Cơ sở lưu trú treo sao “chui“ để “móc túi” khách hàng

(PLO) - Ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) đã nhận định như vậy khi nói về thực trạng nhiều cơ sở lưu trú đang “móc túi” du khách qua việc gian dối sao, hạng dù đã bị xử phạt.
Mức độ tiện nghi là một trong những tiêu chí để xếp sao cho khách sạn

Không chỉ bị xử lý khi cung cấp dịch vụ không cân xứng với nội dung giới thiệu, quảng cáo, một số khách sạn còn tự ý treo sao khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch công nhận, xếp hạng.

Không chỉ gian mà còn nhận xằng

Như PLVN đã thông tin, trong số 6 khách sạn bị Tổng cục Du lịch thu hồi sao vừa qua thì tỉnh Quảng Ninh đã có 3 khách sạn là: Hạ Long Pearl, Asean Hạ Long, Starcity Halong Bay. Đến thời điểm hiện tại, các khách sạn nói trên chưa hề được cấp lại quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú, nhưng khi liên lạc vào số máy bàn quầy lễ tân của các đơn vị kinh doanh này thì được trả lời đơn giá vẫn như cũ, không có gì thay đổi. 

“Nếu có tình trạng này thì khách du lịch đã bị cơ sở lưu trú “móc túi” một cách khá nhẹ nhàng. Bởi thực tế, giá phòng khách sạn ở Quảng Ninh loại 3 sao, phòng hạng trung bình sẽ từ 550.000 đồng - 800.000 đồng; phòng VIP giá từ 800.000 đồng - 1.500.000 đồng. Loại 4 sao, phòng trung bình giá từ 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng; phòng VIP từ 2.000.000đồng - 2.500.000 đồng. Nhìn con  số này có thể thấy nếu cơ sở lưu trú không trung thực sao hạng thì du khách có thể bị mất 1 triệu đồng/phòng do chênh lệch giữa 3 sao với 4 sao”, đại diện một công ty du lịch cho biết.

Ngoài việc các khách sạn bị thu hồi sao nhưng vẫn treo biển và thu tiền dịch  vụ như thường, không ít khách sạn còn tự “phong” và treo sao cho cơ sở lưu trú của mình khi chưa được công nhận. Điển hình như Khách sạn Quang Trung (Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mới đây đã bị Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa xử phạt 36 triệu đồng vì đã tự ý treo biển khách sạn 3 sao khi chưa được công nhận hạng và không niêm yết giá cả dịch vụ hàng hóa. 

“Đánh du kích”

Trao đổi với phóng viên về thực trạng nói trên, ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) thừa nhận tình trạng các khách sạn vi phạm tự ý nhận và treo sao, như trường hợp của Khách sạn Quang Trung (Thanh Hóa) không phải là cá biệt.

“Hiện tượng này xảy ra thường xuyên, ở nhiều tỉnh, đặc biệt là những thành phố lớn có nhiều khách như: Hà Nội, TP HCM,… Thanh tra phạt nhiều rồi, nhưng những khách sạn này rất tinh vi, làm rất nhanh. Những cơ sở này chỉ chờ có cơ hội là treo sao lên một chốc rồi lại cất đi, kiểu “đánh du kích”. Tôi nói ngay như ở Hà Nội, cứ có khách đến họ lại dựng lên, hết khách lại bỏ xuống. Thanh tra đi kiểm tra cũng khó mà phát hiện được, nên bắt cũng khó”, Vụ trưởng Thanh dẫn chứng.

Được biết, việc cấp sao chỉ có thời hạn là 3 năm, nếu trong thời gian đó cơ sở lưu trú không đạt tiêu  chuẩn thì sẽ thu hồi. “Hiện giờ, chúng tôi chỉ mới thu hồi quyết định hạng sao, đó là thu hồi quyết định đã công nhận. Phía Tổng cục Du lịch cũng có văn bản yêu cầu trong vòng 6 tháng, phải chủ động nâng cấp để đạt yêu cầu, nếu không làm được mới hạ hẳn sao, chứ không hạ sao ngay sau khi kiểm tra”, ông Thanh nói thêm. 

Theo quy định, khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao tương ứng với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng phục vụ về ăn, nghỉ, sinh hoạt, giải trí theo tiêu chuẩn của từng hạng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, nếu khách sạn nào không đủ tiêu chuẩn thì phải hạ hạng đúng theo luật định, và khi nào đủ tiêu chuẩn thì lại cấp lại. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm như tự ý treo, nhận sao không đúng với thực tế hay bị thu hồi sao rồi mà vẫn tự ý treo biển và thu tiền như bình thường thì sẽ phạt theo quy định. 

Khi được hỏi về biện pháp hạn chế tình trạng trên, Vụ trưởng Khách sạn khẳng định: “Hiện nay, ngành du lịch chưa có biện pháp nào đối phó với tình trạng các khách sạn tự nhận và treo sao chui, lừa khách như thế. Các cơ quan phụ trách chỉ có thể chấn chỉnh bằng cách tăng cường, thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát để xử phạt”.

Chênh lệch giá bao nhiêu giữa 3 và 4 sao?

“Nếu có tình trạng này thì khách du lịch đã bị cơ sở lưu trú “móc túi” một cách khá nhẹ nhàng. Bởi thực tế, giá phòng khách sạn ở Quảng Ninh loại 3 sao, phòng hạng trung bình sẽ từ 550.000 đồng - 800.000 đồng/phòng; phòng VIP giá từ 800.000 đồng - 1.500.000 đồng/phòng. Loại 4 sao, phòng trung bình giá từ 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng/phòng; phòng VIP từ 2.000.000đồng - 2.500.000 đồng/phòng. Nhìn con  số này có thể thấy nếu cơ sở lưu trú không trung thực sao hạng, du khách có thể bị mất 1 triệu đồng/phòng do chênh lệch giữa 3 sao với 4 sao”, đại diện một công ty kinh doanh du lịch cho biết.

Phạt nhiều nhưng khách sạn rất  tinh vi!

“Hiện tượng này xảy ra thường xuyên, ở nhiều tỉnh, đặc biệt là những thành phố lớn có nhiều khách như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… Thanh tra phạt nhiều rồi, nhưng những khách sạn này rất tinh vi, làm rất nhanh. Những cơ sở này chỉ chờ có cơ hội là treo sao lên một chốc rồi lại cất đi, kiểu “đánh du kích”. Tôi nói ngay như ở Hà Nội, cứ có khách đến họ lại dựng lên, hết khách lại bỏ xuống. Thanh tra đi kiểm tra cũng khó mà phát hiện được, nên bắt cũng khó”, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh.

Đọc thêm