Cổ tích trong… bóng tối
5 năm trước, đám cưới của anh Phạm Xuân Trường (SN 1975, ở Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội), lúc đó là giáo viên Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù (Trung tâm ĐT- PHCNCNM) và chị Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức tại Hà Nội. Mọi người chúc mừng hạnh phúc song cũng ái ngại cho cuộc sống của đôi vợ chồng mù. Nhưng khi con gái được 1 tuổi, không chỉ tự chăm lo gia đình, Trường và Việt Anh còn thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia, chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý công.
Anh chị là những người khiếm thị Việt Nam đầu tiên học chương trình thạc sĩ ở Học viện Hành chính Quốc gia. Học viện cách nhà 6km, để tiết kiệm, anh chị chỉ nhờ một xe ôm đưa đi, đón về. Gần 3 năm, tối thứ sáu, ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, anh chị đều đặn tới lớp. Không thể kể hết những lần anh chị “sứt đầu, mẻ trán” vì lên lớp vội vàng sau giờ tan tầm. Nhưng về sau, họ được mọi người chú ý giúp đỡ nhiều hơn. Xe ôm được tạo điều kiện chạy thẳng tới cửa lớp. Bạn bè, thầy cô thấy họ loay hoay đã dắt họ lên lớp.
Để tiếp thu bài giảng, Trường - Việt Anh đã rèn luyện thuần thục kỹ năng viết tắt chữ nổi và sử dụng máy tính. Mười đầu ngón tay của cả hai vợ chồng đều lướt trên bàn phím máy tính rất nhanh và chính xác. Họ phân công nhau: Hôm nay vợ dùng máy tính ghi bài thì chồng dùng tay ghi bằng chữ nổi; ngày mai chồng dùng máy tính ghi bài thì vợ lại dùng tay ghi bằng chữ nổi. Về nhà, nhờ phần mềm đọc màn hình, đọc lại bài trên máy tính và dùng tay sờ đọc lại bài bằng chữ nổi, anh chị đối chiếu và hoàn chỉnh bài học.
Nhiều đêm, cơm nước xong, ru con ngủ, anh chị mang bài ra học, nghiên cứu, trao đổi đến 1-2 giờ sáng. Khi nhận đề tài viết luận văn tốt nghiệp, mỗi người thu thập tài liệu, số liệu riêng, góp ý cho nhau và sửa chữa theo hướng dẫn của thầy cô qua Internet.
Luận văn của Trường là “Quản lý nhà nước về việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay”. Luận văn của Việt Anh là “Quản lý nhà nước về giáo dục cho người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay”. Cả hai luận văn đều được Hội đồng Khoa học của Học viện nhận xét tốt và đạt điểm gần tuyệt đối, có giá trị thực tiễn, có ý nghĩa nhân văn...
Ảnh cưới của cặp vợ chồng Phạm Xuân Trường. |
Ba anh em mù bán máu học đại học
Năm 1965, ông Phạm Xuân Sang nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Đường 9 Nam Lào gần 10 năm. Hòa bình, ông cưới bà Nguyễn Thị Lợi mà không hề biết mình đã nhiễm chất độc da cam. Trong 5 người con của ông bà thì 2 con trai đầu Phạm Xuân Trường, Phạm Văn Sơn và con gái Phạm Thị Hồng đều bị mù từ nhỏ. Những cái tên Trường, Sơn, Hồng gợi nhớ những năm tháng hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, song cũng để lại trong ông bà nỗi đau tột cùng.
Ngày ấy, ông bà cùng 5 người con mưu sinh chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng khoán, trong cảnh con mù, chồng ốm, vợ đau liên miên nên khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, điều khó tin là cả 5 anh em Trường đều tốt nghiệp đại học, trong đó Sơn đang theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành “Trợ giúp giáo dục đặc biệt” tại Nhật Bản; Hồng đang làm việc tại Hội Người mù Việt Nam... Cả 5 anh em đều đã có gia đình riêng hạnh phúc.
