tột cùng khi biết tin gia đình sắp “bán” mình với giá 9.000 USD cho một người đàn ông lạ mặt để để gia đình có thể trả 7.000 USD tiền sính lễ cưới vợ cho anh trai cô.
Sonita Alizadeh - Rapper truyền cảm hứng lay động triệu trái tim trên khắp thế giới. |
Lúc ấy, câu hỏi duy nhất cô dành cho mẹ mình đó là: “Mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con sao? Mẹ đang lãng phí tiềm năng của con đó”. Và mẹ cô, người đã kết hôn khi chỉ 13 tuổi đã trả lời với giọng đầy bất lực: “Mẹ không còn cách nào khác con yêu ạ”. Lúc này Sonita Alizadeh nhận ra so với anh trai , cô không có giá trị nào.
Cuối cùng, cô gái trẻ đã quyết định tự cứu lấy mình và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Cô đã kịch liệt phản đối và quyết định bỏ rốn khỏi Afghanistan sang Iran, nhưng tại đây cô không thể có một công việc tử tế tại đây vì không có giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn phấn đấu tự học chữ trong thời gian làm lao công dọn dẹp nhà vệ sinh cho một tổ chức phi chính phủ ở Iran.
“Brides for sale”- Bài hát thay đổi cuộc đời
Tại đây, cô đã học cách đọc và cách viết lấy nguồn cảm hứng từ rapper người Mỹ nổi tiếng Eminem và rapper Iran Yas. Thỉnh thoảng, cô cũng lén lút tự mình thu âm các bài hát yêu thích mặc dù tại Iran, phụ nữ không được phép làm như vậy nếu không có sự chấp thuận của chính quyền. Vào năm 2014, khi bước sang tuổi 17, Sonita đã sáng tác một ca khúc rap mang tên “Brides for sale” (“Những cô dâu để bán”), thực hiện MV cho bài hát này.
Nguồn cảm hứng để Sonita viết ra ca khúc này xuất phát từ những bé gái bị ép tảo hôn như cô và là nạn nhân của bạo lực gia đình Trong MV “Brides for sale”, Sonita đã khiến người xem không khỏi xúc động khi tự thể hiện ca khúc như một câu chuyện tự sự của chính mình đồng thời hóa thân thành một cô dâu với bộ quần áo cô dâu kèm theo đó là chằng chịt những vết thương trên cơ thể do bị đánh đập, bạo hành. Ấn tượng nhất có lẽ là chi tiết một mã mã vạch ở trên trán tượng trưng cho thân phận những người cô gái bị đem bán đi như một món hàng, một đồ vật vô tri vô giác.
Ca khúc sau khi được Sonita đăng tải trên YouTube đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận thế giới. Video gây xúc động thu hút hơn nửa triệu lượt xem trên YouTube. Bài hát này cũng đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô gái trẻ, Sonita không bị bố mẹ bán nữa mà còn nhận được một suất học bổng âm nhạc toàn phần tại để học nhạc tại Học viện Wasatch ở bang Utah, Mỹ. “Khi bố mẹ cố gắng bán tôi, tôi đã nghĩ ra cách hát rap để chia sẻ cảm giác đau đớn, khổ sở của mình với họ”, Alizadeh nói.
Có thể thấy, âm nhạc chính là công cụ để cô gái trẻ chiến đấu cho những người phụ nữ trên toàn thế giới, những nạn nhân phải chịu nạn tảo hôn. Ngay cả mẹ cô cũng đã thay đổi quan điểm của mình về vấn đề này và giờ đây là một fan hâm mộ bài hát của con gái mình. “Mẹ tôi nói rằng bà ấy từng cảm thấy xấu hổ khi tôi quyết định đi hát. Nhưng khi mẹ tôi xem video của tôi, bà ấy đã gọi điện cho tôi và nói rằng nó thật tuyệt. Bây giờ mẹ là fan hâm mộ của tôi”, cô gái trẻ cho biết.
