Con đường huyền thoại: Hệ thống đường dây quyết định sự sống và cái chết

(PLO) -Việc đảm bảo hoạt động liên lạc dọc Đường mòn luôn được nhấn mạnh. Sự thành công của họ được đo bằng khả năng kết nối giữa các ban chỉ huy cấp cao với trạm tiếp quân này để thông báo đơn vị nào sẽ đến vào lúc nào. Công tác này cũng quan trọng ở chỗ nó giúp đảm bảo việc vận lương, vũ khí, đạn dược… đúng giờ để tiếp tế cho các đơn vị.
Bất chấp việc bị oanh kích ác liệt, sức người sức của vẫn như thác lũ đổ vào chi viện chiến trường miền Nam
Bất chấp việc bị oanh kích ác liệt, sức người sức của vẫn như thác lũ đổ vào chi viện chiến trường miền Nam

Lính thông tin mưu trí

Không phải mọi thứ mà người Mỹ thả xuống Đường mòn đều có thể nổ được. Nhiều khi những thứ được thả xuống có nhiệm vụ khác. Chẳng hạn như thiết bị nghe lén. Những thiết bị này có chức năng như tai người, ghi nhận lại mọi hoạt động dọc Đường mòn. Trong tầm phủ sóng giới hạn, chúng có thể ghi nhận được hoạt động chuyển quân hoặc vận tải.

Chỉ huy các binh trạm thường lập nhóm chuyên trách săn tìm thiết bị do thám. Những nhóm này rất thông thạo trong việc định vị và từ đó tháo dỡ chúng.

“Đôi khi các thiết bị được thả xuống những khu vực không mấy quan trọng nên chúng tôi chủ tâm kích hoạt chúng”, một sĩ quan kể lại với một nụ cười. “Rất khó để phát hiện thiết bị nghe lén và chỉ có thể sử dụng mắt thường để tìm”.

Bộ đội được huấn luyện để theo dõi thiết bị nghe lén và nhiều trạm quan sát đặc biệt được thiết lập để theo dõi máy bay thả máy móc do thám. Có một số thiết bị cùng loại được sử dụng tại hàng rào điện tử dọc vĩ tuyến 17 – một sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Được biết đến với tên gọi Hàng rào điện tử McNamara, hệ thống này ra đời nhằm giám sát hoạt động dọc giới tuyến với miền Bắc, từ đó xác định các tuyến vận lương và vận quân vào miền Nam.

Một sĩ quan nói về hiệu quả của Hàng rào: “Tương tự Hàng rào điện tử McNamara, những thiết bị do thám thả xuống trông giống như cây rừng. Chúng được thả trong một khu vực có chiều rộng tới 100 cây số, bao trùm một mạng lưới giao thông của chúng tôi. Phải mất bảy ngày để tìm ra giải pháp. Rồi chúng tôi đưa xe tới gần chỗ có thiết bị đó và cho chạy đi chạy lại (để người Mỹ tưởng rằng khu vực này có quân hoạt động).

Trong vòng vài tháng sau đó, người Mỹ tiếp tục thả máy do thám xuống trước khi ngưng hẳn. Phương cách này khiến chúng tôi mất một số xe khi máy bay Mỹ tấn công khu vực mà chúng tôi cố ý cho xe tải chạy để đánh lừa. Khi người Mỹ bị dụ tới một địa điểm khác. Các đoàn xe của chúng tôi hoạt động an toàn hơn”.

Những người lính thông tin cơ động
Những người lính thông tin cơ động

Bên cạnh chốt quân sự đóng ở mỗi binh trạm còn có nhiều trạm quan sát. Khoảng cách giữa các trạm thay đổi tùy thuộc vào địa thế của đoạn Đường mòn ở đấy. Ở nhiều nơi, các trạm chỉ cách nhau chừng 15-20 cây số.

Sự sống sót trên Đường mòn phụ thuộc nhiều vào hoạt động thông tin liên lạc nhanh chóng, không bị kẻ thù nghe lén và ngăn chặn. Hoạt động liên lạc được thực hiện bằng máy phát sóng chạy ắc quy hoặc đường dây điện thoại. Phương thức thứ hai được sử dụng nhiều vì có thể tránh được nguy cơ bị Mỹ bắt trộm sóng. (Việc sử dụng sóng vô tuyến chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp hoặc với các liên lạc được ưu tiên cao - NV).

