Cô gái nhan sắc tuyệt trần, trí tuệ vô song trong truyện Kiếm hiệp Kim Dung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tất cả các mỹ nữ của Kim Dung, người hoàn hảo nhất chắc chắn không ai khác chính là Hoàng Dung. Một nhân vật không chỉ có vẻ đẹp tuyệt trần mà còn là một trí tuệ vô song, là hình mẫu nhà văn Kim Dung luôn mong muốn. 
Cặp đôi Hoàng Dung và Quách Tĩnh.
Cặp đôi Hoàng Dung và Quách Tĩnh.

Cô gái tài sắc vẹn toàn

Các nữ nhân vật có nhan sắc đẹp tuyệt trần trong các bộ tiểu thuyết của Kim Dung đều được ông miêu tả theo cách mỹ miều, cặn kẽ nhất. Đó là hình ảnh “thần tiên tỉ tỉ” Vương Ngữ Yên, Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh… vừa xuất hiện đã khiến người đối diện phải mê đắm. Bên cạnh đó, có một cô gái xinh đẹp chẳng kém ai lại xuất hiện một cách hài hước nhất, đó là một Hoàng Dung, trong hình hài của một tên “tiểu khiếu hóa” (ăn mày nhỏ). 

Mỗi cử chỉ, mỗi hành động của tên “tiểu khiếu hóa” đều cho người ta thấy vô cùng đáng yêu. Tuy nhiên, khi vào tửu lâu, thấy cách gọi món ăn, cách bình phẩm thức ăn của gã ăn mày bé nhỏ mới ngờ ngợ rằng, đây không phải là một nhân vật tầm thường. Cuối cùng, lớp hóa trang nhếch nhác ấy cũng được gột bỏ, hiện ra là một cô gái đẹp tuyệt trần, trong tà áo trắng mà Quách Tĩnh phải nhìn ngẩn ngơ, cứ ngỡ đó là tiên nữ giáng trần. Vẻ đẹp đó cũng khiến sau này, một tên háo sắc Âu Dương Khắc sẵn sàng đổi tất cả mỹ nhân mà hắn có để lấy lòng nàng, sẵn sàng chết vì nàng.  

Sắc đẹp thì nhiều người có, nhưng ở Hoàng Dung, người ta phải cúi đầu bái phục nàng ở sự thông tuệ, luôn ở giữa lằn ranh của chính – tà. Tà là bởi nàng con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, đảo chủ Đào Hoa đảo. Chữ “tà” trong ngoại hiệu thể hiện rõ rệt tính cách của ông, và tính cách đó cũng đã truyền sang cho cô con gái nhỏ, vốn mồ côi từ bé. Nhưng chữ “tà” của Hoàng Dung có phần khác với người cha. Đó là chữ “tà” của một cô gái luôn bày trò nghịch ngợm, nhiều khi có phần tai quái nhưng khiến bạn đọc cảm thấy đáng yêu hơn đáng trách.

Kiều nữ Hoàng Dung sắc đẹp tuyệt trần, trí tuệ vô song.
 Kiều nữ Hoàng Dung sắc đẹp tuyệt trần, trí tuệ vô song. 

Tiếp đến phải kể đó là trí thông minh của Hoàng Dung. Người đã dùng “ba tấc lưỡi” và khả năng nấu ăn tột đỉnh của mình để thu phục Bắc Cái Hồng Thất Công, Bang chủ Cái bang truyền cả 18 chiêu Hàn Long Thập Bát Chưởng cho một người mà Thất Công cho rằng tư chất quá thấp kém, không phù hợp học võ. Ngay cả đệ tử Cái bang lập được công lao to lớn may mắn lắm ông mới truyền cho một chiêu nửa thức. Đó là một cô gái giỏi cả kỳ môn độn giáp, toán số…, khiến một người được mệnh danh là “Thần toán tử” như Anh Cô cũng phải xấu hổ tự nhận mình là “thua xa con nhãi này”. 

Vô vàn những mưu kế thông minh được Hoàng Dung nghĩ ra trong tích tắc để qua mặt bốn đại đệ tử của Nhất Đăng Đại sư. Nham hiểm như Âu Dương Phong mà cũng mắc mưu nàng “như cơm bữa”, nhất là 3 lần bị nàng bắt và tha chết trên đại mạc mông cổ. 

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, có không ít người đặt câu hỏi cho nhà văn Kim Dung, tại sao ông có thể miêu tả Hoàng Dung một cách cặn kẽ và hoàn hảo đến như vậy. Kim Dung đã trả lời rằng đây là hình tượng phụ nữ mà ông hằng mong muốn, và cũng là người ông dụng tâm nhiều nhất trong quá trình xây dựng nhân vật.

Qua Hoàng Dung, ông cũng đặt vào đó mong muốn về người phụ nữ của cuộc đời mình. Tất nhiên, trong đời thực, có lẽ không bao giờ xuất hiện được một cô gái hoàn hảo đến như vậy. Có lẽ cũng vì thế mà Hoàng Dung trong tiểu thuyết càng được ông “chăm bẵm” và không thể nghi ngờ sắc đẹp của Hoàng Dung là sắc đẹp hoàn mỹ, và sự thông minh của nàng cũng chính là sự thông minh vẹn toàn nhất trong mọi phương diện. 

Một nửa hoàn hảo của Thần Điêu

Hoàng Dung lần đầu gặp Quách Tĩnh khi nàng đóng giả ăn mày. Đó là một tên ăn mày đen đúa, rách rưới, ăn bánh bao mà không chịu trả tiền. Ấy vậy mà vừa gặp gỡ, Quách Tĩnh đã mời vào ăn ở nhà hàng sang trọng nhất. Có người nói, do tính hào hiệp của Quách Tĩnh, có người bảo, thật ra Quách Tĩnh không ngu ngốc như người ta tưởng mà rất biết nhìn người, bởi thiên hạ có cả tỉ tên ăn mày, sao lại mời mỗi Hoàng Dung?

Nhưng ngẫm lại, trong câu chuyện này, có lẽ chữ “duyên” là sự giải thích đúng đắn nhất. Và trong cái duyên đó, Quách Tĩnh tìm được người con gái mà sau này cùng chàng trở thành mối tính đẹp đẽ nhất trong tiểu thuyết Kim Dung. Người con gái đó cũng đã trở thành một nửa hoàn hảo nhất của thần điêu, là người bổ khuyết cho chàng trí tuệ, mẫn tiệp để giúp chàng sau này là người vô địch thiên hạ.   

Ở Quách Tĩnh, nếu để thu hút Hoàng Dung, một cô gái ưu tú như thế thì câu trả lời sẽ là… chẳng có gì! Hình dáng của chàng chỉ có cái phần to cao, dày dạn do sống một thời gian dài ở đại mạc, nhưng đó là cái tướng của võ phu. Mày rậm, mắt to cũng khiến chàng trở nên thô nhám. Trong khi đó, ở thời Tống, hình ảnh các chàng nho sinh, mảnh dẻ và tuấn tú vẫn được nhiều cô gái say mê nhất. Dung nhan không cuốn hút đã đành, trí tuệ của Quách Tĩnh lại càng khiến mọi người phải ngán ngẩm. Vậy Hoàng Dung mê chàng ở điểm gì? Là chữ “Hiệp” chăng? Không phải!.

Ở thời kỳ đó, nếu tìm chữ “Hiệp”, Cái bang có nhiều, anh hùng thiên hạ cũng chẳng ít. Điều khiến Quách Tĩnh ghi điểm ở Hoàng Dung chính là sự rộng rãi, quan tâm hết mình vì người khác của chàng. Chắc hẳn mọi người còn nhớ, không chỉ mời Hoàng Dung ăn những món sang trọng nhất, mà tấm áo lông điêu quý hiếm, con hãn huyết bảo mã vô giá Quách Tĩnh cũng sẵn sàng tặng lại Hoàng Dung. Một cô gái vốn được người ta đối tốt chỉ vì sắc đẹp của mình nay trong hình dạng của tên “tiểu khiếu hóa” lại được đối xử như một người cao quý nhất. Đó là điều khiến trái tim 16, 17 tuổi rung động, và nàng đã tìm được một nửa hoàn hảo nhất. 

Chính sự chất phác, thậm chí khờ khạo, sống vì người khác của Quách Tĩnh cũng bổ khuyết cho những mặt còn thiếu này của nàng, khiến nàng sau này cũng trở thành một nữ hiệp vang danh thiên hạ. 

Chuyện tình của Quách Tĩnh – Hoàng Dung đẹp thật đấy, nhưng là câu chuyện của muôn vàn sóng gió. Hai nửa đối lập, bổ khuyết cho nhau nhưng không hề dễ dàng. Họ không có rào cản trong quan niệm tình yêu của hai người, nhưng là những rào cản của những quan hệ bên ngoài, của những trắc trở mà hai bên không hề mong muốn. Rào cản đầu tiên đến từ Hoàng Dược Sư, khi ông không chấp nhận một chàng con rể ngốc nghếch trong khi ông và con gái đều là những người có trí tuệ nhất nhì thiên hạ. 

Người Hoàng Dược Sư muốn nhận làm con rể lại là tên dâm tặc Âu Dương Khắc. Chắc hẳn ông cũng chẳng ưa gì tên này, nhưng còn hơn là tên đần độn Quách Tĩnh. Rồi Khưu Xử Cơ hay các sư phụ của Quách Tĩnh là Giang Nam thất quái lại không ưa sự giảo hoạt, quỷ quyệt của Hoàng Dung, một mực ngăn cản chàng. Rồi chuyện tưởng như khiến 2 người phải tan vỡ khi đại sư phụ Kha Trấn Ác và ngay cả Quách Tĩnh một mực cho rằng Hoàng Dược Sư giết nhóm các sư phụ của chàng. Nhưng cuối cùng, vượt qua tất cả, họ vẫn đến với nhau. 

Quách Tĩnh – Hoàng Dung, sẽ như thế nào nếu chỉ có một người? Không có Hoàng Dung, Quách Tĩnh tóm lại cũng chỉ là một kẻ tầm thường, bởi chàng quá thiếu tố chất. Không có Quách Tĩnh, Hoàng Dung xinh đẹp, thông minh thật đấy nhưng liệu có thành một nữ hiệp vang danh thiên hạ, hay phải khổ vì chữ “tà” của mình? Sự bổ khuyết cho nhau khiến cả hai trở nên hoàn hảo.

Đọc thêm