Con dâu tằng tịu với “trai lạ”
Vụ án xảy ra vào hồi 21h30 ngày 9/7/2013, con trai ông Quang Văn Thành (SN 1970, ngụ thôn Bồ Nâu, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) là Quang Văn Toàn (SN 1990) vô tình bắt được tin nhắn của một người đàn ông khác nhắn tin cho vợ mình là Nguyễn Thị Oanh (SN 1994, người huyện Thường Tín), rủ chị này đi chơi.
Nghi ngờ vợ có quan hệ bất chính với người kia, Toàn gọi điện cho bố tới cùng xem xét, đồng thời dùng chính điện thoại đó vờ là vợ, nhắn tin cho người kia đến một điểm hẹn.
Ông Thành cùng bốn thanh niên khác đi theo con trai ra “phục kích”. Khoảng một lúc sau, hai người đàn ông xuất hiện. Chồng của cô gái từ chỗ nấp nhảy ra, tay hươ thanh đao đe dọa. Hai người lạ bỏ chạy, một người bị đuổi theo bắt được đưa về nhà.
Người này sau đó được xác định là anh Nguyễn Văn Bính (SN 1991, ngụ xã Vân Tảo, huyện Thường Tín). Giải “nghi phạm” về, Toàn tát, đá vào mặt tra hỏi mối quan hệ với vợ mình.
Người chồng “mọc sừng” sau đó gọi điện thoại cho ba người bạn ở huyện Thường Tín tới. Nghe nói qua về sự việc, ba người này tiếp tục tát “nghi phạm” mấy cái.
“Thấy các cháu có vẻ kích động, sợ có chuyện không hay xảy ra, tôi gọi điện ngay cho anh Thạo Phó trưởng công an xã vàogiải quyết, nhưng không thấy anh ấy vào”, ông Thành nhớ lại.
Ông Thành vừa ân hận, vừa oan ức sau sự việc |
Được báo tin, gia đình người thanh niên sau đó đến nhà ông Thành “thương lượng”. Đêm hôm khuya khoắt, anh này cuối cùng xin được ngủ lại qua đêm rồi mai về sớm.
Cho rằng sợ việc anh này ở lại sẽ ảnh hưởng đến gia đình, ông Thành yêu cầu “vị khách bất đắc dĩ” viết “Đơn xin ở lại qua đêm”. Sự việc tạm thời kết thúc, khoảng 5h sáng hôm sau, ông Thành nhận được điện thoại của Phó công an xã hỏi tình hình sự việc.
Sau đó ông đã đưa con trai, con dâu và “vị khách” ra xã làm việc. Công an huyện Thanh Oai có mặt, “người chồng mọc sừng” bị đưa lên huyện. “Khoảng 14h cùng ngày, tôi và con trai thứ hai lên cơ quan công an để thăm con thì bất ngờ bị bắt giữ, tạm giam luôn 1 tháng 12 ngày, sau đó được tại ngoại”, ông Thành thuật lại.
Cùng vướng vòng lao lý với cha con ông Thành, còn có bảy người khác (bốn người đi cùng ông Thành ra nơi “phục kích”, ba người bạn của con ông Thành ở huyện Thường Tín). Như vậy là chỉ vì trong nhà có cô con dâu lẳng lơ, 10 người nhà chồng vướng vòng lao lý.
Sau nhiều lần tạm hoãn, TAND huyện Thanh Oai mở phiên xử ngày 17/3/2015, tuyên bố 9/10 bị cáo phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Cướp tài sản”; 1/10 người phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Ông Thành cho rằng tòa xử sai.
Ông Thành thuật lại: “Tại bản cáo trạng lần 1 của VKSND huyện Thanh Oai, chúng tôi bị truy tố về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Sau nhiều lần hoãn, cuối cùng chúng tôi bị tuyên án tội “bắt, giữ người trái pháp luật”, lại còn bị khép oan tội cướp”.
