Sống ổn nhờ có nghề trong tay

(PLVN) - Đó là câu chuyện của anh Phạm Văn Thắng, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Tốt nghiệp lớp 12, không theo học tiếp lên đại học, anh Thắng tham gia nghĩa vụ quân sự, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Thắng được ưu tiên lựa chọn nghề học theo sở thích cá nhân và được miễn học phí.
Đươcj đào tạo nghề giúp nhiều người vững vàng trong cuộc sống.
Đươcj đào tạo nghề giúp nhiều người vững vàng trong cuộc sống.

Từ nguyện vọng của gia đình và khả năng của bản thân, anh Thắng chọn học lớp trung cấp xây dựng tại trường Cao đẳng nghề Hà Nam. Sau 2 năm học và thực tập nghề, anh Thắng được công nhận tốt nghiệp với tay nghề bậc 3. Ra trường, anh Thắng quyết định tự thành lập đội xây dựng với khoảng 10 người do mình đứng đầu, chuyên nhận các công trình xây dựng nhà ở dân dụng và xây dựng nhà xưởng cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Qua công tác học nghề và chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, tôi thấy rất hiệu quả. Đây là chính sách giúp cho những người như chúng tôi và những bạn trẻ yên tâm tham gia nghĩa vụ quân sự trở về và có việc làm, thu nhập ổn định”, anh Thắng chia sẻ với truyền thông.

Tháng 8/2020, Hội Nông dân xã Đồng Hóa, Kim Bảng, Hà Nam tổ chức lớp dạy nghề nuôi và phòng bệnh cho gà cho 25 học viên nông dân. Đây đều là những nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại các dự án và lao động thuộc các gia đình chính sách trong xã. Lớp học do Trung tâm Khuyến nông Sở NN-PTNN tỉnh Hà Nam, tổ chức khai giảng.

Ông Tô Hiệu Cẩn là một trong số 25 học viên đang tham gia lớp học. Ông Cẩn cho biết, dù đã từng chăn nuôi gia cầm khá lâu, nhưng có những kiến thức đến giờ ông mới biết. Ví dụ như cách sử dụng thuốc thú y đúng cách; cách chọn giống, lai giống với gà sinh sản; hay như cách tổ chức sản xuất; maketing sản phẩm... kết nối tiêu thụ sản phẩm với thị trường…

Chị Nguyễn Thị Hiền là một trong 25 học viên của lớp may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bảng, Hà Nam mở. Trước đây, chị Hiền chỉ làm nông nghiệp nên cuộc sống khó khăn. Chị và các lao động khác được chính quyền địa phương dạy nghề, tạo việc làm cho thu nhập ổn định.

“Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề may, tôi được giới thiệu vào làm nghề cho một công ty may của Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn. Hiện giờ, với thu nhập trung bình mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng, tôi đủ chi phí lo cho các con đi học và để dành một ít để tích lũy”, chị Hiền chia sẻ….

10 năm, trên 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề

Tháng 11/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009. Hơn 10 năm qua, nhiều địa phương đã có cách làm hay, thiết thực, cơ bản đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2019, trên 9,6 triệu LĐNT đã được học nghề các trình độ; trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80%.

Đào tạo nghề nông thôn.
Đào tạo nghề nông thôn. 

Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Qua những câu chuyện như của anh Thắng, ông Cẩn, chị Hiền có thể thấy, qua hơn 10 năm thực hiện Đề án 1956, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề cho LĐNT có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người sau học nghề tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Người học cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.

Tỉnh Hà Nam hiện có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, thêu ren, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thú y, trồng cây nông nghiệp chất lượng cao, nghề chăn nuôi.

Năm 2019 toàn tỉnh có 3.850 lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ có việc làm đạt từ 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh được nâng lên 67%, trong đó lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp đạt 53%. Điều đáng nói, sau khi học nghề, có trên 1.000 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, gần 200 lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hơn 1.000 lao động tự tạo việc làm, 50 người đã thành lập được tổ hợp tác.

Đặc biệt, đã có 22 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo sau 1 năm học nghề, gần 2.000 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá...

Cùng tư duy, cùng chung tay để thoát nghèo

Bên cạnh những thành công thì thực tiễn cũng cho thấy công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT chưa được coi trọng đúng mức; nhiều bộ, ngành, địa phương, cán bộ và xã hội nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho LĐNT, coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh, có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và hệ thống; hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa tốt…

Đơn cử như câu chuyện một xã có tới 600 lao động đăng ký học nghề… hoạn lợn đã từng được nhắc đến tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn diễn ra tháng 3/2017.

Khi đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đánh giá rằng  việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua gặp nhiều vướng mắc, từ trung ương đến địa phương. Hai ngành LĐ-TB&XH và NN&PTNT vẫn lúng túng, chưa xác định được việc nào thì ngành nào làm, cộng thêm một số vướng mắc khác về vốn, cơ chế chính sách nên hiệu quả đào tạo nghề vẫn chưa cao.

“Việc học nghề của lao động nông thôn thời gian qua có một số nơi vẫn chỉ là đánh trống ghi tên, ghi tên để lĩnh tiền chế độ. Vì thế mới có chuyện một xã mà có tới 600 lao động đăng ký ghi tên học nghề… hoạn lợn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu. 

Cùng với các nguyên nhân chủ quan, các nguyên nhân khách quan cũng khiến kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp khó. Theo kế hoạch năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đặt chỉ tiêu đào tạo 1,68 triệu LĐNT được học sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua 6 tháng đầu năm 2020, cả nước chỉ đào tạo được trên 700.000 LĐNT trình độ sơ cấp và trình độ nghề nghiệp khác...

Được biết, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp mới đây cũng đề nghị các địa phương và cơ sở GDNN trong giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng việc đào tạo lại cho người lao động, đào tạo nâng cao kiến thức phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động xây dựng nông thôn mới tương ứng với những thay đổi của công nghệ và chuyển đổi số. 

Trước mắt cần tập trung tăng cường công tác tuyển sinh, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú ý dành cho các đối tượng lao động nông thôn bị mất việc làm, kể cả các lao động ở các nhà máy, xí nghiệp bị nghỉ việc tạm thời, trong đó cần nâng cao đào tạo kiến thức kỹ năng cho các đối tượng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như tác động kép của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lao động người khuyết tật.

Tăng cường việc kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tránh đề xảy ra những sai phạm trong quá trình đào tạo… 

Đọc thêm