(PLO) - Tôi sinh ra và lớn lên ở làng hoa truyền thống của Hà Nội ven hồ Tây lộng gió. Cuộc sống của người làng hoa chúng tôi không chỉ lãng mạn, lung linh như trong lời bài hát nổi tiếng “Làng lúa, làng hoa” mà còn phải nếm trải nỗi vất vả, cơ cực trăm bề.
Nghề hoa đã theo dân làng tôi mấy trăm năm nên ngay từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy các công việc làm vườn, trồng, chăm sóc hoa cũng như nhiều công việc lặt vặt khác. Tuổi thơ của những đứa con gái làng hoa như chúng tôi vất vả hơn chúng bạn. Ngoài khi đi học, chúng tôi còn phải trông em, đun nước mang ra đồng cho mẹ, giúp mẹ xách nước tưới hoa. Nhiều hôm còn phải phụ mẹ dậy cắt hoa từ lúc sáng sớm khi sương mai còn nặng hạt để kịp phiên chợ…
Càng lớn tôi càng hiểu con gái làng hoa quê tôi vất vả thật. Công việc chăm bón, tưới tắm cho hoa diễn ra suốt ngày. Đó còn chưa kể nhiều đêm phải cắt hoa, tỉa hoa từ nửa đêm mới kịp phiên chợ. Chẳng thế mà người làng tôi đã nghĩ ra hai câu thơ để cảm thông và chia sẻ về sự vất vả của những người con gái của làng: “Em là con gái làng hoa/ Ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm”.
Năm 15, 16 tuổi, tôi đã thực sự là một lao động chính trong gia đình cùng mẹ ngày nào cũng bươn trải nơi những vạt hoa, rau bên bãi bồi ven sông. Nhà trồng 4 sào hoa và 2 sào rau màu các loại nên tôi và mẹ có hôm phải ăn cơm nắm mang theo để tranh thủ công việc chứ không có mấy thời gian về nhà. Có những hôm, mới 3 giờ sáng mẹ đã đánh thức tôi dậy để đi tưới hoa khi sương sớm còn lạnh tái tê. Nước hiếm nên tôi phải quẩy nước mãi tận ngoài sông Hồng, xa đến nửa cây số.
Thấy tôi vất vả, mẹ động viên: “Gắng lên con, phải chịu khó lao động mới thoát được nghèo khổ. Mà con cũng phải chăm chỉ mà học hành vì đó cũng là con đường duy nhất để mà thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Đời mẹ đã vất vả, nên con phải cố gắng…”. Tôi im lặng, nghe nước mắt dâng ngập khóe mi…
Bố tôi hi sinh trong chiến tranh, để lại cho người vợ trẻ một bà mẹ già và đàn con nhỏ. Anh em chúng tôi lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của mẹ. Mẹ tôi đã chấp nhận để tuổi xuân phai tàn mà ở vậy làm tròn đạo hiếu với mẹ chồng và chăm sóc các con. Nhờ những luống hoa mẹ vun trồng nên mới có chúng tôi lớn khôn như ngày hôm nay, vì thế tôi càng không bao giờ quên công ơn của mẹ.
Tôi không theo nghề hoa của mẹ, nhưng nghề hoa đã theo mẹ tôi suốt cả cuộc đời và mỗi khi mùa xuân về tôi lại nhớ mẹ, nhớ cái ngày bà trở về với thiên cổ khi trời rây rây mưa bụi. Cứ lần nào nghĩ về mẹ như vậy, những giọt lệ trên khoé mắt lại tuôn trào…