|
Nguyện vọng của chị Nhung là được nuôi dưỡng, chăm sóc ông nội, tránh sự hành hạ từ chính những người thân trong gia đình. |
5 lần tố cáo ông bị ngược đãi
Người đâm đơn tố cha mẹ ngược đãi ông nội có khuôn mặt khá xinh, dáng người nhỏ nhắn và một nụ cười hiền từ, nhưng đôi mắt hơi trũng sâu vì phải suy tư. “Tôi đã phải nghĩ đi nghĩ lại trước việc có nên tố cáo cha mẹ mình ra trước pháp luật hay không”, chị trầm tư. Chị cho biết, người ông tên Đào Văn Lượng (SN 1919) hiện sống cùng bố mẹ chị là ông Nguyễn Văn Quang và bà Bùi Thị Đông tại phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuật.
“Ông tôi thường xuyên bị cha mẹ đánh đập, đã bốn lần tôi phải đưa ông đi viện cấp cứu. Giấy tờ vào viện và hình ảnh vết thương ông nội bị đánh tôi vẫn giữ là chứng cứ mà cha mẹ tôi đã gây ra cho ông nội”, chị Nhung nói.
Chị cho biết, sau bốn lần nhập viện, hiện sức khoẻ ông cụ rất yếu. “Tình hình đã gấp lắm rồi, tôi mà không can thiệp kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng ông. Trong khi giờ cha mẹ không cho tôi lại gần ông để chăm sóc”, vẫn lời chị Nhung.
Vừa nói, chị Nhung vừa mang ra một tập đơn thư đã chuẩn bị từ trước cho phóng viên Xa lộ Pháp luật xem. Trong bộ hồ sơ đó có những hình ảnh của ông bị chấn thương thâm quầng hai mắt và một vết bầm dài ở mặt; hình đôi chân ông bị phù nề căng mọng nước. “Đây là những hậu quả mà ông phải chịu là do ba mẹ tôi bạc đãi cụ”, chị Nhung tố cáo.
Ngoài ra, trong tập hồ sơ còn kèm theo những hóa đơn thanh toán tiền viện phí trong vòng 8 tháng qua. Tất cả những thông tin trong đơn thuốc đều ghi ông bị phù dinh dưỡng kiệt sức, hạ cali máu, rối loạn tuần hoàn, bị chấn thương đầu, sức khỏe suy kiệt...
Chị kể, lần gần đây nhất ông nội bị ngược đãi là vào ngày 21/7. Buổi sáng hôm đó chị về nhà vào phòng ông thì thấy ông ngồi run lẩy bẩy, mặt mày bầm tím, hai mắt bầm đen. Hỏi ông vì sao lại bị như vậy thì ông trả lời trong sự sợ hãi, giọng nói ông khan đặc: “Chúng nó đánh ông mấy lần rồi, đi làm nó vào đánh rồi mới đi”.
Nhìn thấy ông bị thương nặng, cháu gái vội vàng đưa vào bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột cấp cứu. “Sau đó tôi gọi điện thoại cho bố mẹ và những người thân khác thông báo lên gặp bác sỹ, nhưng không ai lên. Đến đầu giờ chiều bố mẹ mới lên bệnh viện, mắng chửi tôi trước sự chứng kiến của các bác sỹ”, người cháu thuật lại.
|
Ông nội của chị Nhung |
Liền sau đó, cha mẹ chị đòi cho ông xuất viện vì: “Ông không bị làm sao mà cũng đưa đi bệnh viện”. Lúc đó bác sỹ không cho gia đình đưa ông về nhà vì lí do sức khoẻ. Hôm sau, gia đình ký cam kết buộc ông phải về nhà.
“Tôi đã gửi đơn thư tố cáo về hành vi ngược đãi, bất hiếu không chăm sóc ông nội của bố mẹ lên cho các cơ quan công an phường, công an thành phố và viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk”. Cũng từ lúc chị trình báo sự việc lên cơ quan công an thì bố mẹ chị tuyên bố cấm cửa không cho chị về nhà. Thế là chị hết cơ hội được bảo vệ, chăm sóc ông.
