(PLO) - Một nhà văn khi đọc những dòng viết về đĩa hoa cúng của nhà văn Băng Sơn (trong cuốn sách “Thú ăn chơi của người Hà Nội”) đã cảm thán rằng: “Cái lối cúng hoa, chơi hoa của ta đơn sơ mà đẹp. Nghe Băng Sơn kể, muốn cầm tận tay một gói hoa gói bằng lá dong bồ tát mà không biết có còn không?
Ấy là hoài niệm của mỗi người đã gắn bó với Hà Nội từ những ngày loạn lạc, khó khăn. Ấy là miền ký ức của những người biết thưởng hoa của một Hà Nội xưa cũ. Bây giờ, những ký ức này vẫn còn sót lại bên một “gánh hàng hoa” ở phố Hàng Khoai, Hà Nội bởi một người sinh ra và lớn lên ở làng hoa Ngọc Hà.
Hoài niệm Tết xưa…
Gắn liền với hoa từ năm lên 13, nay đã 78 tuổi bà Phan Thị Thu có mặt ở những dãy phố chạy dài từ chợ Đồng Xuân xuống đến Hàng Khoai đã vài chục năm. “Gánh hàng hoa” của bà cũng đơn giản lắm: vài rổ hoa với đủ màu sắc nhưng cũng làm nên một không gian ngát hương, khác biệt so với cửa hàng hoa rực rỡ, mọc lên ở khắp các con phố Hà thành.
|
Bà Thu và "Gánh hàng hoa" |
Mỗi mùa bà bán từng loài hoa khác nhau nhưng tất thảy toát lên một mùi hương thoang thoảng, quyến rũ, khiến người ngửi thấy ngỡ đang ở một miền an lành, ấm áp nào đấy, chứ không phải là Hà Nội xô bồ, nghẹt thở.
Riêng mỗi dịp Tết, các loại hoa bà dành để trưng bày bàn thờ gia tiên là hồng, lan tây và bưởi. Bà bảo, những loài hoa này có mùi hương rất riêng, quyện hòa cùng hương trầm khiến con người như được động viên, khích lệ.
Gương mặt mơ màng, bà nhớ lại những ngày Tết xưa: “Sáng mùng Một, trong cái rét ngọt của ngày đầu xuân, mùi trầm thơm dịu hòa cùng hương thoang thoảng, quyến rũ của đĩa hoa cúng làm ấm sực không gian gia đình, khiến những bàn tay nội trợ háo hức vào bếp chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng lên tổ tiên vào thời khắc quan trọng nhất trong năm”.
Bà bảo, cứ nghĩ đến những ngày xa xưa ấy là lại nao lòng. Nên dù xã hội thay đổi thế nào, dù các loại hoa được lai ghép, biến đổi ra sao thì nhà bà vẫn dùng đĩa hoa cúng để gìn giữ những nét văn hóa một thời của Hà Nội.
Bà nhớ những ngày xưa, khi mấy chị em cùng cắp rổ đi bán hoa rong với nhau. Đi hết phố nọ đến phố kia, đâu đâu cũng thấy người làng hoa Ngọc Hà. Nhưng người ở làng hoa này tự hào lắm vì đĩa hoa cúng là đặc sản riêng có của người làng. Một số loại hoa được trưng vào đĩa như các loại lan, móng rồng, trứng gà, sói trắng, sói vàng, mẫu đơn, thiên lý…
Níu giữ ký ức Hà Nội
Qua thời gian, qua sự sàng lọc khắc nghiệt của kinh tế thị trường, những người trồng các loài hoa này cũng dần mai một. Bởi ai cũng muốn làm sao để thu hồi vốn càng sớm càng tốt. Nếu trồng những loại hoa để làm thành đĩa hoa cúng phải mất cả nửa năm mới thu hoạch được một vụ. Bây giờ bà Thu cũng vất vả lắm mới gom mua được những thứ hoa ít ỏi còn sót lại.
Cứ dịp Tết, có những người mua hàng chục đĩa hoa để dùng dần. Mỗi ngày mở một gói, bày ra đĩa rồi đặt lên bà thờ để gửi tấm lòng thành của mình đến gia tiên. Hoặc cũng có người mua để dành đến tiết thanh minh… Hoa đĩa đặt trên bàn thờ thường được để cho khô, nhiều người coi những cánh hoa khô ấy như chân hương, trân trọng, giữ gìn. Bởi hoa khô nhưng hương vẫn phảng phất như minh chứng cho tâm thành của con cháu dành cho tổ tiên…
Bà bảo, bây giờ con người đang đơn giản mọi thứ, cứ mua hoa cành về cắm vào lọ là xong nhưng bà vẫn quyết giữ lại đặc sản riêng có của làng mình nên mỗi ngày chợ bà vẫn mang theo ít lá, để dành gặp những người khách muốn tìm về Hà Nội xưa bà lại tỉ mẩn, nhẹ nhàng gói hoa cho khách. Những lúc ấy, cả người bán và người mua đều im lặng, dõi theo từng động tác gói hoa như muốn níu lại không gian của Hà Nội xưa cũ...