Người dân xóm Sở tự hào vì có lão “họa sĩ vườn” Trương Văn Đoan (68 tuổi) đã tô điểm cho làng thêm ấn tượng và thu hút. Thời niên thiếu nghèo đói…
Ông tự hào kể về bố mình khi chúng tôi đặt câu hỏi về gen họa sĩ trong gia đình ông: “Bố tôi là Trương Văn Tịch, là người phụ trách kháng chiến ở khu Mai Dịch. Ngày chúng tôi còn bé thậm chí không được gọi ông là bố để tránh lộ bí mật cho ông.
Ông cũng đã từng được phân súng để giữ nhiệm vụ bắn những người chỉ điểm nhưng ông không nhận vì lo 7-8 đứa con mình và con họ sẽ thù nhau. Cụ đạo đức lắm, đó là điều lớn lao mà bố để lại cho anh em chúng tôi khiến chúng tôi khôn lớn, trưởng thành đến bây giờ”.
"Cả thời niên thiếu sống trong cảnh đói ăn, loạn lạc, không ai nghĩ đến bất kỳ điều gì khác ngoại trừ sống yên ổn trong ngôi làng của mình. Cũng chẳng có thời gian mà học hành, vẽ vời” - ông kết luận.
Trong dòng hồi tưởng về những ký ức xa xưa, ông kể, thời thiếu niên sống trong những cảnh chiến tranh, hình ảnh những thằng Tây đen cứ đêm đêm vào làng tìm du kích khiến ông bị ám ảnh. Lớn hơn, những năm 68-69 ông theo nghề lái máy cày ở khu vực Thanh Trì.
Có những ngày ông cày dưới máy bay mà không biết. Cứ nghe thấy tiếng ù ù trên đầu nhưng vì không có còi báo động cộng thêm công việc đã nhận nên ông vẫn làm bình thường.
Sau đó ông lái xe cho Trạm cơ khí nông nghiệp, chở hàng đi khắp nơi, cả miền Trung và Tây Bắc. Trong một lần chở than sang khu vực Bát Tràng, ông bắt gặp hình ảnh những trẻ em làng Bát Tràng say sưa ngồi vẽ và làm gốm khiến ông tò mò nghĩ rằng sao trẻ con bé thế mà cũng biết vẽ và vẽ đẹp. Suy nghĩ này khiến ông thấy nôn nao trong người.
Về nhà ông tưởng tượng lại cảnh bọn trẻ con vẽ, rồi ông lại tưởng tượng nếu mình vẽ thì ông mặt trời sẽ vẽ như thế này, cây cảnh sẽ vẽ như thế kia…
Ông cứ ôm sự tưởng tượng ấy cho đến ngày về hưu thì ông không ngừng lại được sự “ngứa ngáy” trong người, quyết định cầm cây vẽ. Ông thể hiện ý tưởng của mình, mặt trời đỏ rực, cây lá xanh mướt, cánh đồng tít tắp…
Ban đầu ông cứ cầm giẻ phết sơn lên giấy to bôi bôi, nghịch nghịch hoặc vẽ vào mảnh vải đã bỏ đi. Vợ con thấy ông vẽ đẹp nên động viên rất nhiều, ông bắt đầu chính thức… sáng tác.
Ông Đoan say sưa kể chuyện vẽ bên những bức tranh của mình. |
Khi “họa sĩ vườn” trổ tài
Từng bức tranh con hổ, tranh tự họa chân dung, bức tranh tứ quý được ông vẽ khắp nơi. Con cái thích quá, mang những bức tranh của bố đi đóng khung treo khắp nhà. Tranh ông vẽ treo kín nhà thì ông… bất chợt phát hiện ra khu vực hông nhà trống trải quá, chỉ là bức tường trắng không cảm xúc. Ông cầm giẻ phết phết, bôi bôi, quệt quệt thế là thành bức tranh “tùng, cúc, trúc, mai”.
