Ông bà là món quà quý
Ngày chuẩn bị lấy chồng, chị Ng. H. Th., ngụ Long Thành, Đồng Nai đã ra điều kiện với chồng là chỉ cưới khi gia đình anh cho “ra riêng”, vì chị không muốn sống chung với nhà chồng, sợ nhiều bất cập. Nhưng rồi, hai đứa trẻ sinh đôi ra đời. Hai vợ chồng công việc đều bận rộn, con còn nhỏ không thể gửi trẻ được.
Bất đắc dĩ, chị đồng ý với anh đón cha mẹ anh lên sống chung nhà, bà đi là phải có ông, không tách xa nhau bao giờ. Thời gian đầu, cũng có đôi chút không hợp nhau nhưng không đáng kể. Và chị phải thừa nhận một điều rằng các con mình có ông bà sung sướng hơn hẳn. Hai vợ chồng quá bận rộn, không lo chu toàn được cho con, không có thời gian dành nhiều cho con, chỉ biết dùng ipad, tivi để dỗ lúc con khóc, con ăn, con quấy…. Nhưng ông bà cả ngày chỉ dành để chăm cháu.
Lúc bà cho cháu ăn thì ông làm trò, vui đùa cho cháu ăn. Lúc bà đi dọn dẹp, nấu ăn thì ông trông nom cháu cẩn thận. Ông bà bày đủ các trò chơi thú vị cho hai cháu chơi, khiến chúng không còn thích thú gì đến tivi, điện thoại nữa. Các cháu mập mạp, sinh động lên chỉ vài tháng sau khi sống chung với ông bà. Nhờ có ông bà tập nói, hai đứa trẻ cũng biết nói sớm, đi đứng cứng cáp hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Cho đến lúc hai đứa trẻ được hai tuổi, chuẩn bị đi nhà trẻ, ông bà đã sống với cháu được 1 năm. Lúc ông bà rời cháu để về quê, hai đứa trẻ khóc lóc thảm thiết không chịu rời xa ông bà. Ông bà đi rồi, chúng ốm o, buồn bã. Cuối cùng, hai vợ chồng anh chị lại về quê, “xin” ông bà quay lên sống với gia đình con trai vì cháu không thể thiếu ông bà được. Và chị Th. lúc này cũng nhận ra sự ấu trĩ, ích kỉ của mình trước đây khi kiên quyết không chịu sống chung với cha mẹ chồng vì sợ phiền phức.
Có khá nhiều cặp vợ chồng trẻ thường e ngại việc sống chung với cha mẹ sẽ khiến cuộc sống trở nên bất tiện hơn. Đồng thời, họ còn mối lo lắng khác về sự khác biệt thế hệ giữa ông bà - các cháu khi sống chung dưới một mái nhà, hay việc bất đồng trong dạy dỗ giữa cha mẹ và ông bà đối với con trẻ.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, được sống với ông bà là may mắn, lợi ích lớn đối với con trẻ. Con trẻ sống chung mái nhà với bà sẽ được chăm lo nhiều hơn, nhận được nhiều tình yêu thương và sự dạy dỗ hơn.
Đồng thời, trong quá trình sống chung với ông bà, con trẻ cũng được học những bài học về sự gắn kết, tình yêu thương gia đình, kính trọng ông bà, lòng biết ơn, hướng đến nguồn cội và nhiều giá trị sống khác.
Con hoàn thiện nhân cách nhờ ông bà
Thực tế đã chứng minh, những trẻ sống với ông bà có tuổi thơ vui vẻ hơn, đồng thời cũng được hoàn thiện về nhân cách thông qua sự dạy dỗ và lối sống chuẩn mực của ông bà.
Bé Nguyễn Hoàng Lan Nhã, sinh năm 2013, tên thường gọi ở nhà là Khoai Tây từ nhỏ đã thường xuyên sống gần với ông bà. Cha mẹ mở dịch vụ thẩm mỹ ở Phú Nhuận, TP HCM, những mùa cao điểm, từ nhỏ Khoai Tây thường được gửi sống cùng ông bà. Đến lớn, bắt đầu đi nhà trẻ, ông bà lại thường xuyên dọn đến nhà cháu ở, chăm cháu mỗi lúc cha mẹ bận rộn. Thế nên, tuổi thơ của Khoai Tây gắn chặt với ông bà.