Tranh giành vật chất mà mất tình người?
Chị Nhung tâm sự, năm mình được 2 tuổi, do bố mẹ sinh thêm em bé, hoàn cảnh khó khăn nên chị được ông nội và bà nội đưa về nuôi. Từ bé cho đến lúc trưởng thành chị được sống yên bình trong tình yêu thương chở che của ông bà nội.
Ông bà nội chị có 5 người con, trong đó có 4 con gái, mình bố chị là con trai. Gia đình sau đó tranh giành tài sản của ông bà để lại mặc dù ông vẫn còn sống. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến gia đình rạn nứt, người bố trong nhà không được tất cả con cái chăm sóc, lo toan chu đáo.
Theo trình bày của chị Nhung, vì chị ở cùng ông bà, lại là phận làm cháu nhưng được ông bà bảo sẽ chia tài sản cho chị nên mọi người trong gia đình muốn chia rẽ tình cảm hai ông cháu. Do cả 5 người con của ông bà đều sinh cơ lập nghiệp ở Buôn Ma Thuật nên ông bà đã nghe theo lời bàn bạc của con cháu bán nhà cửa vườn tược ở quê hương Hà Nam để vào đây sinh sống.
|
Những hình ảnh được coi là chứng cứ của chị Nhung |
Sau ngày bà nội mất năm 2010, chị bị những thành viên khác trong gia đình đuổi ra đường, không được ở cùng ông nội. Mọi người trong gia đình ra điều kiện với chị, nếu muốn ở lại thì phải đóng tiền nhà mỗi tháng 500 nghìn đồng và bỏ việc ở nhà chăm ông. Chị phải ra ngoài thuê nhà trọ để sinh sống. Ông nội thì được người con gái thứ ba mang về nhà chăm sóc. Đến cuối năm 2012, ông được đưa về cho bố mẹ chị Nhung chăm sóc.
Chị giãi bày: “Tôi cũng là cháu trong gia đình nhưng thấy mọi người đối xử với ông nội như vậy tôi thấy quá bất hiếu. Sao không để cho ông cháu tôi một con đường sống, để tôi nuôi ông chăm sóc ông lúc tuổi xế chiều như trước đây ông đã chăm sóc tôi”.
Theo chị Nhung, lí do chị mong muốn được chăm sóc ông là để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho cụ; hơn nữa, ở tuổi xế chiều ông cần bàn tay yêu thương che chở chăm sóc của con cháu. “Hãy cứu lấy ông tôi, vì hiện nay ông tôi đang trong tình trạng không thuốc men, thiếu sự chăm sóc thật lòng, ông già rồi không thể tự chống đỡ được. Trong khi đó, tôi muốn về nhà thăm ông chăm sóc thì bị cha mẹ tôi cấm cửa. Tôi không biết tại sao cha mẹ tôi lại làm vậy nữa”, chị Nhung nói.
Đã 5 lần chị gửi đơn thư đến công an và viện kiểm sát địa phương, yêu cầu can thiệp, làm rõ vụ việc nhưng đến nay chưa được không được giải quyết, làm rõ. Cơ quan chức năng cho rằng đó là việc trong gia đình, mọi người tự giải quyết, chứ pháp luật không can thiệp. Hơn nữa, phía cơ quan chức năng giải thích với chị là không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng ông bị người nhà chị đánh. “Việc ông nói bị đánh có thể do tuổi già nên lẩm cẩm. Biết đâu ông bị ngã nên mới bị thương tích nặng như vậy”, chị Nhung dẫn lại lời phía cơ quan công an trả lời chị.
Tuy nhiên, chị Nhung không đồng ý với cách trả lời trên, muốn cơ quan chức năng đến tận nơi để điều tra, làm rõ xem cha mẹ chị có hành hạ, bạc đãi ông nội dẫn đến thương tích hay không.
Những hình ảnh được cho là chứng cứ của chị Nhung
Những hình ảnh được cho là chứng cứ của chị Nhung