Nhờ áp dụng cách khai thác đảm bảo hợp lý và bảo vệ nguồn lợi cá đồng nên năm nay người dân U Minh không chỉ được mùa mà còn trúng giá cá đồng.
Được mùa, trúng giá
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm này lượng nước ở các kênh, mương rút nhanh, các loại cá đồng gom vào các ao, đìa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở đây khai thác. Có rất nhiều cách để thu hoạch, nhưng người dân U Minh vẫn chuộng cách chụp lưới và tát đìa.
Bởi khai thác theo hai cách này, cá đồng có thể chọn lại khi chưa đạt yêu cầu để nuôi ở vụ tiếp theo.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tâm (ấp 11, xã Khánh Thuận, U Minh) cải tạo hơn 2000m2 mặt nước cho cá đồng tự nhiên trú ẩn. Ngoài ra, anh còn thả nuôi các loại cá đồng như: Cá rô, cá lốc và cá trê vàng…
Từ đó, số lượng cá anh khai thác được là rất lớn. Không chỉ trúng mùa, anh Tâm còn bán được cá với giá khá cao.
“Vụ này tôi thu hoạch được hơn 700kg cá đồng các loại, cá lốc (loại tốt), tôi cân cho thương lái 80 ngàn đồng/kg, cá rô loại lớn có giá 50 ngàn/kg, cá sặc cũng có giá từ 22 – 25/kg. Sau khi trừ đi chi phí vợ chồng tôi còn lãi hơn 30 triệu đồng. Có thể nói, việc trúng mùa cá đồng là chuyện bình thường ở rừng U Minh hạ này, nhưng giá cả thì năm nay có thể gọi là cao nhất”, anh Tâm phấn khởi chia sẻ.
Cùng là người nuôi và khai thác cá đồng khá lâu, anh Bùi Văn Giàn (ngụ xã Khánh Lâm, U Minh) cho biết: Vụ mùa năm nay anh chỉ mới chụp lưới hai ao cá, với diện tích khoảng 1000m2 mặt nước đã thu về hơn 15 triệu đồng.
Anh Giàn nói: “Những năm qua, nhờ khai thác và bảo vệ hợp lý nguồn cá đồng nên vụ cá nào tôi cũng trúng mùa. Năm nay giá cao hơn năm trước từ 10 – 15 ngàn đồng/kg cho cùng một loại cá nên đa phần người nuôi cá đồng đều có lợi nhuận cao nên người dân đều rất phấn khởi. Thấy cá có giá nên tôi để dành lại một số cá con và cá giống để sản xuất ở vụ tiếp theo”.
Tiếp chuyện phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Thới Hưng xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời hồ hởi nói: “Năm rồi, trước tết gia đình tôi chụp đìa đã được hơn 3 triệu đồng, đến tát đìa được thêm gần 6 triệu nữa. Năm nay, tuy gia đình tôi chưa thu hoạch nhưng chắc rằng sẽ mang lại lợi nhuận khá hơn năm trước vì giá cá đồng tăng cao hơn gấp nhiều lần”.
Theo người dân nơi đây, năm nay nước trong các lâm phần tương đối nhiều hơn các năm trước nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cá đồng sinh sản và phát triển; vụ cá đồng năm nay người dân sống trên lâm phần rừng tràm cũng thu về nguồn thu đáng kể.
Phân loại cá đồng. |
Hướng nào để cá đồng “vươn xa”?!
Mặc dù lượng cá đồng ở U Minh hạ có nhiều nhưng trên thị trường hiện nay mặt hàng cá đồng vẫn rơi vào tình trạng khan hiếm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá đồng các loại được người dân đem ra chợ bán rất ít và lượng cá mà các thương lái thu mua về bán lại cũng ít hơn mọi năm.
Bởi, lượng cá đồng của người dân sau khi khai thác không chỉ có thương lái trong huyện mà còn có các thương lái ngoài huyện và thậm chí ngoài tỉnh đến đặt hàng để thu mua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cá đồng tăng vọt.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại diện tích cá đồng của tỉnh này khoảng hơn 7.200ha, chủ yếu tập trung ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, nằm chung trên diện tích trồng lúa và rừng tràm.
Theo tình hình chung, tuy cá đồng là loại cá thu hoạch theo tự nhiên nên người dân không chủ động được năng suất, trong khi hiệu quả kinh tế của các cá khác (cá chình, cá bống tượng, cá thác lác cườm…) chẳng những cao hơn gấp nhiều lần, người dân còn chủ động được năng suất nên đã khiến diện tích nuôi cá đồng ngày một giảm dần.
Trước đây, các hộ dân ở những vùng ngọt hóa trong địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó có U Minh và Trần Văn Thời đã tận dụng diện tích ao, đìa quanh nhà để nuôi các loại cá đồng thì hiện nay họ đã chuyển sang nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao khác và có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời chủ động được năng suất.
Nguồn lợi cá đồng đã và đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá của của tỉnh và cả nước, cần được bảo vệ và phát triển trong thời gian tới.
Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ chính quyền địa phương cần vạch ra những hướng đi cụ thể cho con cá đồng để người dân có hướng đi đúng hơn và mở rộng diện tích. Đặc biệt, phải có chính sách khuyến khích người dân khai thác, bảo vệ nguồn lợi cá đồng một cách hợp lý.
Chưa hết, chính sách phù hợp cũng sẽ góp phần đảm bảo “đầu ra” ổn định. Có như thế, con cá đồng không chỉ là mặt hàng chủ lực trong nước mà còn có thể vươn xa hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế./.