Nhiều lần, máy bay ném bom làm đứt đường dây điện nên các binh trạm phải cử người đi sửa chữa. Hệ thống này rất hiệu quả trong việc kết nối các trạm với nhau và giới hạn khả năng tình báo của quân Mỹ.

Những đường dây nối các chiến trường

Trung sĩ Trần Văn Thực rất thông thạo hệ thống liên lạc của Đường mòn. Năm 1972, ông được điều đến một binh trạm gần Khe Sanh. Ông kể về cuộc sống của những người chịu trách nhiệm duy trì đường dây liên lạc:

“Trước năm 1972, việc di chuyển từ Bắc vào Nam rất khó do quân VNCH kiểm soát nhiều nơi”, ông giải thích. “Nhưng sau năm 1972, Quân Giải phóng (QGP) nắm quyền kiểm soát và tình hình được cải thiện. Nơi tôi công tác là điểm tiếp quân lớn nhất Đường mòn. Đây là một điểm dừng chân tạm thời cho bộ đội di chuyển qua lại giữa Việt Nam và Lào.

Nơi này đóng vai trò là điểm cung cấp quân nhu cho các đơn vị quân đội đang trên đường hành quân ra chiến trường. (Binh trạm cung cấp rất nhiều dịch vụ cho người đi qua và cũng cho phép một người có thời gian lưu lại dài hơn một điểm tiếp quân, còn các điểm tiếp quân, do đặc thù nhiệm vụ, thường có ít nhân sự hơn - NV).

Vì có nhiều nhà kho và cơ sở hậu cần, một điểm tiếp quân có thể rộng năm tới bảy héc ta. Các cơ sở trực thuộc được phân bố rải rác để tránh bị trúng bom đồng loạt”.

Việc đảm bảo hoạt động liên lạc dọc Đường mòn luôn được nhấn mạnh, riêng tại khu vực của ông Thực thì nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng vì đây là điểm tiếp quân lớn nhất Đường mòn. Sự thành công của họ được đo bằng khả năng kết nối giữa các ban chỉ huy cấp cao với trạm tiếp quân này để thông báo đơn vị nào sẽ đến vào lúc nào. Công tác này cũng quan trọng ở chỗ nó giúp đảm bảo việc vận lương, vũ khí, đạn dược… đúng giờ để tiếp tế cho các đơn vị.

Những đoàn xe nhỏ có thể băng rừng đi song song với trục đường chính để tránh máy bay Mỹ
Những đoàn xe nhỏ có thể băng rừng đi song song với trục đường chính để tránh máy bay Mỹ

“Tôi làm việc trong một nhóm chịu trách nhiệm kiểm tra và duy trì toàn bộ đường dây liên lạc từ trạm của tôi tới tất cả các trạm có đường dây kết nối trực tiếp khác”, ông Thực cho hay. “Những đường dây này nối chiến trường phương Nam tới Hà Nội thông qua các trạm như chúng tôi. Bất kỳ một sự đứt gãy nào cũng khiến liên lạc bị đình trệ, vì thế chúng tôi phải kiểm tra thường xuyên”.

Với nhiệm vụ duy trì đường dây liên lạc, nhóm ông Thực được hưởng một quy chế đặc biệt. Tất cả các cá nhân và đơn vị khác khi tới trạm tiếp quân hoặc binh trạm, dù là người làm việc thường trực ở đó, đều phải có giấy công tác.

Ông Thực không cần thủ tục này. Công việc bảo đảm đường dây đòi hỏi những người lính như ông phải di chuyển càng nhanh càng tốt, tới bất cứ trạm nào để kiểm tra các chỗ đứt gãy và vì thế họ được đặc quyền di chuyển tự do.

“Khu vực chúng tôi phụ trách có bán kính mười bốn cây số kể từ trạm tiếp quân”, ông Thực giải thích. “Lúc đường dây không bị đứt, chúng tôi đi về mất một ngày; lúc khác thì lâu hơn. Có hai đường dây chúng tôi phải kiểm tra – đường dưới đất và đường trên cao.

