Có được nhận chế độ ốm đau khi vừa tham gia BHXH tháng đầu tiên không?

(PLVN) - Người lao động vừa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng đầu tiên, chưa nhận được thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) và sổ BHXH, nhưng ngay trong tháng đó bị bệnh phải nằm viện thì có được hưởng chế độ BHXH, BHYT không? Giải đáp từ BHXH Việt Nam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tình huống này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tình huống được bạn đọc từ email tuyettrinh.nt.12...@gmail.com đưa ra là: Trong trường hợp người lao động (NLĐ) vừa tham gia BHXH tháng đầu tiên, chưa nhận được thẻ BHYT và sổ BHXH, tuy nhiên trong tháng đó NLĐ bị bệnh phải nằm viện. Vậy NLĐ có được hưởng chế độ BHXH, BHYT không?

- BHXH Việt Nam trả lời: Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau. Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: Trường hợp NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng đó.

Căn cứ các quy định nêu trên, NLĐ bị ốm đau tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc ngay trong tháng đầu tham gia BHXH và có xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền thì đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau.

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ bị ốm đau theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, gồm: - Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở KCB thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở KCB thể hiện thời gian vào viện. Trường hợp chuyển tuyến KCB trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

- Trường hợp NLĐ KCB ở nước ngoài thì hồ sơ là bản dịch tiếng Việt giấy KCB do cơ sở KCB ở nước ngoài cấp.

NLĐ nộp hồ sơ nêu trên cho đơn vị sử dụng lao động để nộp cho cơ quan BHXH xem xét, giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Khoản 1, Khoản 10 Điều 15 Luật BHYT năm 2014 quy định: Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng BHYT cho NLĐ và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của NLĐ để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT.

Đối tượng thuộc nhóm do NLĐ và người sử dụng lao động đóng, tham gia BHYT lần đầu, thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. Trong thời gian chờ cấp thẻ BHYT, người lao động có nhu cầu đi KCB thì đến cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị để được hướng dẫn cấp ngay thẻ BHYT.

Đọc thêm