Gửi di chúc cho người quen giữ được không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Trần Tuyết (Hà Nội) hỏi: Bà tôi đã lập di chúc, nhưng chúng tôi là con, cháu thì không muốn bác tôi giữ mà muốn bà gửi cho một người quen của gia đình. Xin hỏi, bà tôi có thể gửi di chúc cho người khác giữ được không? Người nhận giữ di chúc phải làm gì khi bà tôi qua đời? Nếu như người giữ di chúc mà làm mất thì phải xử lý như thế nào?
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh) - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh) - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh) - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 641 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về gửi giữ di chúc như sau: Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về công chứng.

Theo đó, bà của bạn có thể giao bản di chúc cho người khác giữ theo quy định nêu trên. Cụ thể, có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hoặc người khác mà bà của bạn cảm thấy tin tưởng.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều này quy định người giữ bản di chúc có nghĩa vụ như sau: Giữ bí mật nội dung di chúc. Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc.

Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.

Bên cạnh đó, theo Điều 647 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc công bố di chúc, cụ thể như sau: Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.

Đối với trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc. Nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thoả thuận cử người công bố di chúc.

Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc. Trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, sau khi bà bạn mất đi thì người giữ di chúc có nghĩa vụ giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc theo quy định nêu trên.

Người giữ di chúc làm mất di chúc thì đối với từng trường hợp được quy định như sau: Di chúc bị mất trước thời điểm mở thừa kế: Đối với trường hợp này, trước thời điểm mở thừa kế nghĩa là lúc này người để lại di chúc vẫn còn sống, khi đó người để lại di chúc hoàn toàn có thể lập một bản di chúc mới thay thế cho bản di chúc đã bị thất lạc trước đó, bởi tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực.

Đối với di chúc bị mất sau thời điểm mở thừa kế: Kể từ thời điểm mở thừa kế, di chúc bị mất và không được tìm thấy, cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Lúc này, pháp luật không căn cứ vào di chúc để phân chia di sản thừa kế mà sẽ chia thừa kế theo pháp luật.

Nếu chưa chia thừa kế mà tìm thấy bản di chúc đã thất lạc thì sẽ chia thừa kế theo di chúc. Lúc này, di chúc vẫn còn nguyên hiệu lực.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 3 Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.

Vậy, nếu đã chia thừa kế theo pháp luật mà trong thời hiệu yêu cầu chia thừa kế (30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản được quy định cụ thể tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015) lại tìm thấy bản di chúc đã bị thất lạc, người thừa kế theo di chúc có yêu cầu chia theo di chúc thì phải chia lại thừa kế theo di chúc.

Ngược lại, vẫn trong trường hợp này nhưng người được hưởng di sản theo di chúc không có yêu cầu chia thừa kế lại như trong di chúc thì không phải chia thừa kế lại. Như vậy, thời điểm tìm thấy bản di chúc đã thất lạc, di chúc vẫn còn hiệu lực nhưng bởi không có yêu cầu chia thừa kế lại nên nội dung được thể hiện trong di chúc mới không được thực hiện.

Đọc thêm