Bác sĩ 3 lần hoãn cưới để ra Trường Sa nhận nhiệm vụ

(PLO) - Hiện nay vị bác sĩ đang làm Trạm trưởng Trạm Y tế Mễ Trì (Hà Nội) nhưng mỗi lần nhắc tới Trường Sa, ký ức về thời khó khăn mà ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp và thiêng liêng ấy lại sống dậy trong bác sĩ Trần Văn Phụng…

Bác sỹ Trần Văn Phụng: “Trường Sa luôn là một kí ức đẹp và thiêng liêng trong đời tôi”.
Bác sỹ Trần Văn Phụng: “Trường Sa luôn là một kí ức đẹp và thiêng liêng trong đời tôi”.
Sinh năm 1957 tại Ân Thi, Hưng Yên, tròn 18 tuổi ông Trần Văn Phụng lên đường nhập ngũ, từng tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau đó, ông thi đỗ Học viện Quân y. Năm 1988, ông nhận lệnh ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Mổ ruột thừa bằng dao lam, phẫu thuật tay bằng cưa sắt 
Thời gian công tác tại Trường Sa để lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong “đời bác sĩ” của ông Phụng. Ở đây, ông đã thực hiện ca mổ ruột thừa đầu tiên trong điều kiện tối thiểu nhất. 
Bác sĩ Phụng hồi tưởng: “Tôi ra đảo Trường Sa lớn nhận nhiệm vụ trên chuyến tàu đi tiếp viện. 13h30 tàu cập bến, vẫn còn say sóng thì tới 20h tôi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên là chiến sĩ Đinh Quang Thế. Qua chẩn đoán, tôi biết anh này đau ruột thừa, cần mổ gấp, nếu không sẽ vỡ ruột, tử vong. Nhưng đống thiết bị y tế hiện có trên đảo khi ấy hầu hết đã han gỉ do nhiễm mặn. Tôi phải lấy dao cạo râu của anh em cho vào luộc hấp. Đèn chiếu sáng cũng phải nhờ anh em lấy từ đèn ắc quy, đang mổ bất ngờ đèn tắt phụt. Đảo trưởng huy động 20 chiếc đèn pin rọi vào. Rất may là lúc đó các mạch máu đã được kẹp xong”.
Ca mổ phải thực hiện dưới hầm để tránh gió cát và muối táp vào người. Ông Phụng cho biết, dù là bác sỹ đa khoa nhưng nhờ “học mót” các thầy ở Học viện Quân y nên trong tình thế nguy nan, ông vẫn mạnh dạn phẫu thuật cho chiến sỹ Thế. Kết quả, sau 7 ngày cắt chỉ, 10 ngày nghỉ ngơi, bệnh nhân này hoàn toàn khỏe mạnh trở về đơn vị công tác. 
Khi vết mổ của chiến sĩ Thế chưa khô miệng, 4 ngày sau, bác sĩ Phụng lại tiến hành ca mổ ruột thừa thứ hai là chiến sĩ Lưu Văn Thông (Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Vẫn trong hầm, dưới ánh sáng của đèn ắc quy, bác sĩ Phụng phải cột chân tay bệnh nhân vào chân bàn vì không có thuốc tê giảm đau... Trong hơn một năm làm bác sĩ ở Trường Sa lớn, ông đã phải 5 lần mổ ruột thừa cho bệnh nhân cũng bằng cách đó. 
Ca bệnh nặng cuối cùng của ông ở Trường Sa Lớn là một chiến sỹ bị thương ở tay khi làm nhiệm vụ ném mìn. Cả bàn tay anh chiến sỹ chỉ còn trơ xương, máu ra nhiều. Không còn cách nào khác, ông phải quyết định cắt bỏ bàn tay của anh. Cưa quân y hoen gỉ, ông đành mượn cưa sắt luộc sạch sát trùng để thực hiện ca phẫu thuật. Bệnh nhân bị mất bàn tay nhưng cũng nhanh hồi phục và tiếp tục nhiệm vụ...
Bác sỹ Phụng (ngoài cùng bên phải) ở Trường Sa.
Bác sỹ Phụng (ngoài cùng bên phải) ở Trường Sa. 
“Sáng chế”… ống thụt