Đường trên cao sử dụng cột làm từ cây rừng và tre, là đường cố định. Đường dưới đất chỉ tạm thời nên sau khi ổn định, chúng tôi có thể cuộn dây lại thu về để tái sử dụng”.

Ở chỗ sông suối, người ta luồn dây vào trong các ống nối với nhau rồi dùng đá dằn xuống đáy sông.

Thợ đường dây chỉ có các đồ nghề cơ bản, chẳng hạn như máy kiểm tra tín hiệu và kìm cắt dây. Đôi khi một cú sốc điện cũng cần thiết để dạy cho người ta biết cách sử dụng đồ nghề một cách hợp lý.

“Chúng tôi có thiết bị kiểm tra xem đường dây có hư hỏng gì không”, ông Thực cho biết. “Nếu đường dây hư, thiết bị sẽ cho biết phía nào của sợi dây nhẹ hơn, tức là phía đó dây bị đứt, tiếp theo chúng tôi lần theo sợi dây về hướng đó để tìm điểm đứt.

Để kiểm tra một sợi dây, tôi cắt vỏ bọc của nó và cặp máy vào. Cách dễ nhất theo tôi là dùng răng cắn. Tôi thường dùng răng cho đến một lần khi tôi đang cắn dây thì có ai đó sử dụng đường dây. Tôi ngã ngửa ra vì bị điện giật”.

Sau lần bị điện giật đó, ông Thực mới nhận ra rằng sử dụng kìm cắt dây sẽ đỡ nguy hiểm hơn.

Một tháng hái lượm giữa rừng sửa đường dây

Những thợ kỹ thuật đường dây như ông Thực hoạt động theo tổ ba người. Dù đôi khi có sự thay đổi thành viên nhưng tình cảm giữa những người trong nhóm rất thắm thiết, ngay cả với “tân binh”.

Vào tháng 9 hoặc 10 năm 1972, tổ của ông Thực đi kiểm tra đường dây. Thành viên mới nhất của tổ - binh sĩ Cường – là một người trẻ tuổi, vừa mới cưới và vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Chàng tân binh tràn đầy năng lượng và rất háo hức trước chuyến đi đầu tiên. Trên đường từ suối La La ở Quảng Trị trở về trạm, khi tổ công tác tới thôn Lương Kim nằm ở vùng đồng trũng thì máy bay đột nhiên xuất hiện.

Cả nhóm hối hả tìm chỗ nấp giữa lúc bom bắt đầu rơi. Một quả nổ rất gần họ. Cả ba đều bị thương. Ông Cường bị thương rất nặng, ngất đi. Ông Thực, nằm cách đấy mười lăm mét, bị mảnh bom xuyên thủng dạ dày. Thành viên thứ ba bị thương ở đầu. Dù rất đau đớn, ông Thực vẫn cố tìm cách giúp đỡ đồng đội.

Một chiếc xe bọc thép rà bom mìn trên đường mòn
Một chiếc xe bọc thép rà bom mìn trên đường mòn

Trong cơn hấp hối, chàng trai trẻ đã thỉnh cầu ông Thực, nhờ tìm gặp vợ mình khi chiến tranh kết thúc và bảo cô ấy đi bước nữa. “Cậu ấy nói “phải làm như thế để con tôi còn có một người cha””, ông Thực kể lại.

“Sau giải phóng, tôi tìm được vợ Cường”, ông Thực kể. “Tôi tới nhà cô ấy và nói rằng tôi đã ở bên cạnh lúc chồng cô ấy hấp hối. Tôi truyền đạt lại di nguyện của cậu ấy. Đó là một di nguyện khó chấp nhận đối với cô ấy. Dù biết rằng cần phải đi bước nữa để đứa con có một người cha nhưng cô ấy luôn bị giằng xé bởi lòng thủy chung đối với Cường. Đó là một tình cảnh khó khăn của rất nhiều góa phụ trẻ sau chiến tranh”.

Công việc sửa chữa và bảo trì đường dây là một công việc tập thể nhưng đôi khi người ta phải làm việc này một mình. Cuối năm 1972, tổ của ông Thực có chuyến đi kiểm tra dài hơn dự tính. Ông Thực ở lại nơi làm việc còn hai người kia trở về trạm để lấy thêm đồ tiếp tế.

