Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng tư vấn: Căn cứ Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có quy định về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm những loại tài sản sau: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ. Quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ. Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị. Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu. Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì cán bộ không sử dụng xe ô tô công vào việc riêng, không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP có quy định về hành vi sử dụng tài sản công không đúng mục đích như sau: Phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân) theo các mức phạt sau:
Từ 1 - 5 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản (tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng).
Từ 5 - 10 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản (tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên).
Từ 10 - 20 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
Căn cứ quy định nêu trên, hành vi sử dụng ô tô công vào việc riêng, bố trí xe ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các chức danh không có tiêu chuẩn đưa đón xe công có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với tổ chức, đối với cá nhân có cùng hành vi dùng xe ô tô công vào việc riêng sẽ có mức phạt bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại Điều 5 Nghị định 63/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP.