Thanh về làm dâu nhà bà Hồng đã gần 20 năm. Con gái đầu lòng của cô đã 18 tuổi. Lâu nay, bà Hồng vẫn “có cảm tình” nhất với Thanh trong số 4 cô con dâu của bà, bởi không mấy khi bà nghe thấy Thanh to tiếng giữa chốn đông người. Khi cả nhà hội họp vui vẻ, mấy cô con dâu thi nhau nói oang oang khiến bà nhức cả đầu, thì cũng chỉ thấy Thanh ngồi cười, thi thoảng nói vài câu cho có chuyện.
Cũng chỉ vì khá ưng cái miệng ít nhời của con dâu, mà khi vợ chồng anh cả chuyển nhà vào Sài Gòn, bà đã chọn nhà “anh ba” – chồng Thanh – để an hưởng tuổi già. Những ngày sống cùng cô con dâu cả “chưa thấy người đã thấy tiếng”, bà Hồng nhiều lúc cầu mong tai mình bị điếc, có lẽ sẽ đỡ nhức đầu hơn.
Mỗi khi con dâu đi làm về, bà bị “tra tấn” bởi hàng loạt những câu hỏi ồn ã của nàng dâu trưởng. Nào là mẹ ăn gì chưa, mẹ ở nhà có chuyện gì không, rồi thì một loạt những câu chuyện trên trời dưới đất của cô suốt cả một ngày được rổn rảng kể lể từ lúc cô nàng bước chân về nhà cho đến khi ai vào phòng nấy đi ngủ. Khổ nỗi, chỉ mỗi bà Hồng cảm thấy lạc lõng, nhức đầu với chuyện của con dâu, trong khi đó, con trai bà và lũ cháu lại là những khán giả nhiệt tình trong cuộc hùng biện ngày nào qua ngày khác của “người lắm miệng”.
Khi đến nhà Thanh, bà như được sống trong một “thế giới khác”. Những tuần đầu tiên bà cảm thấy khá thoải mái khi không bị tra tấn đôi tai bởi những câu chuyện đẩu đâu của nàng dâu trưởng. Nhưng cảm giác ấy dần dần biến mất. Bà bắt đầu cảm thấy như thiếu vắng thứ gì đó khó gọi tên mà mãi về sau bà mới nhận ra.
Đến nhà Thanh ở, ngoại trừ những lúc đi về chào hỏi, và những khi có chuyện gì đó cần bàn bạc, bà mới thấy Thanh mở lời. Còn hiếm khi bà thấy Thanh nói những câu chuyện vu vơ, chuyện cơ quan, chuyện bạn bè.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Giờ bà mới nhận ra, bà đã quên với sự rộn ràng của nhà con dâu trưởng. Bà bắt đầu thấy khó chịu. Những bữa ăn diễn ra trong lặng lẽ chẳng ai nói chuyện với ai, đặc biệt là không khí tẻ lạnh sau bữa ăn khi ăn xong ai về phòng nấy, bỏ lại bà già quen ngủ muộn với nỗi trống trải, khiến bà cảm thấy mình như bị ghẻ lạnh. Thấy như bị coi thường, thiếu sự chăm sóc khi không được hỏi han, chia sẻ
Từ ngày sang nhà Thanh ở, bà cụ 80 suốt ngày sống trong “chiếc hộp ở lưng chừng trời” – căn hộ trong một chung cư cao tầng của Thanh theo cách gọi của bà – chỉ chờ mong con cháu về quây quần trong bữa ăn tối, vui vẻ chuyện trò, ấy vậy nhưng sự im lặng của con dâu khiến bà… phát ốm. Đã từng chứng kiến con dâu ngồi cười trong đám “vịt giời” cười nói om sòm, bà vốn nghĩ con dâu chỉ khiêm tốn, ý tứ khi ra ngoài, ai ngờ sự “khiêm tốn” này đã được sử dụng triệt để trong không khí đáng ra cần phải rất thoải mái của một gia đình. Và nó đã khiến bà cảm thấy hạnh phúc như bị “đóng băng”.
Tối tối, cơm nước xong, thằng con trai bà ngồi ôm cái máy tính, những đứa cháu ngồi học bài, cô con dâu lặng lẽ dọn dẹp bếp núc, bà Hồng ngồi bên cái TV mà thầm nghĩ: Giá không có nó mình… thiếu tiếng người.
Khốn khổ nhất là khi có khách ở quê lên chơi. Dù không đón tiếp bằng khuôn mặt u ám, nhưng sự kiệm lời của con dâu bà khiến ai nấy đều cảm nhận một không khí rất nặng nề. Con dâu bà sẵn sàng nhường phòng cho khách, tất tả chuẩn bị những bữa cơm thịnh soạn không hề nề hà, nhưng bà Hồng vẫn muối mặt khi khách ra về nói nhỏ vào tai bà: Hình như chị Thanh không được hiếu khách lắm, có phải chị coi thường khách nhà quê chúng tôi?
Đã không ít lần bà đánh tiếng với con trai, bà cũng nhận thấy sự cố gắng của con trai trong việc gợi chuyện cho vợ. Chính bản thân bà cũng đã ân cần hỏi han trò chuyện nhưng cô con dâu vẫn chỉ “vâng dạ!” rồi đâu lại vào đấy. Khổ nỗi, cô con dâu quá chu toàn trong việc chăm sóc chồng con, chăm sóc mẹ già. Những chiếc áo thơm tho phẳng lỳ con trai bà mặc, những bữa cơm nóng hổi thơm, ngôi nhà sạch như lau như ly… đều một tay Thanh đảm đương sau giờ đi làm về, không khiến bà động tay vào bất cứ việc gì dù rất nhỏ. Cô cũng chẳng một nửa lời hỗn hào, hay có thái độ xấc xược với mẹ chồng. Cái sự hoàn hảo đến tròn trịa trong cái vẻ lặng câm của con dâu khiến bà ngột ngạt đến tột độ.
Vốn không phải là một bà mẹ chồng nanh nọc, nhưng chính bà phải công nhận rằng thì chính cái sự kiệm lời của con dâu đã khiến bà đổ bệnh. Ngày bà nhập viện, bác sỹ cũng chẳng tìm nổi một khiếm khuyết nào về thể trạng, chỉ nói tại bà suy nghĩ nhiều quá, tại “bệnh người già”, chỉ cần an dưỡng nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái là bà sẽ khỏi.
Bà quyết rồi, ra viện, bà sẽ về quê ở. Bà cũng chẳng vào Nam theo cô con dâu suốt ngày nói cười rổn rảng, và nhất định, bà cũng sẽ chẳng trở lại ngôi nhà có cô con dâu nề nếp đến mức đếm được cả lời nói trong ngày với mẹ chồng. Bà sẽ đón Tết trong không khí thoáng đãng của làng quê, có tiếng gà gáy sáng, có tiếng nói cười, chào mời nhau nhộn nhịp trên đường làng.