Tuy nhiên, mưa lớn gây ngập lụt khiến họ không thể trở lại nơi ông Thực đang chờ. Ông buộc phải trải qua một tháng cô đơn giữa rừng, tiếp tục công việc sửa chữa đường dây và sống bằng thức ăn hái lượm được.

“Quả thực là rất cô đơn”, ông Thực nhớ lại. “Tôi sống một mình giữa rừng. Bụng đói cồn cào, phải lấy súng bắn cá ăn. Trời rất lạnh. Tôi chỉ có duy nhất một bộ quân phục và phải mặc nó thường xuyên, ngay cả khi ướt sũng”.

Đêm tối thật kinh khủng đối. Ông không thể nhóm lửa sưởi ấm bởi ngọn lửa có thể chỉ điểm cho kẻ thù. Đến lúc mưa lũ qua đi, ông sung sướng vô cùng khi gặp lại đồng đội.

Niềm vui và nỗi buồn

Thợ đường dây là những chuyên gia đường rừng. Ban đầu họ dựa vào bản đồ và la bàn để định vị nhưng sau khi đã dày dạn kinh nghiệm, họ có thể tự tìm được đường đi xuyên qua rừng rậm. Nhìn vào một cái cây bị cong hoặc một tảng đá khác thường là họ có thể định hướng để đi một chặng đường dài mà không cần coi bản đồ. Họ thông thuộc đường đi lối lại đến nỗi đôi khi họ được phân công làm giao liên dẫn đường cho các nhóm đến trạm tiếp quân hoặc một binh trạm khác.

Công việc của ông Thực cũng có những khoảnh khắc vui vui. “Có lần tôi sửa chữa một đường dây”, ông Thực kể. “Khi vừa mới nối xong, tôi nhận được một cuộc gọi đến. Tôi hỏi ai đó. Người kia trả lời “Tao đây”. Vì không biết “Tao” là ai nên tôi mới hỏi lại rằng ai đang ở đầu dây bên kia thế. Đầu kia lại nói “Tao đây”. Anh ta cứ không xưng danh nên tôi cứ phải hỏi lại.

Những nữ dân công chân trần gánh hàng hóa vũ khí
Những nữ dân công chân trần gánh hàng hóa vũ khí

Tôi hỏi tới lần thứ ba thì giọng nói bên kia trở nên giận dữ. Khi anh ta hét “Tao đây” một lần nữa, tôi bắt đầu lờ mờ hiểu ra sự thể. Trong một thoáng suy nghĩ, vì “Tao” vừa có thể là một tên riêng vừa có thể là một đại từ xưng hô thông thường, tôi chợt nhớ rằng “Tao” cũng là tên thủ trưởng của tôi. Tôi lập tức làm ra vẻ như vừa xảy ra một sự cố kỹ thuật và cúp cuộc gọi để cho cơn giận của thủ trưởng có thời gian tan đi”.

Hệ thống liên lạc hoạt động tốt đã cứu sống nhiều người. Một sĩ quan kể lại, vào một đêm nọ khi ông đang đi trong khu vực do mình quản lý, đoàn xe gồm bốn chiếc đang chạy trong bóng tối. Chợt có một lính gác ở trạm quan sát bên đường vẫy xe dừng lại. Anh này cho biết tin báo từ một trạm quan sát khác cho biết có một máy bay đang từ phía Bắc bay dọc Đường mòn về hướng đoàn xe Nam tiến của ông.

Sau vài phút, mọi người đã nghe tiếng máy bay. Ông lập tức cho tài xế tấp xe vào nấp dưới rặng cây vì ở đây không có chỗ trú ẩn an toàn cho xe. Sau đó ông ra lệnh tài xế xuống xe và chui vào hầm trú ẩn bên Đường mòn. (Hầm cá nhân được đào ở nhiều nơi dọc Đường mòn - NV).

Ngay khi vừa chui vào hầm, mọi người nghe âm thanh của một chiếc AC-130 lướt qua trên đầu. Chiếc máy bay AC-130, vốn được thiết kế đặc biệt để chiến đấu ban đêm, ngay lập tức xả súng vào đoàn xe đậu bên đường. “Máy bay bắn rất chính xác vào xe của tôi”, ông cho biết. “Phần lớn xe đều hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn”.

