Những con số giật mình
Số liệu của Ban Chỉ đạo Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007- 6/2013, phát hiện 63.590 vụ, gồm 94.309 em vi phạm pháp luật hình sự, tăng 4.276 vụ, tương đương 6,72% so với 6 năm rưỡi trước đó. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên (NCTN) gây ra chiếm gần 20%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tình hình NCTN phạm tội trong thời gian qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Số đối tượng vi phạm pháp luật hình sự tập trung nhiều ở thành phố, thị xã, nhất là các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk… Trung bình mỗi năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 đối tượng.
Tội phạm do NCTN gây ra chủ yếu là các tội: trộm cắp tài sản (21.812 vụ/33.010 đối tượng, chiếm 34,30%); cố ý gây thương tích (5.692 vụ/9.588 đối tượng, chiếm 8,95%); gây rối trật tự nơi công cộng (4.870 vụ/8.768 đối tượng, chiếm 7,65%); cướp giật tài sản (3,76%); cướp tài sản (1,43%); đánh bạc; hiếp dâm, cưỡng dâm; cưỡng đoạt tài sản; giết người và một số tội danh khác.
Đặc điểm nhân thân NCTN phạm tội và vi phạm pháp luật cho thấy: số NCTN phạm tội là các em nam chiếm 96,87%; nữ chiếm 3,13%; đối tượng dưới 14 tuổi chiếm 13%; đối tượng từ 14 – 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16-18 tuổi chiếm 52%. Về trình độ văn hóa, số đối tượng không biết chữ chiếm 9,7%; tiểu học chiếm 2,8%; trung học cơ sở chiếm 41%; trung học phổ thông chiếm 21%; số đã bỏ học chiếm 45%; học lực yếu, kém chiếm 60,7%... Đặc biệt, có tới 34,4% các em sống trong hoàn cảnh thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ, trong đó có 4,8% sống với ông bà; 2,4% sống với anh chị; 14,5% sống lang thang…
Muôn hình vạn trạng nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm gia tăng tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, trong đó về phía gia đình thì có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực… thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp, để các em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức.
Về phía nhà trường, công tác giáo dục tuyên truyền đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật ở một số trường học còn hạn chế, việc giảng dạy môn Giáo dục công dân chưa có kết quả như mong muốn. Về phía xã hội, nhiều điểm kinh doanh, nhà hàng, vũ trường, đặc biệt các điểm truy cập internet chiếu phim kích động bạo lực, khiêu dâm cùng với các hiện tượng tiêu cực khác ngoài xã hội tác động mạnh đến tư tưởng, lối sống của trẻ em.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vi phạm pháp luật là đa số không nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể ở địa phương nơi các em sinh sống. Đặc biệt, các tổ chức, hội, đoàn thể vẫn chưa hoạt động tích cực trong vai trò giúp đỡ, hỗ trợ NCTN phạm tội vi phạm pháp luật, chủ yếu vẫn là gia đình, hoặc cơ quan công an nên chưa đủ, do đó các em vẫn dễ dàng tiếp tục tái phạm.
Các cơ quan chức năng cũng còn thiếu sót trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, như quản lý cư trú/di trú, quản lý vũ khí thô sơ, quản lý các dịch vụ nhà trọ, cầm đồ, internet…, để kẽ hở để các em có cơ hội vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa xã hội đối với NCTN vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương vẫn còn bị xem nhẹ, hoặc có thì thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa đồng bộ, chưa có hiệu quả. Hệ thống pháp luật về phòng ngừa NCTN vi phạm pháp luật còn nhiều thiếu sót, việc thi hành pháp luật của các cơ quan chức năng nhiều khi chưa nghiêm, thiếu đồng bộ…
Những con số và nguyên nhân này đang làm đau đầu không chỉ gia đình, nhà trường mà là sự nhức nhối của toàn xã hội.