Ông bảo vẽ đơn giản lắm, những mây, những trời thì ông dùng giẻ chấm vào thùng sơn đã pha, sau đó phệt vài đường là thành, còn lá cây, những chi tiết nho nhỏ ông cẩn thận lấy bút, tỉ mẩn vẽ. Chỉ trong 2 ngày, ông hoàn thành bức tranh Tứ quý. Bà con đến nhà chơi trầm trồ, ai cũng đòi chụp bên bức tranh này.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Vườn rất thích tính họa sĩ ở chồng. Bà tìm mọi cách để động viên chồng vẽ vời, mua loại sơn chuẩn nhất về phục vụ. Có những đêm ông miệt mài vẽ, bà lặng lẽ bên cạnh hoặc ngồi ngoài cửa trông ông vẽ vì bà biết kiểu của ông, khi ông đã tập trung vào việc vẽ thì không ai được quấy rầy. Không chỉ vẽ, ông mua đất về đắp ông già Noel, rồi đắp những con trâu ở nhà thờ họ…
Chẳng mấy chốc khắp nhà ông treo toàn tranh của ông, chỗ là bức tranh làng quê, chỗ là tranh chiếc cầu nổi tiếng, thậm chí khu vực cầu thang ông vẽ một con hổ rất to, đẹp và ấn tượng. Nếu không hỏi chắc hẳn khách đến chơi nhà đều nghĩ ông mua bức tranh này tại một cửa hàng mỹ thuật nào đó ở Hà Nội.
Khi đã bập vào nghiệp vẽ là ông vẽ liên tục, không dừng lại được. Khi không gian trong nhà đã kín mít tranh của ông, ông ra vẽ ngoài làng. Những bức tường trước mặt nhà ông được ông trưng dụng để vẽ những gì ông thích. Thậm chí nhiều khi những người hàng xóm láng giềng còn nhờ ông vẽ để tường nhà sinh động, con đường vào làng trở nên đẹp đẽ hơn, đáng yêu hơn.
Nhưng cũng có những ông bạn trong tổ hưu đùa: “ông “họa sĩ vườn” này ghê phết đấy, nhờ đến thiết kế cho khu sân vài bức tranh mà ông lần lữa mãi chưa đến đâu”. Ông chỉ cười hiền giải thích: “Phải có hứng ông ạ, không có hứng thì có đến nhà ông cả ngày cũng không ra cái gì đâu”.
Nhân nói chuyện hứng thú, chúng tôi đùa: “Liệu có khi nào lên giường ngủ rồi ông còn bật dậy để vẽ không”. Ông thật thà: “Có chứ. Nhiều khi ý tưởng cứ đeo đuổi mình, mãi mà chưa thể hiện được, đến khi tưởng tượng xong thì phải vẽ ngay”.
Hỏi ông mọi người gọi ông là “họa sĩ vườn” ông có buồn không, ông cười thật thà: “Sao lại buồn, vui mới đúng. Vì Vườn là tên vợ tôi mà. Coi như họ gọi tôi bằng tên vợ tôi”. Rồi ông phá lên cười sảng khoái.
Ông tâm sự, mỗi lần vẽ lại phải tập trung vì chỉ lo mất ý tưởng. Nhưng nhiều khi ông cũng phải bỏ dở bức vẽ vì cảm thấy pha màu không chuẩn. Ông bảo, trong lúc vẽ tâm trạng thú vị lắm, thấy mình thoải mái, không vướng bận chuyện gì.
Thậm chí nhiều khi có chuyện bực mình, ông cố tĩnh tâm để nghĩ đến hình ảnh gì đó và bắt tay vào vẽ. Vẽ xong, mọi sự bực tức cũng tự nhiên biến mất.
Nhận thấy những tác động tích cực cho trí óc con người trong khi vẽ, ông cũng chuẩn bị rất nhiều bút màu, sách tô vẽ cho đám cháu nội ngoại. Ông bảo, mỗi khi chúng đi học về lại tíu tít bên nhà ông, đứa thì đòi ông dạy vẽ con thỏ, đứa thì đòi vẽ con nai, có đứa lại thích vẽ những con đường…
Ông đùa: “Kiểu gì tôi cũng chiều được, chỉ mong chúng nó có một thú vui nào đấy để sau này có thể khiến cuộc sống nhẹ nhàng hơn”…