Sonita Alizadeh trong một chương trình giao lưu trực tuyến. |
“Những cô gái như tôi và chị dâu tôi đã bị cướp mất đi tuổi thơ của mình bởi tục tảo hôn tại nhiều địa phương trên đất nước này. Chúng tôi không còn một tia hy vọng nào trong cuộc sống. Chúng tôi chỉ xem những người được gọi là chồng mình như những kẻ cưỡng bức mà thôi”, Sonita bùi ngùi chia sẻ.
Cô nói tiếp.“Cho tới khi tôi đặt chân đến Mỹ, tôi vẫn không nguôi ám ảnh về hình ảnh những gương mặt đầy vết thương và sẹo của bạn bè mình, hậu quả mà họ phải gánh chịu khi đứng lên phản đối quyết định của gia đình”.
“Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến ngôi trường thực sự. Ban đầu, cuộc sống tại Mỹ khá khó khăn vì tôi không thể nói tiếng Anh. Tôi chỉ biết hai từ Hi và Bye. Tuy nhiên, đến nay, tôi là học sinh loại A và muốn trở thành sinh viên của Đại học Harvard”.
Nghề nghiệp mơ ước của rapper 9X là luật sư. “Sau khi học xong, tôi muốn quay về quê hương để giúp những bé gái đang phải chịu đau đớn như mình trước đây. Các em cần sự giúp đỡ từ nhiều người để có thể nhìn thấy tương lai tươi sáng”.
Kêu gọi ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, độ tuổi hợp pháp để kết hôn đối với nữ ở Afghanistan là 16. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, 40% phụ nữ Afghanistan lấy chồng trước 18 tuổi, và cứ 6 người thì một em kết hôn trước 15 tuổi. Mặc dù tảo hôn là bất hợp pháp, hiện trạng này vẫn đang lan rộng ở những vùng nông thôn - nơi các gia đình nghèo bán con gái để giải quyết những khoản nợ hoặc của hồi môn. Kết hôn khi chưa đủ tuổi ảnh hưởng sự phát triển, cũng như làm gián đoạn việc học tập của bé gái, khiến các em có nguy cơ thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Sau khi thoát khỏi phi vụ mua bán do gia đình xếp đặt, Sonita đã quyết định phải đứng lên kêu gọi ngăn chặn và đẩy lùi nạn tạo hôn ở đất nước Afghanistan để giải cứu cho những cô gái đang sống trong địa ngục như cô.
Bên cạnh việc học âm nhạc tại Mỹ, Sonita còn là một nhà hoạt động thường xuyên tham gia các hội nghị, sự kiện quốc tế với mong muốn thu hút sự quan tâm của dư luận đối với nạn tảo hôn ở Afghanistan và câu chuyện thực tế của các cô gái như cô, để rồi chia sẻ chúng khắp thế giới cho đến khi tiếng nói của họ có thể đến tai các quan chức chính phủ trong nước.
Tham dự hội nghị dành cho phụ nữ thế giới, cô thẳng thắn cho biết: “Nhiều bạn bè của tôi cưới năm 15 tuổi. Tôi từng thấy nhiều vết bầm tím trên gương mặt họ và tôi nhận ra đây chính là bộ mặt thật của tảo hôn. Không chỉ riêng Afghanistan, mà ở nhiều nơi trên thế giới,tình trạng này đã và đang diễn ra. Tôi đến đây để chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của hàng triệu bé gái đã và đang bị ép tảo hôn”.
Nữ rapper cũng khẳng định, để tình trạng này chấm dứt đòi hỏi sự can thiệp từ nhiều phía. Đầu tiên, gia đình cần hiểu rằng con gái của họ có nhiều con đường để đi chứ không phải duy nhất tảo hôn. Thứ hai, cộng đồng và các nhà lãnh đạo tôn giáo cần thay đổi các phong tục cổ hủ. Cuối cùng, chính phủ cần hỗ trợ các chương trình của địa phương nhằm chấm dứt nạn tảo hôn.