Tốt nghiệp THPT, Trường thi đỗ vào Sư phạm Văn. Học được một tháng, Trường bị thầy Hiệu trưởng gọi lên nói nhà trường không có điều kiện để giảng dạy cho người mù. Lòng tự trong bị tổn thương, anh bỏ về nhà, nhưng ý chí đã đưa anh trở lại trường. Anh gặp thầy Hiệu trưởng và hỏi: “Em phải làm gì để được đi học?”. Sau nhiều lần đấu tranh quyết liệt, anh lại được đến giảng đường.
Với học lực của mình, anh thuộc diện nhận học bổng 180 ngàn đồng/tháng (có ba mức học bổng những năm 90 là 120 ngàn, 180 ngàn và 240 ngàn) nhưng không hiểu vì lý do gì anh không được nhận. Thậm chí, năm thứ nhất anh được miễn học phí vì gia đình khó khăn, nhưng tới năm thứ 2 khi có chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm, anh lại bị truy thu học phí năm thứ nhất với lý do anh đã có chế độ của người mù. Để có tiền trang trải học phí cho 2 anh em cùng học đại học không phải là điều dễ dàng với gia đình.
Ba người con lớn Trường, Sơn, Hồng (lúc đó đang học cấp ba) bàn nhau tới lui nhưng không có cách gì để kiếm tiền và cũng không đành lòng để bố mẹ bán những món đồ cuối cùng trong nhà. Không hẹn mà gặp, sáng đó, Trường tới Viện Huyết học bán máu thì gặp cậu em tới sớm hơn, bán máu xong và đi ra. Cô em gái ở nhà cũng lẳng lặng ra Bệnh viện Hà Tây bán máu…
“Gác” hạnh phúc riêng 10 năm để lo cho các em
Đinh Việt Anh (SN 1978, ở Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh) lại khác, con đường học hành của chị thuận lợi hơn anh Trường. Chị bị mù khi mới 3 tuổi. Bố, mẹ chị đều là giáo viên. Với tư chất thông minh, có năng khiếu học ngoại ngữ, chị được học cùng các bạn sáng mắt và năm nào cũng được khen thưởng về thành tích học tập. Chị từng là học sinh giỏi toàn miền Bắc.
Trường và Việt Anh gặp nhau năm 2000 tại Trung tâm Phục hồi chức năng Hội Người mù và tình yêu giữa họ bắt đầu từ đó. Chị còn ở Hà Tĩnh nhưng khoảng cách không làm tình cảm của họ nhạt nhòa, ngược lại tình yêu vẫn lớn lên theo thời gian khi cả hai cùng không ngừng học, mở rộng tri thức của mình. Thế nhưng, bố mẹ hai bên dù không ngăn cản nhưng đều lo lắng.
Họ thông qua các em của Trường và Việt Anh để nhắc nhở về những khó khăn khi cả hai bị mù. Trường quyết định gác lại chuyện cưới xin của mình để lo cho các em. Sau khi lo hoàn tất chuyện gia đình cho 4 em, năm 2009 sau 10 năm yêu nhau Trường và Việt Anh mới tổ chức cưới.
Trường kể, vợ chồng anh ham học, ham làm nên tới tận ngày sinh nở họ vẫn cố hoàn thành công việc rồi mới tới bệnh viện… Niềm vui vỡ òa khi anh được bồng bé Hà Anh đầu tiên khi bé vừa cất tiếng khóc chào đời.
Hiện anh Trường là Phó Giám đốc Trung tâm ĐT- PHCNCNM, thành viên “Mạng lưới giáo viên dạy massage y học cho người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” (AMIN). Chị Việt Anh là Trưởng ban Công tác phụ nữ và trẻ em T.Ư Hội Người mù Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Đời Mới, thành viên Ban Công tác phụ nữ và trẻ em mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (WBUAP). Ngoài bằng cử nhân tiếng Anh, chị Việt Anh còn thông thạo tiếng Nhật, tiếng Pháp...
Anh chị đang sống tại Kí túc xá của Trung tâm ĐT- PHCNCNM (Cầu Giấy - Hà Nội), với mức lương hai vợ chồng 7-8 triệu đồng/tháng. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh Trường bộc bạch, những thử thách lớn nhất đã qua rồi, anh chị sẽ thu xếp để làm nghiên cứu sinh…