Ông phân trần, dấu hiệu “chiếm đoạt tài sản” duy nhất ở đây là các bị cáo có yêu cầu “trai lạ” gọi điện về nhà mang tiền đến mới được về. “Chúng tôi hoàn toàn không dùng vũ lực để buộc Bính phải gọi điện về nhà mang tiền đến.
Bính cũng không bị thương tích. Thậm chí, anh này còn viết đơn đề nghị xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho chúng tôi để hai bên giải quyết tình cảm với nhau”, ông Thành nói.
Tình tiết này được người nhà anh Bính xác nhận. “Vụ việc qua rồi. Bính hiện tại đang đi nghĩa vụ quân sự. Sự việc không to tát, không ảnh hưởng tới tính mạng con người, sau khi gia đình ông Thành nhiều lần vào nói chuyện, chúng tôi cũng muốn giải quyết tình cảm, không thưa kiện gì, nên để mọi người sống yên ổn”, người nhà anh Bính nói.
Con dâu “trời đánh”
Ông Thành rầu rĩ: “Tôi không rõ cơ quan chức năng điều tra tìm hiểu sự việc như thế nào mà chỉ vì một vụ việc nhỏ của các cháu thanh niên với nhau, giờ 10 người phải ngồi tù nhiều năm, riêng trong nhà tôi là cả ba cha con”.
Người nhà anh Bính cho hay không muốn làm lớn chuyện, tòa “nên để mọi người yên ổn” |
Ông trăn trở: “Có thể do mình thiếu hiểu biết pháp luật nên mới để sự tình đến nông nỗi này, nhưng mọi người thử nghĩ xem, ai cha làm mẹ, khi con em thông báo có chuyện, thì phải ra xem sao là điều đương nhiên. Trong việc này, tôi chỉ nhận sai việc đưa cháu Bính về nhà hỏi chuyện. Nếu như lúc đó tôi hiểu biết hơn, đưa cháu ra xã, nhờ chính quyền giải quyết giúp, mọi chuyện đã khác. Chúng tôi bị oan”.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc lần này, ông Thành tự trách mình đã cho con trai ăn ở với một cô gái “trời đánh”. Trước đó sau một thời gian quen biết, Toàn xin phép bố mẹ tổ chức lễ cưới với cô gái tên Nguyễn Thị Oanh (SN 1994, người huyện Thường Tín). Hai nhà chỉ làm đám cưới, chưa đăng ký kết hôn.
Bị cho là có tính lăng nhăng, lẳng lơ, dù đã có chồng nhưng Oanh vẫn thường chơi bời bồ bịch. Nhiều lần Oanh bỏ nhà đi chơi với bồ mấy hôm mới về.
Chủ tọa giải thích
Thẩm phán Nguyễn Tiến Dũng, Thẩm phán TAND huyện Thanh Oai cho rằng việc xét xử, định tội với các bị cáo trên là “hoàn toàn đúng”. Ban đầu, khi tiếp nhận cáo trạng lần một, qua nghiên cứu hồ sơ, tòa đã trả hồ sơ, yêu cầu thay đổi tội tội danh.
Thay vì cho rằng các bị cáo phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, tòa cho rằng các bị cáo phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản” mới là đúng.
Phản bác quan điểm của thẩm phán Dũng, Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) khẳng định các bị cáo trong vụ án này không phạm tội cướp tài sản, tòa đã xử sai.
Ông Thế Anh phân tích: “Tại vụ án này, các bị cáo tuy có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực đối với nạn nhân, nhưng đều không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản."
Trở lại với vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa, có một điều kỳ lạ, dù chính vị thẩm phán này nhận định “các bị cáo ở nông thôn nên nhận thức về pháp luật có phần hạn chế”, nhưng không hiểu sao ông vẫn ra một mức án bị dư luận cho là vừa nặng tay với tội “bắt giữ người trái pháp luật”, vừa oan sai khi khép oan tội cướp như thế./.