Cơ chế - nhìn từ câu chuyện nhỏ

(PLVN) - Hiện nay, cả nước có hàng nghìn chung cư cũ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí “chờ sập”, ảnh hưởng tới cuộc sống và tính mạng của các hộ dân sinh sống bên trong.
Câu chuyện cải tạo chung cư cũ đang gặp nhiều vướng mắc.
Câu chuyện cải tạo chung cư cũ đang gặp nhiều vướng mắc.

Riêng tại Hà Nội, có khoảng 1.500 chung cư cũ được xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1980. Tuy nhiên, việc cải tạo chung cư cũ “giẫm chân tại chỗ”. Riêng Hà Nội, thực hiện được 1%. Nguyên nhân vô vàn. Trước hết là do mỗi hộ dân một ý. Điều đáng nói lại là “cơ chế”.

Hiện nay, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện đang được thực hiện theo quy định của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về xây dựng cải tạo lại nhà chung cư, Thông tư số 21/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 101. Nhưng những văn bản này đang đầy rẫy bất cập.

3 yếu tố quan trọng nhất cần phải điều chỉnh lại đó là bổ sung thêm tỷ lệ dân số, điều chỉnh lại giới hạn chiều cao trong quy hoạch và chỉnh sửa lại quy định tái định cư cho người dân sau khi cải tạo. Các doanh nghiệp không mấy mặn mà tham gia cải tạo chung cư cũ là bởi không có lợi nhuận, nhiều thủ tục ràng buộc. Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP, các hộ dân sinh sống trong chung cư cũ sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ không mất phí phát sinh. Tức là sau khi chung cư được cải tạo, tất cả các hộ dân trước đây sẽ được hưởng một ngôi nhà mới với giá 0 đồng. Trong khi đó, chung cư mới lại bị giới hạn chiều cao.

Có nghĩa là, rất nhiều trường hợp, do vị trí chung cư cũ ở nội đô bị khống chế chiều cao nên sau khi xây dựng xong và tiến hành trả nhà mới cho các hộ dân, doanh nghiệp sẽ không dư căn hộ nào để thu hồi vốn. Nhà nước không có tiền để cải tạo, nhưng “xã hội hóa” thì doanh nghiệp không có lời.

Câu chuyện cải tạo chung cư cũ làm bất cứ ai quan tâm đều nghĩ ngay đến cơ chế chính sách. Chính vì “rào cản” này, trong 35 năm đổi mới, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng so với các nền kinh tế lớn, Việt Nam vẫn còn cách rất xa về môi trường, năng lực cạnh tranh.

Việt Nam đang phấn đấu đạt được ngưỡng trung bình của ASEAN3, 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Nhưng khoảng cách rút ngắn là ì ạch, chưa đáng kể và cần sự phát triển bứt phá nếu không muốn rơi vào bẫy thu nhập trung bình, phải bứt phá trong cải cách thể chế.

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn là yêu cầu quan trọng nhất. Mở cửa rồi thì các doanh nghiệp nước ngoài có thể vào đây cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, do hệ thống thể chế vẫn trói buộc, chưa thực sự giải phóng, thúc đẩy doanh nghiệp thì tức khắc thua thiệt trong hội nhập.

Câu chuyện cải tạo chung cư cũ cho thấy yêu cầu rất quan trọng trong nỗ lực cải cách từ trung ương đến địa phương và phải đặt trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.