Có hủy được giấy khai sinh bị cấp sai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Bùi Dương (Thái Nguyên) hỏi: Trước đây bố mẹ tôi đi đăng ký khai sinh cho tôi ở xã A là họ Đỗ, sau đó không rõ nguyên nhân gì mà lại tiếp tục đăng ký khai sinh ở xã B mang tên họ Bùi (họ Bùi là đúng theo tên họ của bố và mẹ tôi), do vậy mà tôi có đến 2 giấy khai sinh. Giờ tôi muốn giữ lại giấy khai sinh họ Bùi thì có hủy được giấy khai sinh họ Đỗ đã được đăng ký trước đó hay không? Thủ tục thực hiện như thế nào?
Luật sư Đoàn Trung Hiếu.
Luật sư Đoàn Trung Hiếu.

- Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Trưởng VP Luật sư Cộng Đồng) - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội tư vấn: Tại Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền có họ, tên như sau: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Và tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch, cũng có quy định: Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.

Theo quy định trên thì khi xác định được cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ của trẻ thì họ của trẻ được chọn lấy theo họ cha hoặc họ mẹ mà 2 bên có sự thỏa thuận. Nên như vậy thì không được lấy họ khác họ cha hoặc họ mẹ khi khai sinh cho trẻ mà xác định được cả cha và mẹ. Như vậy trường hợp của bạn, bố mẹ bạn đều mang họ Bùi thì bạn khi khai sinh sẽ được mang họ Bùi này và việc bố mẹ bạn khai sinh ở xã A là họ Đỗ là không đúng quy định pháp luật.

Tại điểm h khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch quy định thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định của Luật này, trừ trường hợp kết hôn trái pháp luật. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch thì: Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp bản chính Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, việc có hai giấy khai sinh và 01 giấy khai sinh không mang họ của cha hoặc của mẹ như vậy là trái với quy định của pháp luật về hộ tịch. Do đó, giấy khai sinh cấp cho bạn ở xã A sẽ bị thu hồi để hủy bỏ.

Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. (Ảnh: Hồng Thương)

Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. (Ảnh: Hồng Thương)

Về thủ tục hủy bỏ giấy khai sinh, căn cứ theo khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch thì UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định của Luật Hộ tịch.

Hiện nay, Luật Hộ tịch năm 2014 mới chỉ quy định thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ chưa quy định về trình tự, thủ tục hủy bỏ giấy khai sinh cấp trái quy định. Thực tiễn thì việc thu hồi, hủy bỏ như sau:

Bạn cần có đơn đề nghị hoặc báo cáo gửi UBND xã A, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện về việc bạn được cấp 2 giấy khai sinh và giấy khai sinh được cấp ở xã A là không phù hợp pháp luật, đề nghị UBND xã A, Phòng Tư pháp huyện xem xét tham mưu UBND huyện thu hồi, hủy bỏ.

Trên cơ sở đơn của bạn, UBND xã A, Phòng Tư pháp sẽ kiểm tra lại việc cấp giấy khai sinh, UBND xã A sẽ báo cáo và đề nghị UBND huyện thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh mang họ Đỗ của bạn.

Đọc thêm