Thành nhà thơ vì cảm phục lính biển
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1986, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không phải là nhà thơ, không tham gia câu lạc bộ thơ nào và cũng chưa qua một trường lớp sáng tác. Chị chỉ là thợ cắt tóc bình thường ở quê nhà. Sau khi học hết trung học phổ thông, chị làm nghề cắt tóc, lấy chồng rồi sinh con. Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, sau đó lại cho tàu đâm va vào tàu của ta khiến người dân cả nước vô cùng bất bình. Trong niềm sục sôi chung ấy, cảm phục những gian khổ, hy sinh mà các chiến sĩ hải quân phải đối mặt, người thợ cắt tóc bỗng thành nhà thơ khi cho ra đời hàng chục tác phẩm ngợi ca, động viên tinh thần người lính biển.
“Xem ra anh lính biển Đông/ Rất là tài giỏi lại trồng cả cây/ Nào đu đủ lại sắn dây/ Chuối mời cả nải, dừa mời cả cây/ Ai đi ra đến nơi đây/ Ăn mà không hết nhớ rây phần về”. Mỗi bài thơ chị sáng tác rất nhanh, chỉ trong năm, mười phút. Vì vậy mà có khi trong một ngày, chị viết được vài bài. Cứ có thời gian rảnh là chị làm thơ, nhiều khi đang sáng tác thì khách đến cắt tóc, chị tạm dừng để phục vụ khách, xong việc chị lại tiếp tục mạch thơ của mình…
Vì thế mà trong mấy tháng, tuy thời gian rảnh rỗi không nhiều nhưng người thợ cắt tóc này đã kịp cho ra đời gần trăm bài thơ. Có bài chỉ vài dòng, nhưng có những bài mấy chục câu. Chị viết về những thiếu thốn của người lính, hay tâm trạng của cha mẹ già ngóng tin con nơi hải đảo… Thơ của chị không trau chuốt nhiều về câu từ, đôi khi còn “vấp”, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều chứa chan xúc cảm. Hình ảnh trong thơ chị Thủy sinh động đến nỗi có người hỏi rằng: “Chồng chị là lính biển hay sao mà chị biết rõ thế?”. Chị chỉ cười: “Chồng mình là công nhân thôi”.
Viết xong, chị đăng lên mạng xã hội cho mọi người cùng đọc, cùng cảm nhận và nhận xét. Độc giả của chị ở khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có rất nhiều người là lính biển. Họ hân hoan đồng cảm, rồi từ đó ra đời những màn đối đáp thơ giữa những người lính biển và cô thợ cắt tóc…
|
Chị dạy con biết yêu biển đảo từ khi còn nhỏ. |
Những lời tâm tình khiến chồng "phát ghen"
Trong màn đối đáp, có khi người thợ cắt tóc ấy hóa thành một cô gái có người yêu là lính biển với lời nhắn nhủ rằng: “Em sẽ đợi khi bình yên sóng gió/ Ngày giặc về ngày ta kết phu thê… Em đã yêu người yêu là lính biển/ Nên hiểu lòng lính biển lắm anh ơi” “Gửi anh” – bài thơ đáp lại bài “Tiếng biển có còn không?” của một người lính biển Trường Sa).
Thấy vợ suốt ngày “thơ thơ thẩn thẩn”, lại là những bài thể hiện tình yêu nam nữ nên không ít lần chồng chị Thủy hiểu lầm vợ rồi ghen tuông bóng gió. Anh nghi hoặc: “Phải chăng vợ mình đang ngoại tình?”. Thế nên mỗi bài thơ chị viết xong anh đều giằng lấy để đọc trước. Anh vào trang cá nhân của vợ trên mạng xã hội facebook để theo dõi. Anh chăm chú đọc từng bình luận của bạn bè để tìm “manh mối”. Chị kể: “Anh cứ chỉ vào bài thơ rồi hỏi như thế là thế nào? Ai là anh, ai là em, từ bao giờ, ở đâu… Mình giải thích mãi anh không nghe. Dần dần thì anh ấy cũng quen rồi. Đến giờ chồng còn trêu rằng may là em lấy anh, chứ lấy người khác chắc họ bảo em bị hâm”.
Từ khi học lớp 6, chị Thủy đã bắt đầu sáng tác thơ. Bài thơ đầu tay của chị có nhan đề “Tuổi thơ trong mắt em”. Trong gia đình, ngoài chị, không ai có thiên hướng nghệ thuật. Thích thơ từ bé nên qua sự kiện biển Đông vừa rồi, tình yêu thơ lại trỗi dậy thôi thúc giúp chị làm thơ tặng các chiến sĩ. Chị bày tỏ suy nghĩ của mình: “Lính đảo khổ lắm ai ơi/Ngày dài sóng nước, đời dài lênh đênh/Từng cơn gió thổi chênh vênh/Có người cha mất, nhìn quê vái bờ/Có vợ mà phải thờ ơ/Ngày sinh con, vẫn đảo xa nhớ nhà/Con từ đỏ hỏn lên ba/ Cha về ngày phép, gọi cha... ngượng mồm”(Ca dao lính đảo).
Với tình yêu của mình dành cho lính đảo, qua những bài thơ, chị Thủy đã truyền tình yêu quê hương, đất nước cho ba đứa con nhỏ. Chị dạy con biết về màu cờ Tổ quốc, kể cho con nghe những hy sinh, những việc làm phi thường của người lính nơi đầu sóng ngọn gió để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ. Các con chị Thủy tuy còn rất nhỏ nhưng ước mơ của bé nào cũng là sau này lớn lên sẽ là người có ích cho đất nước.