Còn một kỷ niệm đặc biệt mà không chiến sĩ nào thời đó có thể quên là việc bác sĩ Phụng sáng tạo ra chiếc ống thụt táo bón, trong lần thứ hai ông ra công tác tại đảo Sinh Tồn Đông. Thời ấy không có rau xanh, các chiến sĩ chủ yếu ăn thịt hộp, lương khô nên hầu như ai cũng bị táo bón. Nhiều chiến sĩ tâm sự với ông rằng, họ đọc hết một tờ báo mà vẫn chưa thể đi vệ sinh được… Thế là ý nghĩ “giải cứu” các chiến sĩ khỏi “nỗi buồn khó nói” thường trực trong lòng vị bác sỹ trẻ tận tâm. 
Ông nghĩ đến một cái ống thụt, nhưng giữa biển lấy đâu ra? Rồi một hôm, ông nhặt được chiếc phao cứu sinh của Philippines dạt vào, đem về cắt, khoan lỗ hình quả bầu, lấy van bếp khò (như van xe đạp bây giờ), làm thêm một cái dây dẫn, mỗi lần “áp dụng” lại cho 1 lít nước vào để trợ giúp các chiến sĩ. Nhờ cái ống thụt “có một không hai đó”, hơn một trăm chiến sĩ thoát “nỗi buồn”... Chiếc ống thụt sau này được lưu trong Phòng Truyền thống của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Quân chủng Hải quân.
3 lần cưới vợ “hụt” 
Vì nhiệm vụ của người lính, ông Phụng đã lỡ cưới 3 lần. Sau thời gian học tại Học viện Quân y, ông từng trọ ở Mễ Trì và gặp “một nửa” của mình. Cặp đôi 2 lần định tổ chức cưới nhưng đành hoãn vì ông được lệnh đi làm nhiệm vụ ở Đà Nẵng. 
Năm 1988, trên đường xuống Hải Phòng đưa thiếp cưới thì ông nhận quyết định ra Trường Sa. Biết tình hình căng thẳng ở ngoài khơi, ông nói với vợ sắp cưới: “Hoãn cưới để anh đi, có mệnh hệ gì một mình anh cũng nhẹ nhàng, thanh thản. Nếu anh không về được, em cũng không phải đợi anh”.  
Người phụ nữ 3 lần mặc áo cô dâu “hụt” bùi ngùi nhớ lại: “Lúc đó thực sự là không thể tả được nỗi buồn đến đâu. Vì chúng tôi cũng đã yêu nhau 4 năm, khắc khoải chờ đợi, đã dự định cưới 2 lần mà chưa làm được. Đến lúc chắc chắn  rồi thì anh lại có thông báo ra đảo, chưa biết sống, chết thế nào. Anh bảo tôi không chờ anh cũng được vì không biết có trở về hay không. Lúc đó, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta, chiến tranh Trường  Sa đang nổ ra. Dù vậy, tôi vẫn động viên anh ra đảo yên tâm công tác, tôi hứa chờ đến khi nào anh trở về”.
Còn bác sĩ Phụng giãi bày: “Tôi cũng băn khoăn, đắn đo vì nhiều lần định tổ chức cưới song chưa thực hiện được. Nhưng tôi là người lính, không được phép trì hoãn nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ đặc biệt, cao cả và thiêng liêng vì tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi quyết định hoãn cưới để yên tâm ra Trường Sa”. 
Hồi đó, thư từ Trường Sa về đất liền phải mất 6 tháng. Thời điểm ông Phụng ở Trường Sa, tin dữ liên tiếp báo về khi 64 chiến sỹ ngã xuống mà chưa biết cụ thể tên tuổi. Bố mẹ, người yêu ông liên tục “đứng tim”, căng thẳng. Nhưng may mắn, vì những lần mổ  ruột thừa thành công bằng… dao lam được báo, đài đưa tin như kể trên mà cả nhà biết tin ông còn sống.
Một năm sau đó, ông Phụng được về đất liền và lễ cưới nhanh chóng diễn ra giữa tháng 6 nóng bỏng. Thế nhưng, đôi vợ chồng trẻ mới kịp “bén hơi” nhau thì ông Phụng lại nhận lệnh ra đảo Sinh Tồn Đông. Vợ ông may mắn có bầu và người chồng ra đảo mà không biết vợ ở nhà sinh con trai hay gái.
“Ngày trở về (sau 18 tháng), tôi không cầm được nước mắt khi vợ bế con ra đón từ đầu ngõ. Cô ấy đã hy sinh cho tôi quá nhiều. Những ngày tôi công tác xa nhà, một mình cô ấy mang nặng đẻ đau, chăm con rồi chăm lo cho bố mẹ hai bên trong khi kinh tế eo hẹp” - bác sĩ Phụng xúc động nói.

Đọc thêm