Tết Nguyên đán Tân Sửu đến gần, phố xá tấp nập, dòng người ngược xuôi đi về. Ai ai cũng gấp gáp tăng ca thêm giờ, giải quyết những công việc tồn đọng cuối năm. Trái ngược với sự tấp nập đó là cảnh buồn hiu của những người lao động nghèo đang tập trung bên vỉa hè, góc phố tại thành phố Vinh (Nghệ An).
Điểm đầu cầu kênh Bắc (đường Hà Huy Tập giao Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Sỹ Sách) có tới hơn chục người lao động tự do chủ yếu là phụ nữ. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, người gần cũng có, người ở ngoại thành, có người ở các huyện ven đô, tất cả có chung một hy vọng sẽ tìm được việc gì đó để làm.
Ngồi trên chiếc xe máy, chị Lê Thị Mai (35 tuổi) đã 2 ngày không kiếm được việc làm buồn bã chia sẻ “Ngày nào, chúng tôi cũng đến từ sáng đến tối đen mới về. Buổi trưa ăn tạm gì đấy cho qua bữa, nhưng việc làm bấp bênh lắm thi thoảng 2-3 hôm mới có người gọi đi làm.”.
Những bữa cơm trưa có khi là ổ mì đã lạnh ngắt, ỉu xìu cất từ hôm trước ăn dở. Có người thì mang theo chiếc cặp lồng đưa cơm nấu từ đêm qua hâm hội và it rau dưa, cà muối mang đi ăn chứ không ai dám đi ăn cơm bụi ngoài quán.
|
Những người lao động nghèo tập trung, đứng đợi việc ở TP Vinh |
Mọi người co ro bên đống lửa được đốt lên hong cho đỡ lạnh giữa thời tiết không khí lạnh tăng cường về. Họ ngồi đó thấp thỏm với mong mỏi sẽ có người đến thuê đi làm việc, với bất cứ việc gì như bốc vác, dọn dẹp nhà, làm phụ hồ… Lâu lâu mới thấy một người dừng lại ngó nghiêng hỏi giá, mọi người đều ùa ra.
Nhưng chỉ có một vài người may mắn, vội vã lên xe đạp chạy theo để đến nơi làm việc. Tuy là phụ nữ nhưng họ là những con người đa năng, thành thạo đủ nghề, ai thuê gì cũng đáp ứng được, từ dọn nhà cho tới khuân vác nặng nhọc.
Lớn tuổi nhất là bác Nguyễn Thị Hoa, bác cho biết công việc của bác và những người lao động nghèo ở “chợ lao động” này: “Tôi quê ở Nam Đàn, ra TP Vinh kiếm sống từ thời còn trẻ. Tôi và tất cả mọi người ở đây việc gì cũng có thể làm được, ai kêu gì làm đấy. Tết đã cận kề rồi, việc không có, cũng không biết làm sao có tiền để trang trải cuộc sống gia đình.”.
Thu nhập của những những người lao động nghèo tính theo ngày, theo công việc mà họ được thuê. Có những ngày sáng sớm từ nhà lên không có việc đành phải ngậm ngùi đi về, nhưng cũng có những ngày thu nhập 200-300 nghìn đồng. Cuộc sống không ổn định, bấp bênh nhưng họ vẫn phải ra đứng đường chờ việc vì không có sự lựa chọn nào tốt hơn.
“Thu nhập ngày có ngày không, dù chi tiêu đã dè sẻn hết mức, đến mua bộ quần áo cho con trai tôi cũng phải cân nhắc, lúc nào cũng rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Tết về rồi, chỉ mong ước có nhiều người thuê đi làm, đủ tiền mua cho con bộ quần áo mới.”, bác Nguyễn Văn Đông buông tiếng thở dài.
Dưới cái lạnh “cắt da cắt thịt”, những người lao động nghèo như chị Mai, bác Hoa, bác Đông vẫn đang bươn chải trên từng góc phố, ngóng trông việc làm dù có khó khăn, cực nhọc thế nào. Thế nhưng, những ngày cuối năm, cũng không có việc gì nhiều. Công việc bấp bênh, nguồn thu hạn chế, những ngày xuân đủ đầy cho gia đình thực sự đang lơ lửng trước mắt họ. Những ngày giáp Tết hơn ai ai cũng mong muốn rảnh rỗi đề về dọn dẹp căn nhà của mình, nhưng những ngày đó nhu cầu dọn dẹp mới nhiều nên có khi họ trở về khi đèn đường đã lên tự bao giờ.
Chẳng mấy nữa thôi, mai đào sẽ lại nở rộ, ngập tràn khắp phố phường. Nhà nhà lại sửa soạn, trang hoàng đón năm mới, với nồi bánh chưng xanh thơm vị nếp bên bếp lửa bập bùng, với tiếng pháo giao thừa. Còn với những người lao động nghèo ở "chợ lao động”, sau 1 năm bươn chải, mưu sinh ở ngoài, xuân đến với họ muộn hơn…