Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cháy nổ xe, khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng. Trong khi các nhà chức trách đang cố gắng lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, thì “thủ phạm” ban đầu được dự đoán là do xăng “rởm”. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tồn tại hàng trăm điểm bán xăng dầu nhỏ lẻ, nằm ngoài “vùng kiểm soát”.
|
Những điểm bán xăng lẻ như thế này mọc nhan nhản trên các tuyến quốc lộ tại Thừa Thiên Huế |
Chỉ tính trong tháng 1/2012, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 3 vụ cháy nổ xe được dự đoán là do chất lượng xăng dầu gây ra. Đó chỉ là con số nhỏ được tính vào đầu năm trong số hàng chục vụ cháy nổ xe xảy ra trên khắp cả nước và cũng chưa kể đến những vụ cháy xe ô tô. Nghi vấn nguyên nhân gây cháy xuất phát từ chất lượng xăng dầu ngày càng lớn, tuy nhiên điều đáng lo ngại là trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, các điểm bán xăng tự phát của người dân vẫn nở rộ như nấm, thách thức các cơ quan quản lý.
Qua khảo sát, phần lớn khách hàng mua xăng tại các điểm nhỏ lẻ, đều khẳng định xăng bán thiếu và kém chất lượng. Tiêu chí thực hành mua bán được các chủ hàng đo bằng tay, phễu, chai, lọ… màu xăng thì chỗ đậm, chỗ nhạt rất dễ nhận thấy. Theo chị Nguyễn Trang Nhi (Phan Đình Phùng, TP. Huế) cho biết: Trong một lần chạy xe công tác đến Quảng Trị, vì hết xăng dọc đường nên chị buộc phải đổ ở một gian hàng nhỏ với giá 30.000/ chai 1 lít. Kể từ đó, xe thường xuyên chết máy. Đem sửa mới biết mình mua nhầm xăng pha chế, phải xúc lại chế hòa khí.
Chỉ cần một chai nhỏ ven đường, chả cần giấy phép hay sự kiểm định gì cũng có thể trở thành một nơi bán xăng với giá “cắt cổ”. Ngoài ra, hiện nay tại một số tỉnh miền Trung đang thịnh hành một loại cây xăng mini được các “chuyên gia” chế từ bình gas và khung sắt, cần bơm tay và bình chứa đều bằng những vật liệu tiết kiệm, chỉ có tên cơ sở sản xuất nhưng không có địa chỉ và điện thoại liên hệ. Được biết, những “cây xăng” mini trên chưa được cơ quan đo lường cấp phép và kiểm định độ chính xác, người bán và người mua chỉ căn cứ các vạch ghi sẵn tính số lượng và tính tiền.
Không thể đo lường được hiểm họa từ xăng, dầu “rởm”, thế nhưng theo các quy định pháp luật hiện hành, chế tài xử phạt đối với các đối tượng kinh doanh có hành vi gian lận vẫn quá nương nhẹ.
Tại các điều 156, 157, 158, Bộ luật Hình sự đã quy định về tội sản xuất buôn bán hàng giả, trong đó dành riêng Điều 157 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 158 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.
Phải chăng, đến lúc Luật Hình sự cũng phải bổ sung thêm một điều khoản riêng đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là năng lượng, như xăng dầu, khí đốt… để có chế tài nghiêm minh xử lý các đối tượng bất lương trục lợi trên tính mạng người tiêu dùng.
Thành viên XuLu trên diễn đàn xe hơi Otofun chia sẽ “công nghệ” làm xăng rởm: “Trộn dầu FO với chất VNK với tỷ lệ 1 tấn dầu FO thì cho 1kg chất VNK, sau đó cho vào máy lọc ly tâm, rồi chuyển sang máy ép ly tâm”. Theo XuLu, tiền mua thiết bị khoảng 700 – 800 triệu đồng. Dầu FO có thể mua từ nhiều nguồn khác nhau. Chất VNK hay còn gọi là “xăng non” có giá 260.000 đồng/kg.
Tổng chi phí sản xuất “xăng rởm” chỉ khoảng 12.000 đồng/lít. Nếu xăng này pha với tạp chất các loại xăng trên thị trường theo tỷ lệ thể tích nhỏ hơn 20% thì “không sao”. Nhưng nếu trên 40% thì rất nguy hiểm, vì chất VNK kết hợp với lưu huỳnh sẽ cháy mạnh. Trong khi đó, bản thân dầu FO luôn chứa sẵn lưu huỳnh. Từ đó XuLu kết luận: “Trong thời gian này đổ xăng ở các cây xăng nhà nước đáng tin hơn, hạn chế đổ ở các cây xăng tư nhân”.
Nguyễn Tiến Nhất