Khi người ta lựa chọn cô đơn
Cuộc sống hiện đại, hội nhập nền văn hóa Tây phương cộng với lối sống hướng ngoại khiến nhiều người hiện nay cho rằng, những giá trị gia đình truyền thống đã trở nên “lỗi thời” và gia đình không có ảnh hưởng lớn đến đời sống của mỗi con người hiện đại nữa.
Quả thật, cũng có không ít người tách khỏi gia đình, sống một đời sống riêng cho bản thân, độc lập, cắt đứt những riềng mối với cội rễ và cho đó là “lối sống mới”. Họ tự tin bởi lựa chọn của mình. Có lẽ, họ cũng không thể nhận ra bản thân đã mất mát, khiếm khuyết đi nhiều điều giá trị lớn lao có thể làm cho cuộc sống của họ hạnh phúc, trọn vẹn hơn.
An Trần là một nhà thiết kế trẻ tuổi, tài hoa, đẹp trai, có chút danh tiếng trong sự nghiệp. Anh sống một mình tại một căn hộ khá cao cấp giữa trung tâm thành phố. An Trần quảng giao, bặt thiệt, luôn vui vẻ, nhưng có điều, bạn bè, người quen hầu như không biết gì về gia đình anh. Chỉ nghe nói, anh còn cha mẹ và anh chị em ở quê, một tỉnh miền Tây cách thành phố hơn 100km.
Ai hỏi, anh bảo: Thì hàng năm Tết về thăm 1 lần, lâu lâu gửi tiền về là được rồi. Chứ gặp chi nhiều, dây dưa, rắc rối, phiền lắm. An Trần cũng không có nhu cầu lập gia đình, anh có những người tình, cứ hết người này anh lại bắt đầu một mối quan hệ với người khác. Với anh, đó là một lối sống tự do, phóng khoáng và vui tươi.
Có không ít người trẻ giờ đây lựa chọn lối sống như An Trần. Với họ, mối liên hệ với gia đình dần dà trở nên một sự ràng buộc phiền phức, kéo cuộc sống họ đi xuống, khiến họ mệt mỏi, không thoải mái. Họ chọn cách tách xa khỏi gia đình, chọn một lối sống đơn độc, không có cả gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ. Với họ, công việc, những cuộc vui triền miên, những chuyến đi xa chính là thú vui lớn nhất cuộc đời.
Cách đây ít lâu, một hot Facebooker đã đăng tải bài viết nói lên suy nghĩ của mình về mối quan hệ gia đình, trong đó, cô bảo mình “thà sống đơn độc để mạnh mẽ như một con sói, còn hơn sống líu ríu trong những mối quan hệ dắt dây, sống như một con gà giữa bầy”. Trong đó, cô gái trẻ đưa ra nhiều “tấm gương” những người nổi tiếng, thành đạt, hạnh phúc trên thế giới chọn cuộc sống độc thân và độc lập với gia đình mình.
Ý kiến này đã gây ra nhiều tranh cãi, trong đó vẫn không ít ý kiến của người trẻ ủng hộ, cho rằng, nên sống “kiểu Tây”, độc lập từ lúc bắt đầu bước chân ra đời, vì nền tảng gia đình truyền thống còn nhiều điều chưa hay khiến người ta dễ mệt mỏi, bị bó buộc, không hạnh phúc và phát triển được.
Gia đình: Kéo trì hay nâng đỡ
Quả thực, quan điểm sống của một bộ phận người trẻ hiện nay rất đáng để ghi nhận. Nó thể hiện phần nào sự thay đổi trong quan niệm về gia đình của người trẻ trong xã hội hiện đại. Nó cũng cho thấy rằng, nền tảng gia đình truyền thống cũng có những điều chưa hay, đây đó khiến người ta chịu áp lực, mệt mỏi.
Trần Thanh Tú, 35 tuổi là một nhân viên ngân hàng sinh sống tại TP.HCM. Anh là con trai cả nên từ khi lớn lên đã được cha mẹ “đặt gánh nặng” lên vai: Con là con trai cả, cháu đích tôn nên phải chăm lo cho các em, có trách nhiệm với dòng họ. Cứ thế, anh đi học, ra trường là bắt đầu nuôi hết đứa em này đến đứa em khác, dựng vợ gả chồng, lo tiền bạc xây nhà cửa, nhà thờ họ… tất tần tật mọi chuyện anh đứng ra gánh vác, lo lắng.
Đến mức cái nghề làm cho anh chán ngán, anh muốn khởi nghiệp mà cũng không dám, vì lương cao, còn lo cho cả nhà. Lấy vợ anh cũng không dám, vì người con gái nào mà chịu nổi người đàn ông có bao nhiêu vun vén hết cho người nhà của mình? Như bài hát nổi tiếng “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến, một bài hát khắc họa sâu sắc hơn bao giờ hết thân phận của một người con gái, một “chị cả” sống với tâm thế sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân cho gia đình mình.