Dù bị mất xe nhưng ông và đồng đội đã thoát chết nhờ sự cảnh báo hiệu quả dựa trên hệ thống liên lạc dọc Đường mòn.

Hình chụp năm 1967, chị La Thị Tám, được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang khi là chiến sĩ thuộc Đại đội Giao thông Vận tải đóng tại Ngã ba Đồng Lộc
Hình chụp năm 1967, chị La Thị Tám, được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang khi là chiến sĩ thuộc Đại đội Giao thông Vận tải đóng tại Ngã ba Đồng Lộc

Nhưng cũng có một vài lúc hệ thống liên lạc trục trặc, không thể báo trước được các vụ không kích sắp xẩy ra. Ông kể câu chuyện về một vị chỉ huy kém may mắn: “Tôi dự tính dẫn một đoàn xe từ Đường mòn xuống Huế, nhưng sau đó không đi được. Một người bạn thân của tôi đi thay. Anh ấy và năm người khác bị máy bay tấn công; lúc đó không hề có tin báo gì cả. Tất cả đều hy sinh”.

(Còn tiếp)

Mỗi một chuyến đi đòi hỏi sự thận trọng tối đa bởi lẽ hiểm họa mang nhiều hình thù khác nhau. Một sĩ quan kể lại chuyến đi từ Huễ về Quảng Trị cho thấy cần phải luôn cẩn trọng cao độ.

Ông và đồng đội đi xe lên Đường mòn. Họ đi ban đêm và biết rằng máy bay B-52 có thể ném bom bất cứ lúc nào. Dựa vào kinh nghiệm của mình, ông ra lệnh cho tài xế tránh đi vào Đường mòn chính mỗi khi điều kiện về địa hình cho phép. Xe chạy song song với Đường mòn trong một khoảng cách chừng một cây số, xuyên qua những khu rừng thấp.

Cách di chuyển này đã cứu sống ông và đồng đội trong đêm hôm đó. Một lần khi xe vừa rời đường chính thì B-52 ập đến rải bom lên Đường mòn. (Máy bay B-52 bay rất cao và hoạt động vào ban đêm nên khác với các loại máy bay chiến thuật, người dưới mặt đất không hề thấy hoặc nghe được tiếng máy bay khi nó đến gần; thường thì người ta chỉ nghe tiếng bom rít vài giây trước khi nó rơi xuống mặt đất hoặc phát nổ - NV). Một quả bom do B-52 thả xuống phát nổ chỉ chỉ cách xe của ông có 500 mét.

“Giống như một trận động đất vậy”, ông nhớ lại. “Chiếc xe của chúng tôi bị chấn động mạnh vì sức ép của bom”. Tin rằng trận ném bom đã qua, đoàn xe trở lại đường chính, tiếp tục hành trình kéo dài mười ngày tới Quảng Trị.

“Một lần khác, chúng tôi bị máy bay chiến thuật tấn công. Mọi người buộc phải bỏ xe lại. Có một người chui xuống gầm xe tải chở hàng và hành lý để trốn. Chiếc xe bị trúng đạn nhiều lần nhưng may nhờ có hành lý và hàng hóa bên trên chắn đạn nên người đó không bị thương”.

Nhật ký của một binh sĩ tả những trận ném bom trên Đường mòn:

“Chúng tôi vừa trải qua một trận ném bom tại Trạm 54-A vào lúc 9 giờ tối ngày 4/1/1972. Tôi đang nằm trên võng bên cạnh người bạn thì nghe tiếng gì giống như một cơn bão đang ập tới. Tiếp đó là những tiếng nổ đanh, như có cả ngàn quả lựu đạn đang rơi xuống đầu chúng tôi. Mọi người chỉ kịp nằm áp sát mặt đất và ở yên đó trong khi bản giao hưởng bom kéo dài suốt bốn mươi phút.

Bom rơi khắp nơi, mảnh bom chết chóc bay vèo vèo trên không. Trong suốt trận bom, một đồng đội cứ phàn nàn rằng những người ở trạm không chịu đào hầm. Sau khi bom ngưng, người ta mới chỉ một chiếc hầm cá nhân mà anh không thấy. Nó nằm ngay sát võng của anh”. 

Đọc thêm