Trong nhà, bà là người chịu trách nhiệm dạy cháu học, dạy cháu cách làm người. Còn ông là người bày trò cho cháu vui, chiều chuộng cháu, chơi cùng cháu. Do thường xuyên được bà giáo dục cách cư xử, những bài học đạo đức, Khoai Tây khá hiểu chuyện, nhận thức về cuộc sống chung quanh khá chuẩn mực, biết xin lỗi, cảm ơn, biết thương người, cảm thông cho người khác và yêu thương động vật.
Đồng thời, với những trò vui của ông bày ra như cõng cháu đi chơi, khiêu vũ với cháu, dạy cháu hát, làm nhà bìa carton cho cháu… đã phần nào giúp Khoai Tây trở thành một đứa trẻ sinh động, vui vẻ, yêu nghệ thuật và “lắm chiêu nhiều trò”. Ngay cả khi ông đã qua đời, Khoai Tây vẫn luôn nhắc về ông hàng ngày với tình yêu thương và tưởng nhớ.
Có thể thấy, có ông bà chính là niềm hạnh phúc, may mắn lớn lao của mỗi đứa trẻ. Cha mẹ cũng có nghĩa vụ dạy dỗ con yêu thương, kính trọng ông bà dù cháu có ở gần hay xa, có gắn bó hàng ngày với ông bà hay không. Giáo dục trẻ kính trọng, yêu thương và gắn bó với ông bà chính là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong giáo dục nhân cách trẻ.
Cha mẹ, ông bà là chỗ dựa của con, cháu
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL ban hành đã nêu rõ, quan hệ ông bà - cháu còn gọi là quan hệ thế hệ thứ nhất (ông bà) và thế hệ thứ ba (cháu). Đây là mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Ông bà dạy bảo thêm cho các cháu, giúp đỡ con cái mình trong công việc gia đình, trông trẻ nhỏ, chăm sóc nhà cửa, vườn tược, truyền thụ kinh nghiệm sống, cách ứng xử đúng đắn...
Ông, bà trong trường hợp này là người gần gũi, dìu dắt cháu, chăm nom cháu khi cha mẹ vắng nhà. Đứa trẻ nào cũng cần được sống trong tình yêu thương ấm áp của ông bà. Ngược lại, con cháu cũng là chỗ dựa về vật chất và tình cảm cho ông bà, để ông bà sống vui hơn, có ý nghĩa hơn.
Trong trường hợp ông bà và cháu không sống chung, mối quan hệ ông bà - cháu không phải mối quan hệ trực tiếp, hằng ngày, ông bà và các cháu chỉ gặp nhau trong những dịp lễ, tết hoặc qua thư từ... Mối quan hệ đó tuy không sâu sắc như mối quan hệ ông bà - cháu sống chung trong gia đình ba thế hệ nhưng tình cảm giữa ông bà và các cháu vẫn là tình cảm gần gũi, thân thiết và là những kỷ niệm không thể nào quên.
Tất nhiên, để đứa trẻ có một tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình nhiều thế hệ, cũng như được hoàn thiện những đức tính tốt đẹp, thì cần nhiều yếu tố. Thứ nhất, cha mẹ, ông bà phải là những người gương mẫu. Trẻ học không chỉ ở những lời dạy dỗ sáo rỗng, mà từ lối sống, lối hành xử hàng ngày của các thành viên trong gia đình với nhau, của cha mẹ đối với ông bà, cha mẹ và ông bà với con cái.
Thứ hai, cha mẹ và ông bà phải có sự đồng thuận, thống nhất với nhau trong cách giáo dục con trẻ. Nếu cha mẹ nói một đàng, ông bà nói một nẻo sẽ gây ra sự hoang mang, không biết nghe bên nào, khiến con trẻ không tiếp thu được trọn vẹn những điều tốt đẹp mà cha mẹ, ông bà truyền thụ.