Hoài niệm làng dệt chiếu truyền thống Cái Chanh, Cần Thơ: Nuối tiếc nghề xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiếu Cái Chanh (Cần Thơ), từng là một thương hiệu nổi tiếng của một làng nghề truyền thống có gần cả trăm hộ dân cùng gắn bó với cây lác dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp. Thế nhưng, ít ai biết giờ đây những người làm nghề thủ công truyền thống này chỉ còn lại đếm trên đầu ngón tay.

Những ngày đầu tháng 7, PV PLVN trở lại làng chiếu Cái Chanh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Làng nghề truyền thống từng được nhiều người biết đến với sản phẩm chiếu thủ công tỉ mỉ, bền chắc theo thời gian. Cũng chính vì điều đó đã mang lại cho nơi này sự sung túc ấm no đến với biết bao gia đình làm nghề dệt chiếu.

Một thời vàng son

Loay hoay trong cả giờ đồng hồ tìm kiếm, mãi PV mới có thể đến được ngôi nhà của bà Bùi Thị Đào (64 tuổi, ngụ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), một trong những hộ còn lại gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống, người đã đồng hành cùng thương hiệu làng chiếu Cái Chanh. Bà Đào cho biết, thuở xưa nghề dệt chiếu tại nơi này rất phát triển, đi đâu cũng thấy dệt chiếu, thêm vào đó ngay từ còn trẻ, bà đã có cảm tình với những đường nét hoa văn trên chiếc chiếu, vì yêu thích nó nên bà đã được cha mẹ truyền dạy về kỹ năng dệt chiếu.

Bà Đào vẫn miệt mài bên khung dệt chiếu

Bà Đào vẫn miệt mài bên khung dệt chiếu

Nhớ lại thời vàng son của làng chiếu Cái Chanh, bà Đào không khỏi bùi ngùi. Nghề làm chiếu cách đây gần 20 năm về trước rất thịnh. Ngày đó, từ những buổi sớm tinh sương, nhà nhà đã vang lên tiếng lọc cọc phát ra từ khung dệt chiếu. Những chiếc chiếu được dệt ra tới đâu là bán hết ngay tới đó, khiến cho hộ gia đình làm chiếu luôn phấn khởi, hăng say lao động, gắn bó với từng cọng lác, sợi đan. Cứ mỗi lần xong một mẻ chiếu là gia đình bà thở phào, rồi lại tiếp tục lao vào công việc như chưa hề biết mệt.

Bà Đào cho biết: “Trước đây, mỗi lần tết đến là khung dệt chẳng lúc nào được ngơi nghĩ, thương lái tới đặt liên tục. Tuy lời ít, nhưng lấy số lượng bù qua nên cũng tăng gia thu nhập cho gia đình ổn định. Thậm chí, thời hoàng kim đó còn có thương lái từ nơi khác đến đặt, giúp cho chiếc chiếu Cái Chanh vượt xa hàng trăm cây số, được mọi người biết đến”.

Chiếu Cái Chanh nức tiếng xa gần đó là nhờ quy trình làm chiếu kỹ lưỡng và công phu. Không chỉ riêng gia đình bà, những hộ lân cận thời điểm đó làm cũng rất chăm chút cho từng sản phẩm, vì thế đôi khi người dân không cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm, mà thương lái khắp nơi tự tìm đến đặt hàng. Hơn nữa, lúc trước khi cải tạo nông nghiệp, vùng này có diện tích trồng lác cũng rất lớn nên không phải lo khâu nguyên liệu, bà Đào chia sẻ thêm.

Sợi lác sau khi đem về sẽ được nhuộm và đem phơi khô.

Sợi lác sau khi đem về sẽ được nhuộm và đem phơi khô.

Thế nhưng, ký ức về một thời thịnh vượng của làng nghề truyền thống chiếu Cái Chanh ấy giờ đã trôi qua và trở thành sự tiếc nuối. Theo lời của những vị cao niên tại đây thì làm nghề dệt chiếu giờ không đủ trang trải cho cuộc sống. Nguồn nguyên liệu tại chỗ, nay cũng bị đứt đoạn vì người dân giờ đã chuyển sang trồng cây ăn trái, hoặc làm lúa.
Hơn nữa, những năm trở lại đây, tất cả mọi thứ hầu như đều công nghiệp hóa, nhiều người đã chuyển sang làm chiếu máy. Sự khốc liệt của thời gian và thị trường đã dần đưa nghề thủ công truyền thống này dần vào lối mòn quên lãng, những khung dệt dần đóng bụi theo thời gian, tiếng người ta gọi chiếu Cái Chanh cũng lùi vào quá khứ...

Còn sức là còn “giữ lửa” nghề xưa

Nói về cách dệt chiếu, bà Đào phấn khởi, vừa làm vừa cho biết, kích thước làm một chiếc chiếu lớn hay nhỏ là tùy do khách hàng đặt. Một đôi chiếu được hoàn thành phải mất một hoặc hai, ba ngày tùy theo sức khỏe mới có thể xong. Mọi công đoạn làm đều phải hoàn toàn bằng thủ công, nhanh tay, lẹ mắt và một khung dệt phải cần 2 người phối hợp nhịp nhàng mới có thể hoàn thành sớm được. Để có được một chiếc chiếu đẹp và bền, từng sợi lác sau khi được đưa về phải được nhuộm, khi nhuộm xong phải phơi cho vừa đủ nắng, để tránh bị giòn, gãy và ẩm mốc.

Dệt chiếu phải cần 2 người, một người ngồi dệt và một người luồn sợi lác qua khung.

Dệt chiếu phải cần 2 người, một người ngồi dệt và một người luồn sợi lác qua khung.

Hiện tại sức khỏe bà Đào đã yếu, mắt đã mờ, tay dần chậm chạm theo năm tháng, nhưng đối với bà, ngày nào còn khỏe, và có người đến đặt thì bà vẫn còn dệt chiếu, dẫu biết rằng trừ đi chi phí thì tiền lời không là bao. “Nhiều lúc khỏe muốn làm lắm, nhưng phải đợi, vì nguyên liệu sợi lác này phải đặt ở Đồng Tháp gởi về, chứ ở đây không còn ai trồng. Thêm vào đó con cái cũng khuyên vì mình đã lớn tuổi, rồi sợ mình cực mà lời không bao nhiêu, nhưng không vì vậy mà mình nản, vì một ngày không dệt là nhớ nghề, đứng ngồi không yên, rồi cũng đem khung ra dệt. Rồi khi hoàn thành được đôi chiếu là trong lòng lại thấy vui, vì mình được gắn bó với cái nghề này lâu hơn” bà Đào tâm sự.

Giờ đây, những cánh đồng lác bạt ngàn ngày xưa chỉ còn lại trong ký ức của những người con “thủy chung” của làng chiếu năm nào, số hộ làm nghề dệt chiếu truyền thống tại nơi này cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Đối với họ, nghề này không đơn thuần là công việc tạo ra thu nhập cho gia đình, mà vì họ xem đó như một sự hoài niệm về làng nghề một thời vàng son nay đã là dĩ vãng. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, con người với biết bao lo toan trong cuộc sống, cộng với tốc độ đô thị hóa khiến người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm tiện ích, hiện đại và xa dần các sản phẩm truyền thống.

Đọc thêm