Bàn về quy định khiếu nại quyết định hành chính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên thực tế, nhiều quyết định hành chính (QĐHC) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân khiến quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị ảnh hưởng. Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, các chủ thể này có quyền khiếu nại đến các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền để yêu cầu xem xét lại QĐHC nêu trên. Tuy nhiên, không ít trường hợp, khi thực hiện quyền khiếu nại đối với các QĐHC, cá nhân, tổ chức có thể bị từ chối, không thụ lý giải quyết vì theo quy định của pháp luật, QĐHC chỉ được xem là đối tượng khiếu nại khi mà phải thỏa mãn được những dấu hiệu và những đặc điểm nhất định.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Trị cho biết: Theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 thì “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại QĐHC, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Có thể thấy, Luật Khiếu nại không nêu rõ khái niệm đối tượng khiếu nại, pháp luật khiếu nại chỉ liệt kê ba đối tượng khiếu nại hành chính là QĐHC, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

Đối tượng khiếu nại của pháp luật khiếu nại có sự tương đồng về mặt hình thức với đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Tuy nhiên, đối tượng khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại ít hơn so với các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Vì theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, ngoài ba đối tượng theo quy định của pháp luật khiếu nại, pháp luật tố tụng hành chính còn mở rộng thêm hai đối tượng đó là: Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Khiếu kiện danh sách cử tri.

Còn QĐHC “là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể” (căn cứ theo khoản 8 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011).

Do đó, một QĐHC phải bao gồm đầy đủ bốn yếu tố: dạng văn bản; chủ thể ban hành phải có thẩm quyền; quyết định được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể và phải được ban hành trong hoạt động quản lý hành chính không liên quan đến bí mật nhà nước trong ba lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, ngoại giao.

Trong đó, QĐHC phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản tức là pháp luật đã loại bỏ các QĐHC tồn tại dưới dạng phi văn bản, như bằng tín hiệu, bằng còi, bằng biển báo... Đây là các QĐHC thể hiện dưới dạng phi văn bản và nó không phải là các đối tượng khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại. Tuy nhiên, pháp luật cũng chưa không quy định rõ các dạng tồn tại cụ thể của một văn bản. Đồng thời, trong quá trình quản lý điều hành, các cơ quan hành chính nhà nước ngoài việc ban hành các văn bản với tên gọi là quyết định, còn ban hành các văn bản khác mang tên gọi như: Thông báo, hướng dẫn, công văn… Vậy những văn bản này có được khiếu nại không? Trên thực tế, nếu thông báo, hướng dẫn, công văn có chứa đựng nội dung của một QĐHC thì vẫn có thể bị khiếu nại theo quy định.

Bên cạnh đó, QĐHC chỉ được chủ thể có thẩm quyền ban hành, tức là do cơ quan hành chính nhà nước hoặc là người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước như các QĐHC về việc quản lý đất đai: Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Ngoài ra, QĐHC phải được ban hành trong hoạt động quản lý hành chính không liên quan đến bí mật nhà nước trong ba lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục của Chính phủ ban hành và không phải là QĐHC mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Nhưng hầu hết mọi người không biết QĐHC nào nằm trong danh mục các QĐHC thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao được Chính phủ quy định, vấn đề này cũng là một vướng mắc, khó khăn cho người khiếu nại.

Cuối cùng, QĐHC là đối tượng khiếu nại phải là quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Với đặc điểm này, QĐHC là đối tượng khiếu nại chỉ giới hạn đối với QĐHC mang tính cá biệt. Pháp luật khiếu nại đã loại bỏ các QĐHC chỉ đạo, QĐHC vi phạm không phải là đối tượng khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật khiếu nại nói riêng chưa có quy định cụ thể giải thích thế nào là một QĐHC mang tính cá biệt.

Cũng theo Luật sư Lực, pháp luật khiếu nại hiện hành đã có bước tiến mới trong việc xác định các QĐHC, là đối tượng khiếu nại. Nhằm tạo điều kiện cho các nhân, tổ chức đề nghị chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét lại các QĐHC của mình khi có căn cứ cho rằng QĐHC đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức. Mỗi cá nhân, tổ chức khi cho rằng quyền lợi của mình không được bảo đảm và thực hiện quyền khiếu nại của mình cần tìm hiểu, nghiên cứu và tìm kiếm sự tư vấn, cố vấn pháp luật phù hợp, chính xác để không phạm sai lầm.

Đọc thêm