Vụ án chứng cứ chưa rõ ràng
Cuối năm 1987, ông Thiện đang là Phó trưởng phòng Kế hoạch làm việc tại Công ty Vật tư tổng hợp Gia Lai - Kon Tum (cũ). Trở về sau chuyến công tác dài ngày tại Hà Nội, ông bị ngộ độc thức ăn, phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Ngày 19/11/1987, khi ông vẫn đang điều trị trên giường bệnh, Công an thị xã Kon Tum đến yêu cầu ông về công ty để khám phòng làm việc. Trong lúc thể trạng đang mệt mỏi, dù không hiểu “đầu cua tai nheo” thế nào, ông vẫn chấp hành về theo lực lượng chức năng, mở cửa phòng làm việc để khám xét.
Sau một hồi tìm kiếm tại phòng làm việc, cảnh sát tiếp tục đề nghị ông đưa về nhà riêng để kiểm tra. Cả một buổi lục tung cả nhà riêng lẫn nơi làm việc, ông Thiện vẫn chưa hiểu cảnh sát muốn tìm thứ gì. Sau đó, họ yêu cầu ông lên xe và đưa đi.
Ông Thiện nhớ lại: “Tôi cứ nghĩ họ sẽ đưa tôi trở lại bệnh viện để điều trị tiếp, ai ngờ bị đưa thẳng về trụ sở, nhốt vào phòng giam. Lúc đó, tôi rất hoảng hốt và mệt mỏi. Hỏi vì sao bắt tôi thì họ trả lời ít ngày sau sẽ rõ.
Ba ngày sau, tôi mới được nghe một đồng chí công an đứng ngoài cửa phòng giam đọc lệnh tạm giam vì tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”. Những ngày tiếp theo, tôi liên tục bị gọi lên thẩm vấn.
Các điều tra viên dùng nhục hình, bức cung, mớm cung, bắt tôi phải thừa nhận hành vi tham ô 500kg xăng và 1000kg dầu diesel. Lúc đầu cương quyết không nhận tội, về sau, do sức khỏe yếu, không chịu được bức cung, tôi nhắm mắt nhận tội, thầm nghĩ dù sao vẫn còn tòa án, mình vẫn có thể được minh oan”.
Cuối tháng 8/1988, Viện KSND thị xã Kon Tum ra cáo trạng truy tố ông Thiện về hành vi lợi dụng chức vụ, dùng giấy viết tay ra lệnh cho thủ kho xuất 500kg xăng, 1000kg dầu diesel để tham ô. Tòa án nhân dân thị xã đã đưa vụ án ra xử sau đó.
Qua hai lần xét xử, cơ quan tố tụng vẫn không thể kết tội ông Thiện vì không đủ chứng cứ. Dù cáo trạng đã có, quá trình xét xử, cơ quan công tố lại không thể đưa ra bằng chứng là tờ giấy ông Thiện đã viết tay yêu cầu thủ kho xuất hàng.
Không chỉ thế, các đồng nghiệp và chính Giám đốc công ty khi đó cũng đứng ra làm chứng, cho rằng bị cáo không hề có hành vi tham ô. Bị cáo cũng chứng minh được 500kg xăng và 1000kg dầu diesel được xuất kho đều minh bạch, không hề có dấu hiệu tham ô.
Ông Thiện giải thích: “500kg xăng là do giám đốc trực tiếp chỉ đạo xuất, để khấu trừ tiền công vận chuyển hàng hóa cho một đơn vị khác. Còn 1000kg dầu diesel là của một đơn vị khác, có hợp đồng khai hoang cho các nông trường ở tỉnh. Việc họ còn thừa dầu, đem bán ra ngoài không liên quan đến tôi hay công ty”.
Đến nay, ông Thiện vẫn lưu được bút tích của giám đốc công ty thời điểm đó. Bút tích khẳng định ông Thiện không tham ô, mong muốn các cơ quan chức năng trả lại sự trong sạch cho ông.
Không thể đưa ra bằng chứng buộc tội nhưng cơ quan công tố vẫn giữ quan điểm buộc tội, yêu cầu điều tra lại. Bị tạm giam đến cuối tháng 1/1990, ông Thiện bất ngờ nhận được quyết định đình chỉ vụ án.
Cơ quan công tố đưa ra lý do đình chỉ không phải vì bị cáo vô tội mà vì “xét thấy mức độ phạm tội không gây nguy hại cho xã hội, trong thời gian điều tra đã tự khai báo nên trả tự do”.
Quyết định còn ghi rõ buộc ông hoàn trả 120,6 ngàn đồng là số tiền được cho là do ông tham ô mà có. Con số này cũng chẳng hiểu ở đâu ra vì ông bị quy kết tham ô số tiền 82 ngàn đồng (gồm 17 ngàn tiền bán xăng, 65 ngàn tiền bán dầu). Cơ quan chức năng đã đến tận nhà thu số tiền 120,6 ngàn trên mà không hề có biên lai, không được bàn giao cho ai.
Oan án vì kho xe tăng súng đạn?
“Việc họ ra quyết định truy tố là cố tình buộc án gán tội cho tôi. Đến khi không thành, họ lại trốn tránh trách nhiệm bằng một quyết định đình chỉ vụ án, chứ không chịu thừa nhận đã gây oan sai cho người vô tội”, ông Thiện bức xúc nói.
Ông Thiện cho biết, sau khi được trả tự do, đã cất công tìm hiểu vì sao mình bị đổ tội oan sai như vậy. Theo đó, ông cho rằng nguồn cơn xuất phát từ kho phế liệu của Công ty vật tư nơi ông làm việc.
Kho khi ấy là nơi lưu giữ phế liệu của một số loại ô tô, xe tăng thiết giáp, máy bay cùng khá nhiều súng ống, đạn dược, được thu gom từ thời kỳ chiến tranh, tập kết ở sân bãi của công ty.
Khi còn đương chức, ông Thiện có ý muốn gìn giữ kho phế liệu này, định khi có điều kiện sẽ phục chế làm chứng tích lịch sử. Tuy nhiên, nhiều người trong công ty lại muốn bán một phần số phế liệu đó để “lấy tiền làm vốn cho công ty và nộp cho ngân sách địa phương”.
UBND thị xã Kon Tum đã đồng ý chuyện này. Ông Thiện nhận định, mình đã bị "cài bẫy" đúng thời điểm kho phế liệu bị "xẻ thịt". Bởi nếu còn công tác, chắc chắn ông sẽ lên tiếng phản đối.
Người đàn ông này tâm sự, những ngày mới ra tù, sức khỏe của ông kiệt quệ. Không chỉ gánh chịu sự mệt mỏi về thể xác mà lớn hơn, ông còn mất tất cả.
Bị bắt giam đồng nghĩa với việc bị đình chỉ công tác. Sau đó không lâu, UBND thị xã Kon Tum ra quyết định buộc ông thôi việc. Mọi quyền lợi mất hết, quá trình công tác cũ không được ghi nhận, danh dự nhân phẩm cũng sứt mẻ.
Vì bản án không rõ ràng cách đây 26 năm, ông Thiện từ một Phó trưởng phòng trở thành một người mang tội tham ô. Cuộc sống bị xáo trộn, người hiểu rõ mọi chuyện còn tỏ vẻ cảm thông, những người không biết thì dè bỉu. Đến thời điểm này, sau 26 năm, ông Thiện cho rằng chỉ mong có thể nghe một câu trả lời thích đáng từ các cơ quan chức năng, để vụ án về ông được sáng tỏ.