Lá đơn cầu cứu xé lòng được chị Nguyễn Thị Bình (thôn Trung Thành, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) viết khi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Từ lúc biết căn bệnh của mình chỉ còn tính tháng tính ngày, niềm trăn trở ngổn ngang của chị là 2 đứa con còn quá thơ dại. Lá đơn cầu cứu chỉ vẻn vẹn chưa đầy 1 tờ giấy nhưng chị phải vật vã với cơn đau thức trọn 1 đêm mới có thể hoàn thành.
Cầm trên tay lá đơn cầu cứu, chúng tôi tìm đến túp lều tranh của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Bình. Túp lều đến 1 chiếc cửa lành lặn để đóng cũng không có, mà có lẽ chiếc cửa cũng dư thừa khi trong gia đình cũng không có lấy 1 thứ gì đáng giá. Trên chiếc giường, thân hình chị Bình chỉ còn trơ da bọc lấy xương. Theo người nhà cho biết: Trước khi đi điều trị, cơ thể chị nặng gần 35kg nhưng chỉ sau hơn 1 tháng người phụ nữ 27 tuổi chỉ còn chưa đầy 30kg.
Sự sống chỉ còn tính bằng ngày, chị Bình cầu mong xã hội thương lấy những đứa con mồ côi của chị |
Chỉ vừa tròn 27 tuổi nhưng cuộc đời của người mẹ trẻ này là một chuỗi bất hạnh kéo dài. Nỗi đau, niềm trăn trở ứ đầy trên đôi mắt sắp về với thế giới bên kia.
Đầu năm 2010, chị Nguyễn Thị Bình (SN 1987) lập gia đình với anh Võ Tá Quyền (SN 1981). Do bố anh Quyền đang bị ung thư giai đoạn cuối nên đám cưới chị Bình chỉ là một đĩa cau trầu được nhà trai mang sang đặt lễ. Chị vừa về làm dâu được 5 ngày thì bố chồng qua đời. Cũng trong năm đó, vợ chồng chị sinh được cháu trai là Võ Tá Việt Chính. Sinh xong, vợ chồng chị Bình đưa con trai vào Nam làm ăn sinh sống. Năm 2012, cháu thứ hai là Võ Tá Việt Sang ra đời trong niềm phấn khởi của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng bất hạnh thay, chỉ mấy tháng sau, tai ương và nước mắt liên tiếp ập xuống.
Tháng 10/2012, trong lần về quê, anh Quyền bị tai nạn nặng và được chẩn đoán là chấn thương sọ não. Người phụ nữ trẻ chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền cứu chữa cho chồng nhưng cũng chỉ có thể giữ được sự sống của chồng trong cảnh toàn thân bất động. Mọi chăm sóc cá nhân đều cần đến bàn tay của người khác. Thương cảnh đôi vợ chồng trẻ bất hạnh bà con hàng xóm ai cũng nhiệt tình cho vay mượn. Anh em họ hàng cũng cầm cố thế chấp những tài sản để mong cứu sống tính mạng cho anh Quyền.
Cũng trong thời gian chăm sóc chồng, chị Bình phát hiện mình bị viêm gan B và truyền sang cho 2 con trai. Nhưng hoàn cảnh quá bi đát lại thêm chồng cận kề cái chết nên chị cũng đành tặc lưỡi nhắm mắt cho qua. “Trong thâm tâm em chỉ mong sao các con đừng mồ côi, rồi dần dần tính chuyện đưa các cháu đi chữa, nào ngờ…”, chị Bình nghẹn ngào.
Cuối năm 2013, anh Quyền ra đi để lại cho chị Bình hai đứa con thơ và số nợ hơn 170 triệu đồng. Hôm anh Quyền mất, do trời mưa lớn không chuyển về nhà kịp thời, nên đành ra đi tại nơi đất khách.
Những đứa trẻ đã không còn bố, nay lại sắp mất luôn cả mẹ |
Hạnh phúc gia đình chị Bình chỉ vừa bắt đầu được 3 năm. Chưa một lần mặc chiếc áo cô dâu về nhà chồng thì chị Nguyễn Thị Bình đã trở thành góa phụ ở tuổi 26.
Đau đớn trước sự ra đi của người chồng, người phụ nữ trẻ gần như quỵ ngã. Chồng mất được 2 tháng thì những cơn đau bụng bắt đầu đến thường xuyên hơn. Ban đầu thì chóng mặt, buồn nôn sau quặn thắt khiến chị Bình mất ăn mất ngủ, cơ thể chị ngày một gầy yếu. “Khi đó em đau lắm, nhưng em mà đi khám thì mất tiền ăn của các cháu nên cứ cắn răng mà chịu. Khi nào đau quá thì ra ngoài quầy thuốc mua vài nghìn tiền thuốc giảm đau…” chị Bình thở dốc.