Rất nhiều người, rất nhiều câu chuyện “vì gia đình” mà người ta phải hy sinh niềm vui, sở thích bản thân, hy sinh cuộc đời cá nhân để làm đẹp lòng gia đình, dòng họ. Chọn ngành học theo ý cha mẹ, làm công việc khiến gia đình nở mày nở mặt, lập gia đình với người được cả nhà yêu thích, phải sinh con cho ông bà hai bên vui…
Nhưng cần phải nhìn nhận rằng, giá trị gia đình truyền thống tồn tại hai mặt song song. Có những khía cạnh mà sự thiết thân, ràng buộc, trách nhiệm khiến người ta bị áp lực, sống gối đầu lên đời nhau. Nhưng ở một phương diện khác, gia đình cũng là đòn bẩy, là điểm tựa nâng bước cho mỗi người phát triển, vươn xa.
Hãy nhìn vào những câu chuyện như người cha, người mẹ tuyệt vời của bé thần đồng Đỗ Nhật Nam, hay những người cha, người mẹ hiến một bộ phận cơ thể cứu sống con, tần tảo hy sinh đời mình nuôi con thành tài, vun vén hạnh phúc cho con mình. Và nữa, những gia đình Việt mà ba, bốn thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà. Ở nơi đó, con cái hiếu thuận, ông bà hiền lương, tạo nên những thế hệ mầm non được vun bồi với nền tảng vững chắc.
Những điều mà nhiều người ca tụng ở xã hội phương Tây, như sự độc lập, sự riêng tư, có cái hay, nhưng qua thời gian cũng đã lộ ra những điểm bất cập của mình. Ở phương Tây, biết bao nhiêu người trẻ hoang mang vì mất đi cội rễ, biết bao người già sống cô đơn, lẻ loi, không có mối liên hệ với con cái mình. Và giờ đây, dần dà, xã hội phương Tây cũng đang nhìn nhận, tìm về những giá trị truyền thống của phương Đông.
Cái gì cũng thế, nhiều quá hóa dở. Để gia đình là nơi tựa nương, nâng bước mà không ràng buộc, đòi hỏi ở mỗi thành viên trong gia đình tình yêu thương nhưng không ích kỉ, chiếm hữu. Yêu thương và tự do vẫn có thể song hành.
Đi xa mấy rồi cũng quay về
Có một thời, người ta bàn nhiều về câu chuyện “ăn Tết ở nhà hay ăn Tết phương xa”. Những tranh cãi nổ ra gay gắt giữa những người tôn trọng giá trị gia đình truyền thống và những người muốn “tháo cũi sổ lồng” để bay xa tìm kiếm tự do cho riêng mình. Thế rồi, thời gian trôi qua, người ta không còn lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ ấy.
Cả những người thích chu du xa nhà ngày Tết, sau khi thỏa ước mơ, cũng đã dịu lại, đã hiểu rằng, họ có đi xa mấy thì vẫn thèm cái cái giác ấm áp bên gia đình vào cái thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới. Như lời của bài hát “Đi thật xa để trở về”: Từng chặng đường dài mà ta qua/ Đều để lại kỷ niệm quý giá/ Để lại một điều rằng càng đi xa/ Ta càng thêm nhớ nhà.
“Nhà”, danh từ ấy có một cái gì đó thiêng liêng, ấm áp mà mỗi khi nhắc đến, người ta lại thấy lòng chùng lại, thấy tim mềm đi. Những người đàn ông, dù là lao động tay chân vất vả, hay doanh nhân thành đạt, sau những ngày dài bôn ba vất vả, mong muốn trở về nhà với những tiếng cười ran, bữa cơm nóng, một cái giường êm ngả lưng, mới hiểu hết giá trị của “nhà - gia đình”.
Những người tha phương, ở đầu kia đất nước, đầu kia trái đất, thèm lắm bữa cơm nhà đầm ấm, thèm buổi chuyện trò vui vẻ bên cha, bên mẹ mới càng hiểu và trân trọng gia đình. Và chỉ có những người đã, đang, từng là trẻ mồ côi, thiếu hơi ấm, thiếu niềm vui của gia đình, mới càng thấy hiểu hơn, có “nhà” đáng quý biết chừng nào.
Người ta nói, bước vào cánh cửa nhà, bao bão tố để lại sau lưng. Gia đình, “nhà” không chỉ là một danh từ mang ý nghĩa địa điểm. Gia đình có mặt trong trái tim mỗi người. Để rồi, dù đi thật xa cũng luôn mong nhớ đến lúc trở về. Để trong cuộc bôn ba vất vả mưu sinh, chỉ cần một cuộc gọi, một lời động viên từ “người nhà” cũng khiến tim người ta ấm lại.