Con công nhân "bé thiếu sữa, lớn thiếu trường"

(PLO) - Chính sách pháp luật ưu việt dành cho lao động nữ nuôi con nhỏ được doanh nghiệp và người lao động nữ đánh giá cao và đón nhận nhưng để thực thi lại là câu chuyện dài tập...
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Bé thiếu sữa, lớn thiếu trường
Công ty TNHH Pouchen thuộc Tập đoàn Pouchen chuyên về lĩnh vực sản xuất giày thể thao. Công ty có các nhà máy ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng số vốn gần 20.000 công nhân, trong đó Việt Nam có lao động nữ chiếm đa số khoảng 17.000 người và quá nửa trong số này đang ở độ tuổi sinh đẻ. 
Thực hiện chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, Công ty Pouchen đã lắp đặt một phòng vắt và trữ sữa, trang bị tủ lạnh, máy hút sữa, bình tiệt trùng để các bà mẹ có thể vắt và trữ sữa trong giờ giải lao. 
Với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Pouchen, công ty tại Việt Nam đã xây một nhà trẻ tiêu chuẩn với số vốn 3 triệu đô la nằm trong khuôn viên các nhà máy của công ty và miễn học phí cho con em công nhân.
Kể từ năm 2012 khi các phòng vắt và trữ sữa bắt đầu được vào thử nghiệm, đến tháng 8/2014 cũng mới chỉ có 70 phòng vắt và trữ sữa được lắp đặt tại 70 doanh nghiệp, đơn vị trên 23 tỉnh, thành ở Việt Nam.
Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung nhiều công nhân nữ, mặc dù nhu cầu gửi con rất lớn nhưng quy mô trường lớp mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu. Tỷ lệ công nhân có con trong độ tuổi mầm non chiếm gần 60%, độ tuổi dưới 3 tuổi chiếm 58,6%. 
Công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất phần lớn là dân nhập cư (47,1%) do các doanh nghiệp không đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân nên họ phải ở nhà trọ và không có điều kiện chăm sóc trẻ tại gia đình.
Trên đây vài chấm phá của bức tranh thực thi chính sách cho lao động nữ trong thực tế dựa trên những con số do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo cung cấp. Thực tế này cho thấy chính sách ưu việt dành cho lao động nữ được doanh nghiệp và người lao động nữ đánh giá cao, đón nhận nhưng để thực thi thì doanh nghiệp cần được hỗ trợ. 
Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để đầu tư như việc Công ty Pouchen đã làm.
Tiền lắp đặt cabin vắt sữa còn khó, lấy đâu tiền xây trường
Ngày 15/11 vừa qua Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ đã có hiệu lực. 3 chương, 13 điều của Nghị định tiếp tục bổ sung, cập nhật thêm một số chính sách mang tính đặc thù dành cho chị em mà lâu nay chưa hoặc ít được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. 
Nói về tinh thần Nghị định 85, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, Nghị định 85 được xây dựng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động, nhất là ở những ngành sử dụng động lao động nữ như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. 
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Lan Anh - đại diện Văn phòng Giới sử dụng Lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì trong Nghị định 85 có một số quy định khó thực hiện, đơn cử như quy định khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng trở lên được vắt, lưu trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. 
Đại diện một số lao động cho rằng, bố trí thời gian để chị em nghỉ vắt sữa cũng không phải là khó nhưng việc bỏ kinh phí để lắp đặt cabin vắt sữa có trị giá từ 800 – 1.200 USD/cabin lại là cả một vấn đề. 
Tương tự như vậy, hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho công nhân có con nhỏ và khuyến khích xây nhà trẻ, mẫu giáo là quy định cần thiết, đáp ứng bức thiết của chị em công nhân hiện nay. Nhưng xây dựng nhà trẻ gần khu công nghiệp cần chi phí lớn nên nhiều doanh nghiệp khả năng tài chính không cho phép. 
Vì vậy, họ cần có sự tiếp sức từ Nhà nước và xã hội để cùng thực hiện, theo bà Trần Thị Lan Anh.

Đọc thêm