Đến thàng 3/2014, sức khỏe chị Bình ngày một yếu đi, đưa tay sờ ở vùng ổ bụng thì có phát hiện nổi nhiều cục hạch bên trong. Anh em họ hàng, cùng bà con lối xóm lại quyên góp tiền vội chở chị Bình đi cấp cứu. Sau khi chẩn đoán bác sĩ yêu cầu chị Bình phải mổ. Nhưng không có tiền. Một lần nữa chị đành xin thêm ít thuốc giảm đau rồi ôm căn bệnh về nhà. Sau 1 tuần thấy bệnh tình ngày càng nặng thêm, lúc này để đi lại chị Bình phải có 2 người dìu. Chị Bình quyết định vay mượn thêm 30 triệu để ra Hà Nội chữa trị.
Qua nhiều bệnh viện, chị Bình được chẩn đoán là bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Bàng hoàng trước cái chết báo trước, đến bây giờ chị vẫn không thể tin sự sống của mình chỉ còn tính bằng giờ bằng ngày.
Hai năm qua, chị Bình đã khóc hết nước mắt vì chồng vì con, giờ nước mắt để khóc cho số phận ngắn ngủi của mình cũng không còn. Chỉ có tiếng ho khô khốc bật ra từ miệng một cách khó nhọc.
“Bình là đứa đẹp gái nhất nhà, ai ngờ đâu cuộc đời nó phải đau khổ như thế này. Hồi trước khi cưới, gia đình Bình một mực phản đối nhưng nó một mực bảo mong muốn được chăm sóc cho chồng, sướng khổ sau ni nó chịu. Bình ăn ở như vậy mà tại sao ông trời bạc đãi với con dâu tôi quá…”, bà Hoàng Thị Miên (64 tuổi) - mẹ anh Quyền chua xót.
Kể từ khi bệnh viện trở về nhà, chị Bình hoàn toàn không cử động được. Không gian duy nhất là chiếc giường ọp ẹp của 3 mẹ con. Người thân trở chị phía nào thì chị nằm phía ấy. Nghe tiếng các con chơi đùa sau lưng, người mẹ trẻ cứ cố ngoái lại nhìn các con nhưng không đủ sức. “Các cháu còn nhỏ lắm, lại mang bệnh trong người. Nhiều lần cán bộ y tế khuyên đưa các cháu đi điều trị sớm tránh hậu quả lâu dài. Em muốn lắm, muốn các con phải khỏe mạnh nhưng bất lực. Nhìn các chàu gầy đi mà em nát ruột nát gan lắm. Giờ em mà ra đi các con em sống sao đây…”, sự xúc động khiến cơn đau bỗng đến đột ngột làm chị lả đi.
2 người chị gái ở gần vội vàng hòa chút thuốc đển đút chị Bình uống. Nhìn em gái vật vã với cơn đau, chị Nguyễn Thị Xuân nghẹn ngào: “Người ta đau thì tiêm móc-fin để giảm đau, chứ em tui thì phải uống thứ thuốc rẻ tiền nhất. Hồi trước bệnh nhẹ, chứ giờ bệnh nặng thuốc cũng không còn có tác dụng. Mỗi lần đau là vật vã nhìn xót lắm”.
Phía sau lưng chị, 2 đứa trẻ, đứa vừa tròn 4 tuổi, đứa mới chỉ lên 2, hồn nhiên chơi đùa bên cạnh mẹ. Người lớn nhìn vào không khỏi xót thương, ái ngại. Các em còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau, sự mất mát đang tiếp diễn bên cạnh các em và chắc rồi đó sẽ là nỗi đau còn kéo dài rất lâu…
Trước khi chúng tôi ra về người mẹ trẻ cố gắng lấy chút sức tàn kéo áo chúng tôi lay nhẹ “Xin hãy thương lấy các con tôi, xin hãy để các cháu sống khỏe mạnh như những đứa trẻ khác!”. Cả 2 em Chính và Sang đều mang trong người căn bệnh viêm gan B bẩm sinh do truyền từ mẹ sang. Do bệnh tật nên cơ thể các em khá chậm lớn, vàng vọt.
Chiều tắt, chúng tôi tạm biệt người mẹ trẻ ra về, không biết đây đã là lần cuối cùng chúng tôi gặp chị hay không? Chỉ mong sao chị có thể yên lòng trước khi ra đi…